Bệnh teo não là hiện tượng mô não bị mất các tế bào và sự kết nối giữa chúng. Nó có thể xảy ra ở toàn bộ não hoặc chỉ ở một vùng não nhất định và gây ra suy giảm chức năng mà vùng não đó kiểm soát. Đây có thể là hậu quả của nhiều căn bệnh khác nhau như đột quỵ, đa xơ cứng hoặc bệnh mất trí nhớ (Alzheimer)…
Bệnh teo não xảy ra tự nhiên khi bạn già đi. Tuy nhiên, quá trình này diễn biến rất chậm và thường không gây nhiều nguy hiểm. Hiện nay, đa số trường hợp mắc bệnh teo não đều liên quan đến chấn thương hoặc hậu quả nghiêm trọng của những bệnh lý khác. Ở dạng này, teo não diễn ra nhanh hơn và gây nhiều nguy hại hơn.
Những dấu hiệu teo não đầu tiên
Các triệu chứng bệnh teo não sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hầu như các bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu cơ bản như sau:
- Mất ngôn ngữ: Khó nói, khó khăn khi viết, không thể hiểu được nghĩa của từ
- Sa sút trí tuệ: Ảo giác, mất ngôn ngữ, vấn đề về ghi nhớ, thay đổi tâm trạng và tính cách, khả năng phán đoán kém.
- Co giật: Miệng có vị đắng hoặc vị kim loại, co giật, co cứng, mất ý thức, nghiến răng.
Nguyên nhân teo não là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như chấn thương, bệnh tật, nhiễm trùng.
Bệnh teo não do đột quỵ và chấn thương sọ não
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây bệnh teo não phổ biến. Khi lưu lượng máu lưu thông đến não bị ngừng đột ngột, não không được cung cấp oxy. Khi đó, các tế bào thần kinh trong khu vực thiếu oxy sẽ chết. Người bị đột quỵ thường bị mất luôn khả năng chuyển động và sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp thường ngày.
Một khía cạnh khác của chấn thương gây bệnh teo não là chấn thương sọ não. Điều này xảy ra khi bạn bị ngã, bị tai nạn giao thông hoặc bị đánh mạnh vào đầu.
Teo não do bệnh tật
Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer khiến tế bào não bị tổn thương dần dần. Người bệnh cũng sẽ bị mất dần chức năng giao tiếp. Khả năng suy nghĩ và ghi nhớ tình tiết cũng bị ảnh hưởng trầm trọng làm biến đổi chất lượng cuộc sống.
Bệnh sa sút trí tuệ thường xảy ra ở những người từ 55 tuổi trở lên. Nó chiếm 60-80% trường hợp mất trí nhớ.
Bên cạnh đó, bệnh Pick và chứng sa sút trí tuệ thái dương cũng là nguyên nhân gây teo não.
Bệnh bại não
Teo não do bệnh bại não cũng là nguyên nhân thường gặp. Đây là hiện tượng rối loạn vận động do sự phát triển não bất thường khi còn trong bụng mẹ. Nó làm cơ bắp của trẻ sơ sinh không có sự liên kết với nhau dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng vận động.
Bệnh Huntington
Đây là bệnh di truyền gây tổn thương tế bào thần kinh. Bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi từ 30-45. Theo thời gian, bệnh gây ảnh hưởng đến hoạt động thể chất và tinh thần của bệnh nhân.
Người mắc bệnh Huntington có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hoặc hội chứng múa giật – không kiểm soát được các cử động trên khắp cơ thể.
Teo não do bệnh bạch cầu
Đây là một nhóm rối loạn di truyền hiếm gặp làm hỏng vỏ myelin – một lớp phủ bảo vệ các tế bào thần kinh. Bệnh bạch cầu thường gặp ở trẻ em khiến bệnh nhi gặp các vấn đề về trí nhớ, chuyển động cơ bắp, hành vi, thị giác và thính giác.
Bệnh đa xơ cứng
Bệnh lý này thường gặp ở đối tượng thanh thiếu niên. Bệnh nhân nữ sẽ bị nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn nam giới. Đa xơ cứng là một bệnh tự miễn. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công lớp vỏ bảo vệ tế bào thần kinh. Theo thời gian, tế bào thần kinh sẽ bị hủy hoại gây ra nhiều vấn đề về cảm giác, chuyển động và khả năng phối hợp hành vi.
Bệnh đa xơ cứng cũng là nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ và teo não.
Nhiễm trùng
AIDS là bệnh do virus HIV gây ra, tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể. Mặc dù virus không tấn công trực tiếp vào tế bào thần kinh nhưng nó làm hỏng các kết nối của chúng. Chính sự phá hỏng này sẽ gây ra sự thiếu hụt tế bào thần kinh dẫn đến chứng teo não.
Viêm não
Teo não do bệnh viêm não cũng là nguyên nhân đáng lo ngại. Nó thường xảy ra ở những người mắc herpes simplex (HSV) giai đoạn biến chứng hoặc những bệnh nhận bị virus zika tấn công. Các loại virus này thường làm tổn thương tế bào thần kinh và gây ra các triệu chứng như nhầm lẫn, co giật và tê liệt.
Giang mai
Giang mai thần kinh là căn bệnh gây tổn thương não và lớp bảo vệ vỏ não. Bệnh thường xảy ra ở những người mắc bệnh giang mai do quan hệ tình dục bừa bãi hoặc những người không điều trị bệnh giang mai triệt để.
Trong tất cả những nguyên nhân gây ra bệnh teo não, có những yếu tố chúng ta không thể chủ động phòng ngừa như bệnh huntington, bệnh bạch cầu hay bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân còn lại đều có thể phòng ngừa được.
Chúng ta chỉ cần quan hệ tình dục an toàn bằng cách sống chung thủy, sử dụng bao cao su để ngăn ngừa bệnh giang mai và bệnh AIDS hoặc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để hạn chế nguy cơ bị chấn thương sọ não khi không may có tai nạn xảy ra…
Đó chỉ là những thói quen nhỏ thường ngày nhưng lại có ý nghĩa lớn trong việc phòng ngừa chứng teo não, bảo vệ cuộc sống của bạn.
Bệnh teo não có nguy hiểm không?
Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng của não bộ. Tùy theo khu vực não bị mất tế bào mà mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau.
Teo não cục bộ khiến tế bào não bị mất ở khu vực nào đó sẽ làm mất chức năng do khu vực não đó chi phối.
Teo não toàn bộ não gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến tính mạng và khả năng duy trì hoạt động sống của bệnh nhân. Người bị bệnh teo não có tiên lượng sống yếu ớt vì lúc này, não đã có tình trạng co rút.
Ngược lại, người mắc bệnh đa xơ cứng lại có thể có tuổi thọ bình thường nếu được điều trị bệnh hiệu quả.
Khi bệnh teo não diễn biến nặng hơn, bệnh nhân sẽ mất hết khả năng tự chăm sóc bản thân. Các hoạt động cơ bản thường ngày như ăn uống, tắm rửa, đi lại cũng phải nhờ người khác hỗ trợ. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến họ dễ mắc thêm những căn bệnh khác như:
- Viêm phổi: Bệnh này xảy ra với người teo não do họ khó nuốt thức ăn và nước uống. Khi bị sặc, thức ăn đi vào phổi gây ra viêm phổi.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Ở giai đoạn nặng, người bệnh không kiểm soát được hành vi tiểu tiện nên thường được thông tiểu. Đây là yếu tố làm tăng nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Lở loét: Hiện tượng này xảy ra ở người teo não phải nằm yên một chỗ do bị liệt. Khi đó, tại các điểm tỳ như lưng, tay, hai bên hông sẽ bị ghẻ ngứa hoặc lở loét.
- Té ngã và biến chứng: Bệnh nhân teo não thường đi lại khó khăn, khập khiễng nên dễ bị té ngã. Đặc biệt, teo não ở người già càng làm tăng nguy cơ này khiến bệnh nhân có thể bị gãy xương hoặc gặp nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
Chẩn đoán bệnh teo não
Quá trình chẩn đoán sẽ phụ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân. Nó thường bao gồm một bài kiểm tra thể chất và một hoặc vài bài kiểm tra để đo lường khả năng hoạt động của hệ thần kinh.
Sau đó, bệnh nhân sẽ tiến hành thủ tục quét (scan) hình ảnh não theo quy trình như sau:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng hình ảnh X-quang từ các góc khác nhau để tạo ra hình ảnh chi tiết của não bộ.
- Chụp MRI để xem các hình ảnh bất thường của não và hệ thần kinh.
Điều trị bệnh teo não
Các lựa chọn điều trị bệnh teo não phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là giải quyết nguyên nhân teo não.
- Nếu bệnh teo não do đột quỵ, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kích hoạt plasminogen mô (TPA). Thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông để khôi phục lưu lượng máu đến não. Đôi khi, bác sĩ cần phẫu thuật để loại bỏ máu đông hoặc khôi phục các mạch máu bị suy yếu.
- Teo não do chấn thương sọ não có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật để ngăn ngừa tác động tiêu cực đến các tế bào não.
- Người bị teo não do bệnh đa xơ cứng thường được điều trị bằng các loại thuốc giảm nhẹ tác động của bệnh như ocrelizumab, glatiramer acetate và fingerolimod. Những loại thuốc này có vai trò ngăn chặn tác nhân gây bệnh tấn công vào hệ thống miễn dịch làm tổn thương đến các tế bào thần kinh.
- Bệnh teo não do AIDS hoặc các bệnh nhiễm trùng khác có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, steroid và thuốc kháng thể đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ viêm não tự miễn.
Y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị teo não do bệnh sa sút trí tuệ, bại não, bệnh huntington hoặc bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc để giảm nhẹ triệu chứng do các bệnh lý này gây ra.
Cách phòng ngừa bệnh teo não
- Kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh teo não. Thực tế, các bệnh lý như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp… chính là những tác nhân góp phần tạo ra tình trạng thiếu máu cục bộ làm ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh dẫn đến teo não.
- Lao động trí óc thường xuyên bằng cách học ngoại ngữ, nghiên cứu… là phương pháp giúp não “tập thể dục” thường xuyên, làm chậm quá trình lão hóa và quá trình teo não tự nhiên theo tuổi tác.
- Chú trọng sử dụng các loại thực phẩm mang lợi ích cho hoạt động não bộ như súp lơ, hải sản, hạnh nhân, thịt gà, ngũ cốc, đậu nành cũng là cách phòng ngừa bệnh teo não được bác sĩ khuyến khích.
Bạn có thể muốn xem thêm >> Bệnh teo não sống được bao lâu?
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân teo não
Bệnh nhân teo não không thể duy trì cuộc sống một mình. Họ cần sự chăm sóc, hỗ trợ của người thân. Khi chăm sóc bệnh nhân teo não, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Chế độ dinh dưỡng: Trong thực đơn hàng ngày của bệnh nhân teo não cần được tăng cường vitamin (đặc biệt là vitamin B12), omega3 với các loại thức ăn mềm, dễ nuốt. Bệnh nhân nên hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường và nhiều chất béo. Các bữa ăn nên được diễn ra đúng giờ, đúng cữ. Người bệnh teo não giai đoạn cuối không thể tự nuốt thức ăn nên cần được tiêm truyền chất dinh dưỡng.
- Vận động, xoa bóp: Người chăm sóc bệnh nhân teo não hãy cố gắng thường xuyên xoa bóp tay, chân cho người bệnh. Điều này sẽ giúp tay, chân bệnh nhân không bị tê cứng do nằm nhiều, ngăn chặn nguy cơ lở loét, viêm da hay nhiễm trùng.
- Vệ sinh cơ thể người bệnh: Bệnh nhân cần được lau hoặc lấy sạch đờm, nhớt để không bị cản trở hô hấp. Nếu bệnh nhân được đặt ống dẫn tiểu thì ống dẫn phải được vệ sinh và đảm bảo vô trùng.
- Trò chuyện với bệnh nhân: Đây là liệu pháp kích thích nhân thức cho người bị teo não. Bạn có thể thực hành cách trò chuyện, đọc sách báo hay nhắc về những kỷ niệm trong gia đình…
Tỷ lệ phục hồi của bệnh nhân teo não gần như là không có. Vì thế, người thân cần chuẩn bị tâm lý để đón nhận và chăm sóc bệnh nhân. Điều tốt nhất dành cho người bệnh là hãy giúp họ được luyện tập trí não thường xuyên, tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh…
Bạn cũng có thể sử dụng những liệu pháp xoa dịu thần kinh người bệnh bằng các giúp họ ngồi thiền, tập yoga…
[embed-health-tool-bmi]