Các dấu hiệu của bệnh tuyến giáp thường hay bị bỏ qua do triệu chứng không đặc trưng và giống với nhiều bệnh khác. Chính vì thế, rất nhiều trường hợp mắc bệnh tuyến giáp chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình cánh bướm, nằm ở phía trước cổ, có chức năng sản xuất hormone kiểm soát tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Nếu tuyến giáp sản xuất quá ít hoặc quá nhiều hormone thì có thể dẫn đến các bệnh về tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp.
Bài viết sau Sức khỏe sẽ giúp bạn sớm nhận biết các biểu hiện thường gặp của bệnh tuyến giáp để có cách xử lý kịp thời, tránh việc phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn khi điều trị.
12 dấu hiệu của bệnh tuyến giáp bạn cần giác
1. Tim đập nhanh
Tim đập nhanh có thể là triệu chứng của cường giáp. Khi tuyến giáp làm việc quá sức và sản xuất quá nhiều hormone, nhịp tim tăng cao và huyết áp có thể tăng lên.
Để theo dõi nhịp tim tại nhà, bạn có thể dùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Nhịp tim được coi là bình thường nếu nằm trong mức từ 60 – 100 nhịp mỗi phút khi nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, nếu nhịp tim của bạn thường xuyên trên 80 nhịp mỗi phút và bạn có các triệu chứng bất thường khác thì cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp.
2. Mệt mỏi, lo lắng hay thay đổi tâm trạng: triệu chứng bệnh tuyến giáp
Tình trạng nhịp tim và huyết áp thay đổi thất thường có thể khiến bạn hay bị mệt mỏi. Đây cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh suy giáp.
Ngoài mệt mỏi, bạn có thể có các triệu chứng khác như:
- Ngủ quá nhiều, khó thức dậy vào buổi sáng
- Mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc
- Hay lo lắng, chán nản, tức giận, khó kiểm soát cảm xúc.
Nguyên nhân của các triệu chứng này được lý giải là do khi tuyến giáp hoạt động không tốt, việc sản xuất hormone tuyến giáp bị ảnh hưởng, làm hormone serotonin trong não bị giảm.
Serotonin là hormone có tác dụng giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Nếu lượng hormone này giảm sút thì bạn sẽ thấy chán nản, mệt mỏi.
3. Dấu hiệu của bệnh tuyến giáp: Tăng hoặc giảm cân
Các bất thường về cân nặng có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp. Cụ thể, tăng cân nhanh bất thường có thể là dấu hiệu của suy giáp còn sút cân không rõ nguyên nhân lại là dấu hiệu thường gặp của bệnh cường giáp.
Nguyên nhân là do khi bị cường giáp, tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ làm đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và từ đó khiến bạn bị giảm cân nhanh.
4. Hay cảm thấy ớn lạnh hoặc cảm thấy quá nóng
Nếu bạn thấy mình hay bị lạnh, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân trong khi người khác cảm thấy bình thường thì rất có thể là dấu hiệu của suy giáp.
Trong khi đó, cường giáp có thể biểu hiện theo hướng ngược lại. Điều này có nghĩa là bạn có thể bị cường giáp nếu hay cảm thấy nóng bừng hoặc đổ mồ hôi nhiều.
5. Biểu hiện bệnh tuyến giáp: Khó tập trung
Khó tập trung, hay quên, dễ nhầm lẫn… là dấu hiệu thường gặp của bệnh tuyến giáp. Cụ thể, bạn sẽ thấy bản thân có các biểu hiện như khó tập trung vào công việc, quên mất chỗ đậu xe, không nhớ vào bếp để làm gì hoặc khó ghi nhớ tên của một người nào đó, ngày tháng…
Ở cả người mắc bệnh suy giáp hay cường giáp đều có biểu hiện khó tập trung. Do đó, nếu nhận thấy bản thân có triệu chứng này và có các biểu hiện bất thường khác thì cần cảnh giác và nghi ngờ “thủ phạm” có thể là do tuyến giáp đang gặp “trục trặc”.
6. Rụng tóc là một biểu hiện bệnh tuyến giáp ở phụ nữ
Tình trạng tóc bị rụng nhiều là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh tuyến giáp. Khi hormone tuyến giáp bị mất cân bằng, quá trình trao đổi chất bị cản trở sẽ khiến nang tóc không hoạt động, từ đó tóc ít mọc và thưa dần.
Nếu bạn thấy tóc ngày càng mỏng, rụng nhiều nhất là khi gội đầu, ngủ dậy, vuốt tóc; tóc con mọc lên yếu, mảnh, xoăn, có thể nhìn thấy da đầu hoặc có vị trí hói thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp.
7. Triệu chứng bệnh tuyến giáp: Hay gặp các vấn đề tiêu hóa
Hiện tượng táo bón diễn ra thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh suy giáp, trong khi hay tiêu chảy lại có thể là dấu hiệu của bệnh cường giáp.
Tuy nhiên, thực tế, tiêu chảy và táo bón có thể do rất nhiều nguyên nhân khác. Do đó, nếu gặp phải tình trạng này đi kèm với nhiều biểu hiện bất thường kể trên thì bạn có thể nghi ngờ “thủ phạm” là do bệnh tuyến giáp.
8. Đau cơ và khó nuốt
Tình trạng đau nhức cơ có thể liên quan đến nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể. Nếu cơn đau nhức mới khởi phát gần đây mà không có nguyên nhân rõ ràng thì một trong những thủ phạm là bệnh tuyến giáp.
Do tuyến giáp nằm ở phía trước cổ nên đôi khi bạn sẽ có cảm giác khó nuốt nếu kích thước tuyến giáp quá to.
9. Biểu hiện bệnh tuyến giáp ở phụ nữ: Kinh nguyệt không đều và giảm ham muốn
Nếu bạn nhận thấy những tháng gần đây, chu kỳ kinh nguyệt bỗng nhiên không đều, lượng kinh nguyệt ra nhiều hơn, các triệu chứng tiền kinh nguyệt cũng nặng hơn thì nguyên nhân có thể là do hoạt động bất thường của tuyến giáp.
Ngoài các vấn đề về kinh nguyệt, bạn cũng có thể gặp phải các vấn đề về quan hệ tình dục như giảm ham muốn, khó khăn khi đạt cực khoái…
10. Dấu hiệu của bệnh tuyến giáp: Da khô hoặc nhờn
Da bị khô thường có liên quan đến suy giáp. Khi tuyến giáp hoạt động không hiệu quả, lượng hormone tuyến giáp sản xuất không đủ sẽ khiến da bị khô.
Trong khi đó, da nhờn lại là biểu hiện của cường giáp. Khi hormone tuyến giáp được sản xuất quá nhiều, các tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh, khiến bã nhờn ra nhiều và có thể gây mụn.
11. Các triệu chứng bất thường ở mắt
Tuyến giáp không hoạt động đúng cách có thể ảnh hưởng đến mắt, khiến mắt bạn bị khô, hay chảy nước mắt, mắt bị đỏ, mắt bị lồi hoặc thay đổi thị lực.
Mắt lồi thường là triệu chứng ban đầu điển hình của cường giáp. Bạn có thể sẽ không nhận thấy mắt mình lồi lên vì quá trình này thường diễn ra từ từ. Tuy nhiên, rất có thể những người xung quanh sẽ nhận thấy sự thay đổi này của bạn.
12. Bướu cổ: Dấu hiệu điển hình của bệnh tuyến giáp
Bướu cổ là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp rõ ràng nhất. Cụ thể, cổ của bạn có thể bị sưng hoặc xuất hiện bướu. Tình trạng này có thể khiến bạn khó hô hấp, nói chuyện hoặc bị nghẹn khi nuốt.
Cần làm gì khi có các dấu hiệu của bệnh tuyến giáp?
Khi nhận thấy có các biểu hiện của bệnh tuyến giáp kể trên, bạn nên sắp xếp thời gian đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và có cách điều trị phù hợp.
Khi đi khám, ngoài việc xem xét các triệu chứng, bạn có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để xác định mức hormone tuyến giáp, siêu âm tuyến giáp để phát hiện các bất thường ở tuyến giáp, chụp xạ hình tuyến giáp để phát hiện u, bướu, nhân giáp hóa độc…
Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy bạn mắc các bệnh về tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Nếu bị suy giáp, bạn có thể được cho dùng hormone tuyến giáp tổng hợp dạng uống. Trường hợp bị cường giáp, bạn có thể dùng thuốc đặc hiệu để kìm hãm quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Đối với những trường hợp bướu tuyến giáp hoặc hạt giáp quá lớn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
[embed-health-tool-ovulation]