Mặc dù việc chủng ngừa vaccine phòng COVID-19 có thể giúp ngăn ngừa tử vong nhưng một số bệnh nhân vẫn không tránh khỏi các biến chứng, đặc biệt là biến chứng thần kinh hậu COVID-19. Hơn nữa, một số trường hợp cũng đã được báo cáo qua các nghiên cứu. Mặc dù một số biến chứng biểu hiện dưới dạng các triệu chứng không đặc hiệu, chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi và trạng thái tâm thần thay đổi. Bên cạnh đó có một số bệnh và biến chứng thần kinh nhất định được cho là có liên quan trực tiếp đến nhiễm SARS-CoV-2.
Việc điều trị các biến chứng thần kinh hậu nhiễm COVID-19 có thể không khác nhiều so với khi điều trị các bệnh não – thần kinh thông thường. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bệnh nhân gặp các biến chứng hậu COVID-19 không rõ nguyên nhân nên vấn đề này vẫn cần được nghiên cứu thêm. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn qua những thông tin tổng hợp được trong bài viết sau của DIEPHM.
Biến chứng thần kinh hậu COVID-19 không đặc hiệu
Hiện nay, các biến chứng thần kinh hậu COVID-19 đã và đang được nghiên cứu. Trong đó, tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng thần kinh không đặc hiệu ở những bệnh nhân COVID-19 đã được xác nhận qua một số nghiên cứu báo cáo. Những triệu chứng này bao gồm nhức đầu, trạng thái tinh thần thay đổi, chóng mặt, ý thức suy giảm, mất vị giác, mất khứu giác, đau cơ và mệt mỏi.
So với những triệu chứng khác thì nhức đầu là triệu chứng thần kinh liên quan đến COVID-19 phổ biến nhất. Theo một nghiên cứu ở châu Âu thì tỷ lệ này chiếm đến khoảng 70%. Ngoài ra, tình trạng đau đầu còn được phát hiện là một triệu chứng riêng biệt của COVID-19 trong một số trường hợp. Trong giai đoạn hậu nhiễm, đau đầu còn thường đi kèm với chứng sợ ánh sáng và cứng cổ.
Mặc dù các biến chứng thần kinh hậu COVID-19 như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi… không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng nếu kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nếu sau nhiễm COVID-19 mà người bệnh có các triệu chứng kể trên kéo dài thì nên đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt.
Các biến chứng thần kinh hậu COVID-19 liên quan đến bệnh lý cụ thể
Ngoài những biến chứng thần kinh hậu COVID-19 không đặc hiệu, nhiều nghiên cứu còn có báo cáo về một số bệnh và biến chứng thần kinh cụ thể được cho là có liên quan trực tiếp đến việc nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm:
Hiện tượng sương mù ở não
Sương mù ở não là tình trạng mà người bệnh có biểu hiện giảm trí nhớ, suy nghĩ chậm, khó ghi nhớ, lú lẫn và tập trung kém. Có nhiều nguyên nhân gây ra biến chứng thần kinh hậu COVID-19 này. Các chuyên gia cho rằng đó có thể là do tổn thương phổi, virus xâm nhập vào tế bào não, rối loạn miễn dịch tự miễn, đột quỵ não…
Mặc dù các nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu điều gì đang xảy ra bên trong não bộ của người mắc COVID-19 nhưng kết quả vẫn còn mơ hồ và không dễ đo lường. Vì vậy, điều trị chỉ có thể phụ thuộc vào việc xem xét các triệu chứng, hành vi và khả năng nhận thức của người bệnh.
Bệnh não có thể là biến chứng thần kinh hậu COVID-19
Bệnh não (Encephalopathy) là một thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng suy giảm chức năng não cấp tính với biểu hiện lâm sàng là sự thay đổi ý thức. Bệnh chủ yếu được kích hoạt bởi nhiễm trùng, sốt, rối loạn chuyển hóa, tiếp xúc với thuốc hoặc do virus gây ra. Điều đáng chú ý là nhiều dạng bệnh não liên quan đến COVID-19 đã được ghi nhận là đặc điểm lâm sàng do nhiễm SARS-CoV-2.
Trong đó, tình trạng rối loạn chức năng não thường phổ biến ở những người mắc bệnh COVID-19 nặng. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh não không rõ nguyên nhân. Họ có những triệu chứng lâm sàng nhưng xét nghiệm lại không phát hiện ra bất thường trong dịch não tủy.
Viêm não, viêm màng não
Viêm não – màng não thường do virus gây ra hoặc có thể không rõ nguyên nhân. Căn bệnh này gây ra một loạt các bất thường về thần kinh như thay đổi ý thức, ảo giác, lú lẫn, nhức đầu, cứng gáy, cử động bất thường và mất ngôn ngữ. Viêm não – màng não là căn bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Viêm não – màng não được xem là biến chứng thần kinh hậu COVID-19 vì đã có trường hợp phát hiện RNA của SARS-CoV-2 trong dịch tủy não của một nam bệnh nhân. Hơn nữa, các nghiên cứu trên chuột cũng đã chỉ ra rằng virus Corona chủng mới có thể lây nhiễm sang các tế bào thần kinh, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
Đột quỵ – Biến chứng thần kinh hậu COVID-19 cần phòng ngừa
Các động mạch và tĩnh mạch hình thành nên hệ thống mạch máu não. Đây cũng chính là “xương sống” của tuần hoàn mạch máu não để duy trì lưu lượng máu đến và đi từ não. Vì vậy, khi xảy ra tình trạng tắc hoặc vỡ các mạch máu này có thể làm gián đoạn quá trình tưới máu của não và dẫn đến đột quỵ.
Một số nghiên cứu báo cáo trường hợp đột quỵ ở bệnh nhân COVID-19. Các bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu này có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ nhiễm trùng không có triệu chứng đến có triệu chứng, chẳng hạn như sốt, ho và hôn mê. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường xảy ra nhiều hơn so với đột quỵ do xuất huyết não.
Nhìn chung, nguy cơ đột quỵ hậu nhiễm Covid-19 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính và ở cả những người không có yếu tố nguy cơ đột quỵ. Do đó, bạn nên cẩn trọng với dạng biến chứng thần kinh hậu COVID-19 này. Nếu cơ thể xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu đột ngột, nôn ói, chóng mặt, tê chân tay, co giật hoặc yếu liệt nửa người, nói khó, mất ngôn ngữ… cần đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Huyết khối tĩnh mạch não
Huyết khối tĩnh mạch não (huyết khối gây tắc mạch) cũng là một trong những biến chứng thần kinh hậu COVID-19 ở những người mắc bệnh nặng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này được xác định là do rối loạn đông máu liên quan đến COVID-19. Ở những bệnh nhân nhập viện vì mắc COVID-19 nặng, huyết khối trong máu được xác định bằng xét nghiệm nồng độ D-dimer tăng cao trong máu.
Đây là căn bệnh dễ gây tử vong dù bệnh nhân được điều trị kháng đông máu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu nồng độ D-dimer tăng cao ở bệnh nhân COVID-19 có liên quan trực tiếp đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ hay không.
Viêm tủy cấp tính
Dù không phổ biến nhưng đã có báo cáo trường hợp viêm tủy cấp tính ở bệnh nhân COVID-19. Bệnh nhân nhập viện do sốt và mệt trong 2 ngày, sau khi xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và ảnh chụp CT cho thấy những thay đổi loang lổ ở phổi. Bệnh nhân tiếp tục sốt cao 40 độ C, hai chân yếu ớt và kèm theo tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.
Sau khi điều trị bằng thuốc và các liệu pháp miễn dịch, các vấn đề của bệnh nhân về nhiệt độ, nồng độ oxy đã được cải thiện. Tuy nhiên, những phát hiện lâm sàng có thể chỉ ra rằng bệnh nhân đã có cơn bão cytokine dựa trên mức độ cao của các chất trung gian gây viêm.
Cytokine là loại chất tiết của các tế bào bạch cầu và nội mô trong quá trình viêm, là một phần của đáp ứng miễn dịch cơ thể. Khi hệ miễn dịch bị kích thích quá mức, các cytokine tràn ngập trong máu như một “cơn bão” và gây nên các phản ứng viêm, đông máu, giảm bạch cầu lympho, thâm nhiễm tế bào đơn nhân các cơ quan.
Hội chứng Guillain – Barré
Hội chứng Guillain – Barré còn được biết đến là bệnh viêm đa rễ dây thần kinh mất myelin cấp tính. Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch thường tự tấn công vào các dây thần kinh ngoại biên của cơ thể. Các triệu chứng để nhận biết ban đầu bao gồm yếu cơ và dị cảm các đầu chi.
Báo cáo đầu tiên về hội chứng Guillain – Barré liên quan đến COVID-19 không có kết luận chính xác, chưa rõ liệu đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có liên quan trực tiếp đến COVID-19. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về mối liên quan tiềm ẩn của COVID-19 với hội chứng Guillain – Barré. Trong số những trường hợp này, bệnh nhân nam và bệnh nhân cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất, và phần lớn các trường hợp xảy ra sau khi khởi phát các triệu chứng COVID-19 với thời gian khởi phát trung bình là 9 ngày.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn ghi nhận một số ít các triệu chứng không điển hình của bệnh nhân COVID-19 liên quan đến hội chứng Guillain – Barré như sưng mí mắt, khó nuốt, khó nói, giảm vận động ở chi trên và chi dưới.
Kết luận
Có thể nói, làn sóng dịch bệnh COVID-19 đã gây ra sự tàn phá rất lớn đối với thế giới. Hàng triệu người đã nhiễm SARS-CoV-2 và có rất nhiều ca tử vong. Chưa dừng lại ở đó, theo nhiều nghiên cứu thì COVID-19 có thể gây ra các biến chứng thần kinh cấp tính và lâu dài ở người đang mắc bệnh hoặc hậu nhiễm. Do đó, để tránh các biến chứng thần kinh hậu COVID-19 nghiêm trọng, bạn không nên chủ quan mà cần sớm đi khám tại các bệnh viện ngay khi có triệu chứng bất thường liên quan đến thần kinh nhé!