Canh chua ăn với những món ăn sau rất hợp vị
Ví như ăn canh chua cùng dưa cà muối thì phải là dưa cà muối xổi, muối chua vừa tới mới ngon. Hai vị chua vừa tới bổ trợ rất hợp vị, khiến người ta “ăn một lại muốn ăn hai, Ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm”.
Tuy nhiên, tránh ăn canh chua với dưa cà muối quá chua – hai vị chua này phá nhau mà người Hà Nội cổ bảo là “có ngày mà vãi ruột ra” (đau bụng).
Canh chua không ăn với với các món xào, món xốt nhàn nhạt, mỡ màng vì bị lạc vị hẳn.
Canh chua của người Hà Nội sao không có đường, ớt?
Có câu “Trăm thứ canh không hành không ngon” không phải lúc nào cũng đúng với người Hà Nội. Bởi Hà Nội có vài loại canh chua không thể cho bất cứ loại rau hành nào vào, như canh thịt nạc, sườn thăn, giò sống nấu sấu, canh trứng tôm, trứng cua nấu nhót xanh hay vắt chanh cốm.
Sau rốt người Hà Nội hầu hết không dùng đường cho bất kể món canh chua nào. Cũng không bao giờ cho ớt vào canh chua – đó là hai đặc trưng lớn nhất để phân biệt các món canh chua của Hà Nội với canh chua của các tỉnh thành miền Trung, miền Nam.
Ngoài ra, mỗi món canh chua của người Hà Nội đòi hỏi một vài loại rau gia vị riêng, chứ không hầm bà lằng như canh chua ở một số vùng miền khác.
Ví như riêu cua chỉ cần có mỗi hành hoa.
Riêu hến, riêu trai, riêu trùng trục phải có thêm chút rau răm.
Riêu cá phải có thìa là, hoặc rau ngổ.
Riêu rươi ngoài hành thìa là phải có thêm mấy miếng vỏ quýt thái chỉ.
Các món om có chua thì ngoài hành hoa còn có thêm tía tô, lá lốt, xương sông… Những món om ít nước này khi ăn nhớ gia chút hạt tiêu bắc, sẽ rất nổi vị.
Khi nấu canh chua, người ta không cho các loại hành, rau gia vị vào lúc canh còn ở trên bếp – vì chất chua làm vàng hành rau không đẹp mắt. Cũng không cho rau hành dưới đáy bát, rồi múc canh đè lên cho chín – bởi như thế cũng làm vàng rau gia vị.
Người Hà Nội chỉ cho rau gia vị khi bắt đầu ngồi vào bàn ăn, múc canh sôi lên bát, rồi thả nhẹ một vài nhánh rau hành lên trên.