Biếng ăn ở trẻ là tình trạng diễn ra khá phổ biến đối với các bệnh nhân tại phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh. Chúng tôi bắt gặp rất nhiều trường hợp các bà mẹ rất lo lắng vì con mình quá biếng ăn, thậm chí không ăn gì hàng ngày, đặc biệt có những bé ăn vào là trớ, nhìn thấy thức ăn là sợ, khóc dẫn đến tình trạng các bé chậm tăng cân thậm chí sụt cân … khiến các bà mẹ không thể yên tâm làm việc được, suốt ngày chỉ ám ảnh tới việc sao để con ăn được. Vậy biếng ăn ở trẻ thực chất là gì? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng biếng ăn.
1. Biếng ăn do tâm lý
Là nguyên nhân hay gặp nhất. Trẻ khi có cảm giác bị ép buộc, bỏ rơi, bị gò bó, bị lừa sẽ sinh biếng ăn.
Ví dụ: – Bị ép bú bình trong khi chỉ thích bú mẹ.
– Mẹ đi làm để người khác chăm sóc.
– Bị ép đeo khăn ăn, phải ngồi một chỗ suốt bữa ăn.
– Bị quy định phải ăn hết khẩu phần ăn trong một thời gian cố định
– Không khí bữa ăn căng thẳng.
– Bố mẹ cho thuốc vào thức ăn, vào sữa.
2. Biếng ăn do sinh lý
Trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên biếng ăn vài ngày đến vài tuần, thời điểm này thường trùng với lúc trẻ biết lẫy, ngồi, đứng, đi, … sau đó trẻ trở lại ăn uống bình thường.
3. Biếng ăn do bệnh lý: suy dinh dưỡng có nguyên nhân
– Nhiễm ký sinh trùng (giun, sán, …), nhiễm trùng (viêm mũi, họng, viêm amidan) và do virus.
– Trẻ bị bệnh răng miệng (sâu răng, viêm lợi), loạn khuẩn đường ruột.
4. Biếng ăn do chuyển tiếp chế độ ăn không phù hợp
– Ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi)
– Ăn cơm quá sớm (trẻ chưa đủ răng để nhai cơm)
5. Biếng ăn do thuốc
Do dùng quá nhiều Vitamin hoặc thuốc kích thích ăn. Lạm dụng kháng sinh gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Thuốc kích thích ăn làm cho trẻ biếng ăn thêm.
6. Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn
– Trẻ bị chán ngán khi phải ăn liên tục khoai tây, thịt, cả rốt, … hầm nhừ & xay nhuyễn.
– Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt. Không cho ăn xác lâu ngày dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
– Cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn đến 2 – 3 tuổi.
– Pha bột vào sữa, pha sữa quá đặc, pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm xương,… làm trẻ khó tiêu hóa.
– Pha bột quá đặc khi bé mới tập ăn dặm.
7. Biếng ăn do cha mẹ
Do quá lo lắng về sự tăng trưởng của con, khi thấy con ăn ít hơn các trẻ cùng tuồi nghĩ luôn là con biếng ăn và ép trẻ ăn thêm ăn nhiều hơn nữa, mặc dù trẻ vẫn tăng cân và phát triển chiều cao tốt.
8. Biếng ăn do bẩm sinh
Có 5% trẻ sinh ra chỉ ngủ, chơi mà không đòi bú, ngoài ra trẻ còn biếng ăn sau khi bị chấn thương, tiêm phòng.
Các bà mẹ hãy bình tĩnh theo dõi, quan sát và xác định trạng thái biếng ăn của trẻ mà có biện pháp khắc phục.
9.Biếng ăn do thiếu vi chất
Khi để bé thiếu vi chất quan trọng như các loại vitamin, canxi, kẽm, magie… cũng lâu dần bé cũng sẽ biếng ăn và chậm phát triển.
Các bà mẹ bổ sung không đủ hoặc quá nhiều các vi chất thiết yếu để bé phát triển cũng có thể gây ra sự biếng ăn cho bé do vậy khi nghi ngờ bé thiếu vi chất nào đó các mẹ nên đi khám ở những cơ sở y tế để bác sỹ tư vấn và bổ sung cho bé chứ không tự ý bổ sung theo ý nghĩ chủ quan của mình.
Bs. Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám dinh dưỡng chất lượng cao – 70 Nguyễn Chí Thanh.