Tiêm insulin được xem là liệu pháp điều trị bắt buộc cho bệnh nhân bệnh tiểu đường típ 1 và cần thiết đối với nhiều người bệnh típ 2. Vì sử dụng liên tục insulin nên bệnh nhân phải tự tiêm tại nhà. Trong các loại insulin hiện nay, bút tiêm đang dần trở nên phổ biến vì tiện lợi, nhiều ưu việt hơn kim tiêm truyền thống. Vậy bút tiêm insulin là gì, khi nào nên sử dụng và cách sử dụng tại nhà như thế nào?
Mời bạn cùng Bệnh lý tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!
Bút tiêm insulin là gì?
Bút tiêm insulin là một thiết bị có kim tiêm để đưa insulin vào lớp mỡ ngay dưới da . Trong bút tiêm đã có sẵn insulin nên bệnh nhân không cần làm thao tác lấy thuốc vào như kim tiêm truyền thống. Vì vậy, việc tuân thủ liều dùng ở mỗi lần chích thuốc rất đơn giản và thuận tiện. Tiêm bằng bút cũng ít gây đau.
Bên cạnh đó, bút tiêm insulin tương đối dễ sử dụng, nhỏ gọn, có thể mang theo bên người. Chúng sẽ rất phù hợp với những trẻ bị tiểu đường típ 1 và cần tiêm thuốc khi ở trường, người cần phải di chuyển nhiều, bệnh nhân thị lực kém khó nhìn rõ liều…
Khi nào nên sử dụng bút tiêm insulin?
Bác sĩ sẽ chỉ định thời gian sử dụng bút tiêm insulin cũng như liều lượng mỗi lần dùng, căn cứ vào mục tiêu kiểm soát đường huyết, loại insulin bạn đang dùng. Cụ thể như sau:
- Kiểm tra lượng đường trong máu 30 phút trước khi ăn.
- Nếu bạn dùng insulin tác dụng nhanh, hãy tiêm insulin ngay trước bữa ăn.
- Nếu bạn dùng insulin thông thường, hãy tiêm insulin 30 phút trước bữa ăn.
- Nếu bạn dùng insulin tác dụng trung gian hoặc kéo dài, hãy tiêm insulin vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Hướng dẫn chi tiết cách sử dụng bút tiêm insulin
Trước khi tiêm insulin
- Chuẩn bị một nơi sạch sẽ, khô thoáng để tiến hành tiêm insulin.
- Chuẩn bị những thiết bị cần thiết như bút tiêm insulin, kim tiêm, khăn lau có tẩm cồn và một hộp nhựa cứng có nắp đậy để chứa các thiết bị đã qua sử dụng.
- Rửa tay thật sạch trước khi tiêm insulin.
Chuẩn bị bút tiêm
- Tháo nắp của bút tiêm insulin bằng cách kéo thẳng. Nếu insulin trong bút không đều, hãy lắc bút nhẹ nhàng khoảng 20 lần, hoặc lăn nhẹ bút giữa hai lòng bàn tay khoảng 20 lần cho đến khi dung dịch trong và mịn.
- Lau sạch phần đầu bút tiêm và màng cao su bằng khăn tẩm cồn trước khi lắp kim tiêm vào.
- Hãy tháo mẫu giấy bảo vệ ra khỏi kim tiêm, vặn xoáy để gắn kim mới vào đầu bút tiêm và tháo nắp kim. Mỗi kim tiêm sẽ có nắp ngoài và nắp trong. Sau khi tháo 2 nắp này, bạn nên giữ lại nắp ngoài để có thể lấy kim ra khỏi bút sau khi kim tiêm xong một cách dễ dàng.
- Bạn xoay nút điều chỉnh liều tiêm về chỉ số 2 đơn vị. Sau đó, dựng bút tiêm insulin thẳng đứng hướng lên trên. Dùng ngón tay búng nhẹ vào buồng chứa insulin để bọt khí nổi lên trên và ấn vào núm ở đuôi bút tiêm cho đến khi thấy ít nhất một giọt insulin xuất hiện ở đầu kim tiêm.
- Xoay vòng điều chỉnh để chọn liều lượng insulin được chỉ định. Kiểm tra cẩn thận để đảm bảo rằng liều lượng insulin phải chính xác.
Chọn và lau sạch vùng da để tiêm
Vị trí tiêm tốt nhất thường bao gồm vùng bụng, mặt ngoài cánh tay, mông và mặt ngoài đùi. Không tiêm gần các khớp, vùng bẹn, rốn, giữa bụng hoặc mô sẹo hay nơi mà da bị rỗ, dày, sần, mềm, bầm tím, có vảy, cứng hoặc bị tổn thương.
Bạn phải chuyển đổi vị trí tiêm insulin liên tục, tránh việc lặp đi lặp lại cùng một vị trí tiêm sẽ khiến vùng dưới da đó bị chai, insulin không hoạt động bình thường.
Mỗi khi bạn sử dụng bút tiêm insulin, hãy ghi lại ngày, giờ và vị trí tiêm để tránh nhầm lẫn. Hãy lau sạch vùng da định tiêm bằng khăn tẩm cồn theo chuyển động tròn và đợi vài giây để vùng da đó khô hoàn toàn trước khi tiến hành tiêm.
Tiến hành tiêm
- Sử dụng ngón tay túm nhẹ vùng da cần tiêm, dùng các ngón tay của bên còn lại để cầm bút tiêm insulin, đặt ngón cái lên núm ở đầu bút nhưng không ấn xuống.
- Ấn kim nhanh vào da theo một góc 90 độ để kim đi sâu vào da.
- Ấn từ từ vào núm ở đuôi bút để bơm insulin. Giữ bút tại vị trí đó trong khoảng từ 6-10 giây để chắc chắn insulin được bơm vào hết, sau đó mới rút kim ra. Không cần xoa hay day vào chỗ tiêm.
- Nếu tiêm đúng kỹ thuật, rất hiếm khi bị chảy máu tại chỗ tiêm. Lúc này, hãy lau bằng khăn sạch hoặc bông gòn tẩm cồn.
Tháo và hủy kim tiêm
Cẩn thận đậy nắp bên ngoài lên kim, xoay cả nắp và kim bên trong theo chiều ngược kim đồng hồ để tháo bỏ kim ra khỏi bút. Cho kim đã tiêm vào hộp đựng thiết bị đã qua sử dụng mà bạn chuẩn bị ngay từ lúc đầu để tránh đâm phải người khác. Cuối cùng, đậy nắp bút và bảo quản cho các lần tiêm kế tiếp.
Bảo quản
- Bảo quản bút đã sử dụng ở nhiệt độ phòng, luôn đậy kín nắp. Tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể làm thay đổi hoạt tính của insulin.
- Bảo quản bút tiêm còn mới trong ngăn mát tủ lạnh. Khi sử dụng bút mới, bạn cần lấy bút ra khỏi tủ trước khi tiêm 30 phút để insulin trong bút trở về nhiệt độ phòng. Không dùng khi đã quá hạn sử dụng ghi trên hộp.
- Viết ngày tháng trên bút insulin khi mở nó lần đầu tiên. Hầu hết các bút đều sử dụng tốt trong 28 ngày sau khi mở. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đọc hướng dẫn sử dụng thuốc để được hướng dẫn chính xác.
Những lưu ý khi dùng bút tiêm insulin
- Luôn kiểm tra loại insulin đang dùng và ngày hết hạn được in trên hộp trước khi sử dụng.
- Không sử dụng bút tiêm nếu insulin bị vón cục, bị đổi màu hoặc đã đông cứng.
- Không dùng chung kim tiêm, bút tiêm hoặc ống tiêm với người khác.
- Không tái sử dụng kim tiêm và phải thay mới kim tiêm sau mỗi lần sử dụng.
- Đặt kim tiêm và kim dùng để kiểm tra lượng đường trong máu đã qua sử dụng trong hộp nhựa cứng có nắp đậy.
- Nếu bạn có thắc mắc về cách sử dụng bút insulin, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tác dụng phụ phổ biến nhất của việc tiêm insulin là hạ đường huyết. Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70mg/dl. Các triệu chứng bao gồm buồn ngủ, run rẩy, đổ mồ hôi, chóng mặt và đói. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách điều trị lượng đường trong máu thấp trước khi bắt đầu sử dụng bút insulin.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã biết rõ hơn về cách sử dụng bút tiêm insulin và những lưu ý khi tiêm nhé!
[embed-health-tool-bmr]