Một trong các ảnh hưởng đáng sợ nhất của ô nhiễm không khí trong nhà là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp. Thế nhưng, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ này bằng các giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà.
Không khí trong nhà ít khi được chú ý bởi trong suy nghĩ của nhiều người, ô nhiễm chỉ xảy ra ở ngoài trời. Thế nhưng, thực tế, ô nhiễm không khí trong nhà mới chính là “sát thủ thầm lặng” từng ngày hủy hoại đường hô hấp của bạn.
Hãy cùng Sức khỏe xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh đường hô hấp và các giải pháp giúp nâng cao chất lượng không khí trong nhà, bạn nhé!
Bệnh đường hô hấp nguy hiểm đến mức nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, các bệnh đường hô hấp có thể giết chết 4 triệu người và gây “đau đớn” cho hàng triệu người khác. Những bệnh lý hô hấp thường gặp là hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm đường hô hấp dưới, lao…
Triệu chứng phổ biến của nhóm bệnh này là ho dai dẳng, khó thở, đau tức ngực, thở rít, thở khò khè… Nếu kéo dài, các triệu chứng trên có thể khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược, làm giảm chất lượng cuộc sống và gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày như mặc quần áo, tắm rửa….Không những thế, bệnh đường hô hấp còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, khiến người bệnh dễ thay đổi tâm trạng và làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Nếu không được điều trị, các bệnh đường hô hấp có thể khiến phổi bị tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến suy hô hấp và thậm chí là tử vong do cơ thể không nhận đủ oxy hoặc tích tụ quá mức CO2. Các bệnh lý đường hô hấp còn gây nhiều biến chứng trên tim, não, hệ thần kinh và các cơ quan khác. Một số bệnh hô hấp có khả năng làm tăng huyết áp, dẫn đến bệnh mạch vành và suy tim sung huyết. Không những vậy, người bệnh còn có nguy cơ phải đối mặt với các biến chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mê sảng, lú lẫn và thậm chí là hôn mê.
Tất cả chúng ta đều đứng trước nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp do ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng. Trong đó, ô nhiễm không khí trong nhà là “thủ phạm” đáng sợ nhưng lại ít khi được chú ý đến.
Ô nhiễm không khí trong nhà: Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp
Theo Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), những năm gần đây, mật độ chất ô nhiễm trong nhà có thể cao hơn gấp 2 – 5 lần so với ngoài trời, nhất là ở những thành phố lớn, nơi có nhiều khu công nghiệp và giao thông đông đúc. Điều này làm giảm chất lượng không khí trong nhà.
Ô nhiễm không khí trong nhà là mối hiểm họa tiềm tàng đối với sức khỏe cả gia đình. Bởi vì, hầu hết chúng ta dành khoảng 90% thời gian ở nhà và lúc này, ít ai nghĩ đến việc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, đây lại chính là nơi có thể tích tụ rất nhiều chất gây ô nhiễm không khí như:
Tác nhân sinh học
- Nấm mốc: Chúng tập trung nhiều ở các khu vực ẩm ướt như nhà bếp, nhà tắm… Bào tử nấm mốc có thể kích ứng mũi, họng, gây dị ứng, hen suyễn và làm tổn thương trực tiếp đến phổi.
- Vật nuôi: Các protein có trong lông, nước tiểu hoặc nước bọt của chó, mèo, chim và động vật gặm nhấm là yếu tố làm khởi phát phản ứng dị ứng và kích hoạt các đợt hen.
- Mạt bụi: Mạt bụi có kích thước rất nhỏ, trú ẩn nhiều trên giường, nệm, chăn màn, gối, thảm… Hạt phân và chất tiết của mạt bụi là một trong những tác nhân gây dị ứng cũng như hen suyễn.
- Gián: Phân, các bộ phận cơ thể và nước bọt của gián có thể là tác nhân gây bệnh hen suyễn hoặc kích hoạt các phản ứng dị ứng.
- Vi khuẩn và virus: Các vi sinh vật này có thể bay lơ lửng trong không khí hoặc bám trên các bề mặt. Nếu hít phải, bạn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Khi đã chết, vi khuẩn phân hủy thành các hạt siêu nhỏ, gây ho, hắt hơi, thở khò khè và khiến bệnh hen trở nên trầm trọng hơn.
Tác nhân hóa học ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà
- Carbon monoxide (CO): Khí CO có thể gây ngộ độc và thậm chí dẫn đến tử vong, nhất là với trẻ dưới 4 tuổi và người trên 75 tuổi.
- Formaldehyde: Chất khí này được giải phóng từ các vật dụng bằng gỗ hoặc các vật liệu như ván ép và ván sợi, vật liệu cách nhiệt; sơn; giấy dán tường; các sản phẩm tẩy rửa gia dụng. Formaldehyde có thể gây kích ứng mũi, mắt, cổ họng, khởi phát cơn hen và nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến ung thư vòm họng.
- Radon: Loại khí này thoát ra từ đất và xâm nhập vào nhà thông qua vết nứt trên tường, sàn và các khe hở. Khi đi vào cơ thể, khí radon sẽ tích tụ trên các tế bào lót đường hô hấp và có nguy cơ gây ung thư phổi.
- Chất tẩy rửa và các sản phẩm gia dụng như xà phòng, sản phẩm đánh bóng, thuốc tẩy, bột giặt, nước rửa chén… chứa rất nhiều thành phần gây kích ứng mắt, cổ họng và thậm chí có thể dẫn đến ung thư.
- Khói thuốc: Khói thuốc lá chứa hàng trăm hóa chất độc hại, rất nhiều trong số đó được xem là “độc dược” và có thể gây ung thư. Phổi là một trong những cơ quan chịu tổn thương nhiều nhất.
Các biện pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà
Thực tế, rất khó để loại bỏ hoàn toàn các chất gây ô nhiễm ra khỏi ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn cứ bị động để bệnh tật “gõ cửa”.
Dưới đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà đơn giản nhưng hiệu quả mà bạn có thể áp dụng:
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để tránh bụi bẩn, lông vật nuôi tích tụ và không để các loại rác thải tạo mùi trong nhà.
- Hút bụi 1 – 2 lần mỗi tuần để kiểm soát sự sinh sôi của mạt bụi, nấm mốc, cũng như giúp loại bỏ hết bụi bẩn, phấn hoa, lông thú nuôi, tóc… Bạn nên chú ý hút bụi cho đệm, sofa, giường, thảm hàng ngày.
- Giặt và vệ sinh giường, ga, vỏ gối, rèm cửa… 1 lần/tuần với nước có nhiệt độ từ 49 – 54°C để ngăn ngừa mạt bụi. Theo ước tính, giường, đệm có thể chứa khoảng 100.000 đến 1 triệu con mạt bụi. Ngoài ra, bạn nên lót sàn gỗ hoặc sàn vinyl thay vì trải thảm.
- Kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ trong nhà để hạn chế sự phát triển của nấm mốc, nhất là trong nhà tắm, nhà bếp và các khu vực ẩm ướt. Cụ thể, bạn nên tránh xả nước trước khi tắm quá lâu, sử dụng máy theo dõi độ ẩm và khắc phục sớm các vị trí bị rò rỉ nước.
- Không để thức ăn hoặc rác ở bên ngoài mà không đậy nắp vì như vậy gián sẽ dễ “ghé thăm”. Nếu muốn loại bỏ gián, tốt nhất bạn nên dùng các biện pháp sinh học thay vì hóa học.
- Chăm sóc và tắm rửa cho vật nuôi: Nếu bị dị ứng thì tốt nhất bạn không nên nuôi thú cưng. Còn nếu nuôi, bạn nên tránh để cho thú cưng đến gần phòng ngủ. Ngoài ra, nên giữ chúng tránh xa các đồ nội thất bọc đệm, thảm và đồ chơi nhồi bông.
- Không hút thuốc trong nhà, đồng thời tránh sử dụng các loại than củi, than đá… trong quá trình nấu nướng.
- Lắp đặt hệ thống quạt, ống thông gió, thường xuyên mở cửa để không khí lưu thông. Tuy nhiên, nếu sống ở nơi có mật độ giao thông cao hoặc vào những ngày ô nhiễm nặng thì bạn chỉ nên mở cửa vào những thời điểm nhất định để tránh bụi bên ngoài lọt vào nhà.
- Sử dụng máy lọc không khí có bộ lọc HEPA để lọc bớt các chất gây ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
Để đảm bảo nhà cửa được vệ sinh sạch sẽ và loại bỏ hết các yếu tố gây ô nhiễm không khí thì việc đầu tư một chiếc máy hút bụi là cực kỳ cần thiết. Mạt bụi, nấm mốc, lông vật nuôi, bụi bẩn….thường bám rất nhiều trong các ngóc ngách nhỏ, giường, đệm, sofa, rèm cửa, thảm… Tuy nhiên, đây là những vị trí rất khó vệ sinh nếu chỉ dùng chổi hoặc khăn lau thông thường. Bên cạnh đó, bụi bẩn có kích thước vô cùng nhỏ nên rất dễ khiến bạn lầm tưởng mình đã vệ sinh sạch.
Ô nhiễm không khí trong nhà làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý đường hô hấp và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đừng để bệnh tật tìm đến thì đã quá muộn. Áp dụng ngay các giải pháp giúp nâng cao chất lượng không khí trong nhà trong bài viết này để bảo vệ sức khỏe cả gia đình, bạn nhé!