Có nhiều loại nhiễm trùng tai khác nhau. Vì vậy, tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà các phương pháp điều trị viêm tai sẽ khác nhau. Thời gian hồi phục nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào việc bệnh phát hiện sớm hay trễ.
Trong bài viết sau, Bệnh lý sẽ giải đáp cho bạn chi tiết những thông tin liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tai.
Viêm tai là gì?
Viêm tai là tình trạng nhiễm trùng tai do virus, vi khuẩn hoặc trong những trường hợp hiếm là nấm. Có ba khu vực trong tai thường dễ bị viêm:
- Tai ngoài: viêm tai ngoài là tình trạng thường gặp nhất, do phần mô da xung quanh ống tai bị nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị viêm tai ngoài nếu bơi quá lâu hoặc chấn thương ống tai do có vật cứng tác động vào (như bông ráy tai).
- Tai giữa: viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng sau màng nhĩ, thường là biến chứng của bệnh cảm lạnh. Thông thường, viêm tai giữa do virus gây ra nên sẽ tự khỏi trong vòng 7 ngày.
- Tai trong: viêm tai trong là một tình trạng hiếm gặp, thường do virus gây ra. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, gặp khó khăn trong giữ thăng bằng, do đó cần phải được điều trị y tế.
Thực tế, viêm tai có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng thường phổ biến hơn ở trẻ em vì cơ thể của bé vẫn chưa có khả năng chống lại vi khuẩn và virus. Ngoài ra, cấu trúc tai của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến quá trình thoát dịch từ tai. Nhiều người thường nghĩ việc điều trị viêm tai sẽ rất khó khăn, nhưng thực tế các cách chữa trị không quá phức tạp. Nếu tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể chữa khỏi bệnh mà không có bất cứ nguy hiểm nào.
Phương pháp chẩn đoán viêm tai
Khi đến gặp bác sĩ, họ sẽ hỏi bạn về bất kỳ triệu chứng nào bạn gặp phải. Sau đó, họ sẽ dùng ống soi tai để quan sát màng nhĩ nhằm phát hiện bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào. Đối với trẻ nhỏ, việc này có vẻ khó khăn vì trẻ thường xuyên quấy khóc. Do đó, bố mẹ nên giúp bé bình tĩnh trở lại để giúp cho việc chẩn đoán bệnh diễn ra suôn sẻ.
Dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm màng nhĩ đỏ hoặc màng nhĩ phồng lên với dịch (có thể loãng hoặc đặc như mủ) tích tụ phía sau. Bác sĩ cũng sẽ thổi không khí vào tai để xem màng nhĩ có di chuyển không. Nếu màng nhĩ không chuyển động, bạn có thể bị viêm tai.
Các phương pháp điều trị viêm tai
Đối với vấn đề viêm tai uống thuốc gì? Thông thường, viêm tai do virus gây ra nên việc sử dụng kháng sinh không có hiệu quả. Nếu dựa trên bệnh sử, bác sĩ nghi ngờ vi khuẩn gây ra nhiễm trùng, họ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh. Ngoài ra, bạn cũng có thể điều trị viêm tai tại nhà.
Thuốc giảm đau
Nếu tình trạng viêm tai là do virus hay vi khuẩn gây ra, kèm theo đau tai và sốt, bác sĩ có thể chỉnh định một số thuốc giảm đau, như paracetamol hoặc ibuprofen.
Ở trẻ em, bạn nên tránh dùng aspirin vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp có thể gây sưng ở não hoặc gan. Ngoài ra, chườm ấm cũng giúp giảm đau và hạ sốt.
Dẫn lưu dịch
Nếu nhiễm trùng gây ra các biến chứng nghiêm trọng, dịch vẫn còn ở tai trong một thời gian dài hoặc viêm tai liên tục tái phát, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật chọc màng nhĩ.
Bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên màng nhĩ để dịch như nước, máu hoặc mủ có thể chảy ra. Trong nhiều trường hợp, họ sẽ đặt ống thông tai để dẫn lưu dịch và giúp tai giữa khô. Ngoài ra, ống thông tai còn có tác dụng:
- Giảm đau
- Cải thiện thính giác
- Giảm số lần nhiễm trùng mà trẻ có thể mắc phải
Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ cho trẻ thuốc mê để có thể đặt ống thông tai. Quá trình này thường kéo dài khoảng 15 phút.
Đối với trẻ lớn hơn và người lớn, bác sĩ có thể đặt ống thông tai mà không cần thuốc mê. Ống thông tai thường sẽ tự rơi ra trong khoảng 6 – 18 tháng.
Phẫu thuật này hiếm khi dẫn đến nhiễm trùng hoặc sẹo và thường mang đến kết quả về lâu dài. Nếu các ống thông tai rớt và bạn lại tái phát viêm tai, hãy đến gặp bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.
Kháng sinh
Nếu bác sĩ quyết định điều trị viêm tai bằng kháng sinh, bạn hãy tuân thủ theo đúng chỉ định, không được ngưng thuốc ngay cả khi các triệu chứng đã tốt hơn. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình dùng kháng sinh, hãy nhanh chóng báo cho bác sĩ biết.
Việc tự ý ngưng dùng thuốc sẽ khiến cho tình trạng nhiễm trùng tái phát và không đáp ứng với các phương pháp điều trị nữa.
Các biện pháp điều trị viêm tai tại nhà
Đối với tình trạng viêm tai ngoài, bạn nên tránh bơi lội cho đến khi không còn đau tai. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần. Đối với viêm tai giữa, bạn cần có chế độ ăn uống tăng cường hệ miễn dịch để giúp chống lại virus gây bệnh. Sau đây là một số biện pháp cụ thể giúp điều trị viêm tai tại nhà:
- Chườm mát hoặc ấm. Bạn có thể chườm khăn mát hoặc ấm vào tai bị ảnh hưởng để giảm đau tai.
- Kẹo cao su (singum). Nếu bạn đi máy bay và bị đau tai là do thay đổi áp suất không khí, hãy nhai một ít kẹo cao su để giúp giảm áp lực và các triệu chứng
- Ngủ ngồi. Mặc dù nghe có vẻ lạ, nhưng nghỉ ngơi hoặc ngủ ngồi thay vì nằm có thể khuyến khích dịch chảy ra ngoài. Điều này có thể làm giảm áp lực và tình trạng đau ở tai giữa. Bạn có thể nằm ngửa trên giường và kê gối cao dưới lưng hoặc ngủ trên ghế bành để lưng có thể hơi ngả về phía sau.
Tuy nhiên, nếu các phương pháp trên không hiệu quả hoặc có các dấu hiệu bất thường sau đây, bạn nên đến gặp bác sĩ:
- Bạn nhận thấy dịch (như mủ hoặc máu) chảy ra từ tai
- Bạn bị sốt cao, đau đầu hoặc chóng mặt
- Bạn cảm giác có vật kẹt trong tai
- Bạn thấy sưng sau tai, đặc biệt là nếu phía mặt bên tai bị sưng yếu hoặc khó di chuyển các cơ mặt
- Bạn bị đau tai nghiêm trọng và cơn đau đột nhiên dừng lại (điều này có thể liên quan đến vỡ màng nhĩ)
- Các triệu chứng viêm tai không được cải thiện (hoặc trở nên tồi tệ hơn) trong 24 – 48 giờ
Yếu tố quan trọng quyết định quá trình điều trị viêm tai là phải phát hiện bệnh kịp thời. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bất thường ở tai. Việc hiểu rõ các phương pháp điều trị viêm tai sẽ giúp bạn lựa chọn cách chữa trị phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân.
[embed-health-tool-heart-rate]