Ung thư vú vốn là một căn bệnh phổ biến ở nữ giới. Vậy, nam giới có bị ung thư vú không? Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về bệnh ung thư vú ở nam giới trong bài viết này nhé!
Tìm hiểu chung
Bệnh ung thư vú ở nam giới là bệnh gì?
Mọi người đều được sinh ra với một lượng nhỏ mô vú. Mô vú bao gồm các tuyến sản xuất sữa (tiểu thùy), các ống dẫn sữa đến núm vú và chất béo.
Ở tuổi dậy thì, phụ nữ bắt đầu phát triển nhiều mô vú hơn, còn nam giới thì không. Nhưng vì nam giới được sinh ra với một lượng nhỏ mô vú, nên họ vẫn có thể bị bệnh ung thư vú.
Ung thư vú thường được phát hiện ở phụ nữ, nhưng nam giới cũng có thể bị ung thư vú. Bệnh ung thư vú ở nam giới là sự phát triển bất thường của các tế bào hình thành trong mô vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) đến các bộ phận khác trong cơ thể. Đây là một bệnh khá hiếm gặp ở nam giới, chỉ chiếm khoảng 1% trong số những trường hợp chẩn đoán bị ung thư vú mỗi năm.
Phân loại
Các loại bệnh ung thư vú ở nam giới cũng giống như ở phụ nữ, bao gồm:
- Ung thư biểu mô ống dẫn sữa. Các tế bào ung thư bắt đầu trong các ống dẫn sữa và sau đó phát triển bên ngoài ống dẫn vào các phần khác của mô vú. Các tế bào ung thư xâm lấn cũng có thể lây lan hoặc di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
- Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn. Tế bào ung thư bắt đầu trong các tuyến sản xuất sữa và sau đó lan rộng từ các tiểu thùy đến các mô vú gần đó. Loại này hiếm gặp ở nam giới vì họ có ít tiểu thùy trong mô vú.
- Ung thư biểu mô ống dẫn trứng tại chỗ (DCIS). Đây là một bệnh vú có thể dẫn đến ung thư vú xâm lấn. Các tế bào ung thư chỉ nằm trong lớp niêm mạc của các ống dẫn, và chưa lây lan sang các mô khác trong vú.
- Các loại ung thư khác. Các loại ung thư vú khác hiếm gặp hơn có thể xảy ra ở nam giới bao gồm bệnh Paget của núm vú và ung thư vú dạng viêm.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh ung thư vú ở nam giới
Các dấu hiệu ung thư vú ở nam giới phổ biến nhất bao gồm:—
- Xuất hiện một khối u hoặc sưng ở vú.
- Bị đỏ hoặc bong tróc vùng da xung quanh vú.
- Kích ứng hoặc lõm vùng da xung quanh vú.
- Chảy máu hoặc tiết dịch núm vú.
- Tụt núm vú hoặc đau ở vùng núm vú.
Những triệu chứng này có thể xảy ra với các tình trạng khác không phải là ung thư. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc thay đổi nào, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hoặc nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở mỗi người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú ở nam giới là gì?
Các nhà khoa học hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú ở nam giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết được rằng bệnh xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường và phân chia nhanh hơn so với các tế bào khỏe mạnh khác. Các tế bào tích tụ tạo thành một khối u có thể lan rộng (di căn) đến mô lân cận, đến các hạch bạch huyết hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ước tính có khoảng 5 – 10% các ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gen và mang tính di truyền. Những yếu tố di truyền được xác định gồm gen 1 (BRCA1) và gen 2 (BRCA2) là tác nhân gây ung thư. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư vú, hãy liên hệ bác sĩ để được kiểm tra và xác định xem bạn có các gen kể trên hay không.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị ung thư vú ở nam giới?
Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nam giới có thể tăng cao nếu bạn:
- Tuổi cao, đặc biệt là nam giới trên 60 tuổi
- Có gen di truyền bị khiếm khuyết, chẳng hạn như BRCA1 và BRCA2.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú.
- Từng xạ trị vào ngực để điều trị bệnh.
- Từng điều trị bằng liệu pháp hormone với thuốc có chứa estrogen.
- Hội chứng klinefelter là một tình trạng di truyền hiếm gặp trong đó nam giới có thêm một nhiễm sắc thể X. Điều này có thể dẫn đến việc cơ thể tạo ra lượng estrogen cao hơn và lượng androgen thấp hơn.
- Chấn thương, sưng tấy, viêm hoặc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
- Mắc bệnh gan, chẳng hạn như xơ gan (sẹo gan) có thể làm giảm nồng độ androgen và tăng nồng độ estrogen ở nam giới.
- Thừa cân và béo phì.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư vú ở nam giới?
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp nhũ ảnh, siêu âm và sinh thiết lấy mẫu tế bào vú để khám, chẩn đoán bệnh ung thư vú ở nam giới. Ngoài ra bạn có thể cần làm thêm một số xét nghiệm về hormone và protein trong cơ thể.
Để có thể xác định mức độ tiến triển của bệnh, bác sĩ dựa trên kết quả của chụp X-quang, chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), phát xạ Positron (PET) và sinh thiết.
Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư vú ở nam giới?
Ung thư vú ở nam giới có chữa được không? Bác sĩ sẽ xem xét diễn tiến của căn bệnh hoặc tình trạng sức khỏe của bạn trước khi chọn lựa và áp dụng các phương pháp điều trị sau:
Phẫu thuật
Phương pháp điều trị thường được dùng nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ toàn bộ vú. Khi thực hiện phẫu thuật cắt khối u, bác sĩ sẽ cắt đi khối u và vùng xung quanh khối u. Khi thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ vú, vú, hạch bạch huyết và đôi khi cơ bắp vùng ngực sẽ được bác sĩ loại bỏ hoàn toàn.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Khi xạ trị ung thư vú ở nam giới, một máy lớn sẽ di chuyển vòng quanh cơ thể và đưa các chùm tia năng lượng đến các điểm chính xác trên ngực.
Hóa trị
Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nếu sau phẫu thuật, tế bào ung thư vẫn còn ở vùng khác hoặc bạn bị ung thư di căn, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện hóa trị.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh ung thư vú ở nam giới?
Bạn có thể kiểm soát tiến triển bệnh nếu bạn thực hiện những thói quen sinh hoạt:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Khám bệnh thường xuyên để phát hiện biến chứng hoặc di căn
- Giữ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhằm duy trì trọng lượng cơ thể cân đối, có thể dùng thêm thực phẩm chức năng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]