Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không sẽ phụ thuộc vào loại khiếm khuyết cụ thể và mức độ nghiêm trọng của từng bệnh cũng như thể trạng, các bệnh lý đi kèm khác của bệnh nhân.
Có một số vấn đề bệnh tim bẩm sinh không ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, chúng sẽ cải thiện theo thời gian và thường không cần phải điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng, việc điều trị có thể bao gồm thuốc, thủ thuật đặt ống thông tim, phẫu thuật hoặc cấy ghép tim. Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây.
Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không tùy thuộc vào loại dị tật cụ thể
Hầu hết những bệnh tim bẩm sinh đều tương đối đơn giản nếu trẻ chào đời một cách tương đối khỏe mạnh hoặc có thể chữa khỏi hẳn nếu như được phát hiện và can thiệp từ sớm. Tuy nhiên, cũng có những đứa trẻ phải gánh chịu dị tật tim nghiêm trọng, cần phải phẫu thuật nhiều đợt và theo dõi suốt đời.
Dù vậy cha mẹ cũng không cần quá lo lắng. Cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành Y, giới chuyên khoa ngày nay đã có thể điều trị nhiều dị tật tim bẩm sinh mà trước đây được coi là vô phương cứu chữa. 90% những đứa trẻ không may mắc bệnh đều được kiểm soát tốt và lớn lên bình thường.
Cụ thể, bệnh tim bẩm sinh có chữa được không và lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ tùy thuộc vào từng loại dị tật.
Hẹp van động mạch chủ
Đối với loại dị tật hẹp van động mạch chủ, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ hẹp của van. Bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngay lập tức hoặc theo dõi, chỉ khi các triệu chứng phát triển mới can thiệp.
Các phương pháp điều trị bao gồm: thông tim để mở rộng van và giảm bớt tắc nghẽn hoặc phẫu thuật tim hở (mở lồng ngực) để thay thế van động mạch chủ bằng van tim nhân tạo. Sau này, bệnh nhi cần theo dõi liên tục và có thể phải can thiệp thêm nhiều lần nữa trong quá trình lớn lên.
Co thắt động mạch chủ
Nếu trẻ sinh ra bị co thắt động mạch chủ nghiêm trọng thì cần tiến hành phẫu thuật để khôi phục dòng chảy của máu qua động mạch chủ ngay trong vài ngày đầu sau sinh.
Một số phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp này có thể bao gồm:
- Cắt bỏ đoạn động mạch chủ bị hẹp và nối hai đầu còn lại với nhau.
- Đưa một ống thông mang bóng cao su ở đầu ống vào trong động mạch chủ. Tới vị trí bị co thắt, bóng sẽ được bơm lên để mở rộng động mạch chủ. Bác sĩ có thể đặt thêm stent (một ống rỗng bằng kim loại) để ngăn ngừa động mạch bị co thắt trở lại.
- Lấy một đoạn mạch máu ở vị trí khác của cơ thể bệnh nhân, sau đó tạo một đường đi mới cho dòng máu, nối tắt qua đoạn động mạch bị co thắt (phẫu thuật bắc cầu).
Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không khi có dị dạng van ba lá
Trong nhiều trường hợp, sự bất thường của van ba lá là nhẹ và không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trẻ cần dùng thuốc để giúp kiểm soát nhịp tim hoặc phẫu thuật để sửa chữa/thay thế van ba lá nếu van bị hở nhiều.
Thuốc hay phẫu thuật chỉ là giải pháp tạm thời chứ không thể chữa khỏi bệnh tim bẩm sinh này. Đây cũng là trường hợp cần phải theo dõi, dùng thuốc suốt đời và có thể cần làm thêm phẫu thuật trong tương lai.
Tật còn ống động mạch
Một số trường hợp mắc phải dị tật còn ống dẫn động mạch có thể được điều trị bằng thuốc ngay sau khi sinh. Có 2 loại thuốc thường được sử dụng để kích thích đóng ống dẫn là indomethacin và một dạng ibuprofen đặc biệt.
Ngoài ra, nếu ống dẫn vẫn không đóng sau khi dùng thuốc, bác sĩ phải can thiệp bít ống động mạch lại trong vòng vài tuần sau khi sinh. Trước đây thường mổ hở nhưng hiện nay, kỹ thuật thông tim được sử dụng phổ biến hơn, mức độ xâm lấn tối thiểu và cho phép trẻ phục hồi nhanh.
Tật còn ống động mạch trong bệnh tim bẩm sinh có chữa khỏi được không thì câu trả lời là CÓ. Tuy nhiên, cần phải điều trị sớm vì nếu phát hiện muộn, kết quả can thiệp kém và trẻ phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm suy tim.
Hẹp van động mạch phổi
Hẹp van động mạch phổi thường là nhẹ, không gây triệu chứng và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu dị tật này nghiêm trọng và có nguy cơ cao dẫn đến suy tim thì việc điều trị là bắt buộc.
Phương pháp can thiệp cũng giống trường hợp hẹp van động mạch chủ, trẻ sẽ được thông tim để mở rộng van hoặc phẫu thuật hở để sửa chữa van tim hay thay thế van khi có tình trạng hở van nặng khó sửa chữa.
Dị tật vách ngăn
Dị tật này bao gồm thông liên thất và thông liên nhĩ. Cách điều trị phụ thuộc vào kích thước của khiếm khuyết là nhỏ hay lớn. Theo đó, trẻ không cần phải điều trị nếu khiếm khuyết vách ngăn nhỏ và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào đe dọa đến sức khỏe.
Nếu tình trạng dị tật vách ngăn lớn hơn, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị đặc biệt đưa vào thông qua thủ thuật thông tim, sau đó bít các lỗ này lại. Nếu dị tật quá lớn hoặc không phù hợp với thiết bị thì cần phẫu thuật hở để tiến hành vá lỗ thông bằng một mảnh màng ngoài tim.
Dị tật vách ngăn cũng có thể diễn tiến thành bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng, cần được phát hiện và phẫu thuật trước khi trẻ đi học để trẻ phát triển bình thường. Riêng tật thông liên nhĩ nếu để muộn và gây suy tim, trẻ có thể trẻ sẽ không phẫu thuật được nữa. Vì vậy, bệnh tim bẩm sinh có chữa được không khi có dị tật vách ngăn sẽ phụ thuộc vào thời điểm trẻ được phẫu thuật.
Khuyết tật tâm thất đơn độc
Khiếm khuyết tâm thất đơn độc xảy ra khi một trong hai tâm thất của tim quá nhỏ hoặc quá yếu để bơm máu hoặc bị thiếu van tim nhĩ thất. Đối với loại dị tật này, việc điều trị thường được tiến hành theo từng giai đoạn như sau:
- Ngay sau khi sinh: Tiêm prostaglandin nhằm kích thích máu giàu oxy trộn lẫn với máu nghèo oxy.
- Vài ngày đầu tiên của trẻ: Một đường thông nhân tạo (thủ thuật đặt shunt) được tạo ra giữa tim và phổi để tăng lưu lượng máu có thể đến phổi. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cần đặt shunt.
- Trẻ được 3-6 tháng tuổi: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để nối các tĩnh mạch mang máu nghèo oxy từ phần trên của cơ thể (tĩnh mạch chủ trên) trực tiếp đến động mạch phổi. Điều này sẽ cho phép máu dễ dàng đến phổi để lấy oxy.
- Trẻ được 18-36 tháng tuổi: Tiến hành kết nối tĩnh mạch phần còn lại (tĩnh mạch chủ dưới) với động mạch phổi.
Ngoài ra, ghép tim cũng có thể được chỉ định trong một vài trường hợp nhất định.
Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không đối với tứ chứng Fallot
Tứ chứng Fallot bao gồm bốn dị tật tim bẩm sinh phức tạp, cần phải phẫu thuật vì nếu không điều trị, trẻ hiếm khi nào sống được qua 10 tuổi. Với các triệu chứng nghiêm trọng, cần điều trị ngay sau khi sinh. Nếu nhẹ hơn, phẫu thuật thường được hoãn lại cho đến khi trẻ được 4-6 tháng tuổi.
Bác sĩ sẽ đóng lỗ thông tim và nong hẹp ở van động mạch phổi. Nếu xuất hiện hở van động mạch phổi thì phẫu thuật thay van tim có thể được chỉ định. Khi điều trị tốt, trẻ sẽ vẫn có cơ hội có cuộc sống bình thường.
Kết nối tĩnh mạch phổi dị thường
Đối với dị tật này, việc điều trị cũng là phẫu thuật. Cụ thể là nối lại tĩnh mạch phổi có vị trí bất thường vào đúng vị trí trong tâm nhĩ trái. Nếu tắc nghẽn tĩnh mạch phổi nghiêm trọng, phẫu thuật sẽ được thực hiện ngay sau khi sinh. Nếu tĩnh mạch không bị tắc nghẽn, phẫu thuật có thể được hoãn lại cho đến khi trẻ được vài tuần hoặc vài tháng tuổi.
Trong trường hợp này, bệnh tim bẩm sinh có chữa được không thì câu trả lời cũng là CÓ.
Chuyển vị các động mạch lớn
Trong trường hợp dị tật chuyển vị các động mạch lớn, bác sĩ cũng sẽ cho trẻ tiêm prostaglandin ngay sau khi sinh, giữ cho động mạch chủ và động mạch phổi thông nhau, từ đó máu giàu oxy và nghèo oxy trộn lẫn, giúp giảm triệu chứng cho bé.
Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể cần thông tim để tạo một lỗ tạm thời trên vách ngăn tâm nhĩ (vách ngăn cách 2 buồng tim phía trên) để thúc đẩy quá trình trộn máu. Sau đó, phẫu thuật có thể được tiến hành ngay trong tháng đầu tiên của cuộc đời trẻ. Mục đích là tách các động mạch đã chuyển vị và gắn chúng lại vào đúng vị trí.
Hy vọng thông qua này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc bệnh tim bẩm sinh có chữa được không. Nhìn chung bệnh tim bẩm sinh ngày nay đã không còn quá đáng lo ngại như trước, nhưng cần phải theo dõi sát, điều trị kịp thời nhằm đảm bảo trẻ sinh ra và lớn lên khỏe mạnh như các trẻ khác cùng trang lứa.
[embed-health-tool-heart-rate]