Mẹ chị P ở quê bị đau khớp gối từ 1 năm nay. Do tiếc tiền, bà chỉ ra nhà thuốc để tự mua paracetamol về uống nhưng không hết. Cách đây 1 tháng, do khớp sưng và đau nhiều hơn, bà mới chịu đi khám cơ xương khớp. Bác sĩ chẩn đoán bà bị thoái hóa khớp gối và cho bà sử dụng một loại thuốc thuộc nhóm NSAIDs (thuốc kháng viêm giảm đau không chứa steroid). Sau 2 tuần, bà cảm thấy tình trạng sưng đau khớp cải thiện hơn. Tuy vậy, tuần tiếp theo đó, một người nhà của bà ở nước ngoài về đem theo một lọ thuốc to không rõ loại, và nói bà đổi sang thuốc này giảm đau mạnh hơn. Bà nghe lời và dùng thử, nhưng chỉ sau hơn 1 tuần bà bắt đầu thấy nặng mặt, chân mang giày chật, ấn vào chân thấy lõm, đồng thời bà cảm thấy đau rát vùng thượng vị và thường xuyên ợ hơi ợ chua. Chị P thấy vậy, lo lắng vội cho bà đi khám lại. Lúc này khi xem lại thuốc, bác sĩ mới giải thích đây là loại thuốc corticoid, cũng là một loại thuốc kháng viêm nhưng có một số đặc điểm khác và cách sử dụng cũng khác. Vậy, thực tế là các loại thuốc kháng viêm giảm đau xương khớp khác nhau như thế nào?
Khác biệt giữa paracetamol và NSAIDs
Khác với các thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường như paracetamol (hay còn gọi là acetaminophen), NSAIDs còn có thêm đặc tính kháng viêm. Chính vì vậy, để điều trị các loại đau do viêm như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, bác sĩ cần phải điều trị các loại thuốc có cả đặc tính kháng viêm và giảm đau như NSAIDs (1).
Cả hai loại thuốc này đều có thể gây tác dụng phụ. Đối với paracetamol, nếu lạm dụng hoặc dùng liều cao có thể gây độc cho gan (1). Trong khi đó, đối với NSAIDs, hai tác dụng phụ quan trọng nhất bao gồm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và trên tim mạch. Các loại thuốc NSAIDs thế hệ mới hơn, với cơ chế chọn lọc hơn giúp giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng đường tiêu hóa (2). Đặc biệt, một loại thuốc NSAIDs thế hệ mới đã được FDA phê duyệt cũng đã chứng minh về tính an toàn trên tim mạch gần đây (3).
Khác biệt giữa corticosteroid và NSAIDs
Corticosteroid là một loại nội tiết nhân tạo, giống với nội tiết tố cortisone trong cơ thể người và có tác dụng kháng viêm và ức chế miễn dịch. Corticosteroid có nhiều đường dùng như dạng uống, dạng kem và dạng tiêm (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm vào khớp). (4) Một số tác dụng phụ thường gặp của steroid bao gồm: (5)
- Tăng cân
- Thay đổi tâm trạng
- Nhìn mờ
- Dễ bị bầm tím
- Phù nề, sưng, giữ nước
- Mụn
- Dạ dày bị kích thích
- Khó ngủ
- Đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp
- Tăng huyết áp
- Loãng xương
Loại thuốc này nếu sử dụng lâu dài hoặc lạm dụng có thể gây béo phì, chậm phát triển ở trẻ em và loãng xương và đặc biệt có thể gây suy tuyến thượng thận. Bên cạnh đó, do tác dụng gây suy giảm miễn dịch, corticosteroid dùng kéo dài có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng. (6)
Trong khi đó, NSAIDs là một nhóm thuốc giảm đau không gây nghiện và không chứa vòng steroid trong cấu trúc. Cũng như cortisone, NSAIDs giúp giảm đau và giảm viêm do bệnh lý cơ xương khớp. Hai loại thuốc này không khác biệt về hiệu quả điều trị kháng viêm giảm đau trong các bệnh lý cơ xương khớp, tuy vậy NSAIDs giảm được nhiều tác dụng phụ so với corticosteroid. (7, 8)
Vậy làm sao để phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc kháng viêm giảm đau xương khớp?
Tóm lại, cả corticosteroid (hay còn gọi là steroid) và NSAIDs đều có tác dụng kháng viêm. Tuy vậy, thuốc NSAIDs dù ít tác dụng phụ hơn so với các steroid như mỏng, bầm da, loãng xương, tăng huyết áp, tăng đường trong máu và các vấn đề ở mắt nhưng vẫn có một số tác dụng phụ ở đường tiêu hóa và tim mạch. (4, 6, 8)
Do vậy, bất cứ khi dùng loại thuốc nào, bạn cần phải có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với các thuốc corticosteroid. Không tự ý dùng thuốc, tăng giảm liều thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc dùng thuốc lâu hơn thời gian chỉ định.
Ngoài ra, khi đi khám, bạn cần đem theo các hồ sơ khám và toa thuốc đã có trước đây, cũng như nói rõ với bác sĩ tình trạng bệnh lý của mình để bác sĩ có thể lựa chọn loại NSAIDs phù hợp. Khi dùng thuốc, cần đảm bảo duy trì đúng liều vào thời gian quy định để đảm bảo phát huy tác dụng của thuốc mà vẫn giảm được tác dụng phụ. Trong quá trình dùng thuốc, nếu có bất cứ lo ngại nào, bạn cần báo bác sĩ ngay.
Hiện nay, một số bệnh nhân thường lạm dụng tiêm corticosteroid vào khớp. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc xác định xem có cần chích corticosteroid vào khớp hay không tốt nhất nên do bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp quyết định và tiến hành tại bệnh viện hoặc tại một cơ sở có đầy đủ trang thiết bị y tế vô trùng và xử trí khi cần thiết. Một số trường hợp cần thận trọng khi tiêm corticosteroid vào khớp bao gồm: nhiễm trùng (như lao khớp), người bị suy giảm miễn dịch, người bị nhược giáp, rối loạn chảy máu, đái tháo đường không kiểm soát đường huyết tốt, loãng xương. (9)
Cuối cùng, cần nhớ rằng nguy cơ biến chứng đường tiêu hóa khi dùng corticosteroid sẽ tăng gấp 4 lần nếu dùng kèm NSAIDs và hơn 12 lần nếu dùng kèm NSAIDs liều cao. (10) Chính vì vậy, trước khi dùng NSAIDs, bạn cần trao đổi kĩ với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng, nhờ đó bác sĩ có thể điều chỉnh lại toa thuốc của bạn cho phù hợp. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng toa thuốc của người khác để tự mua uống cho mình.
PP-CEL-VNM-0472
Viatris đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. Viatris không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.
[embed-health-tool-bmi]