Dậy thì là giai đoạn phát triển bình thường của cơ thể, đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn. Các trẻ gái thường bắt đầu dậy thì ở độ tuổi từ 9-14 và ở các trẻ nam dậy thì muộn hơn ở độ tuổi từ 12-15. Nhìn chung, nữ dậy thì sớm hơn nam khoảng 2-3 tuổi. Các bạn trẻ có người sẽ dậy thì sớm hơn và cũng có người dậy thì muộn hơn một vài năm.
Tuy vậy, khi trẻ đến tuổi mà không xuất hiện dấu hiệu dậy thì, các bậc cha mẹ nên lưu ý để có kế hoạch gặp gỡ các chuyên gia, khám bác sĩ để giúp con phát triển bình thường nhé.
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ dậy thì muộn
– Ở trẻ gái, dấu hiệu dậy thì muộn là vú không to lên, cơ quan sinh dục không có lông ở tuổi 14 và tới 16 tuổi , không có kinh nguyệt lần đầu.
– Ở con trai, khi 14 tuổi không có dấu hiệu to ra của tinh hoàn.
Gặp các trường hợp này phụ huynh nên đưa con đi khám và nghe tư vấn của các bác sĩ.
2. Nguyên nhân dậy thì muộn
– Dậy thì muộn trung ương:
Do giảm chức năng tuyến sinh dục thứ phát, không tiết đủ Gonado Tropin tuyến yên.
Ở các bé gái, có dấu hiệu kém phát triển và dậy thì chậm cụ thể cổ ngắn, lồng ngực hình mai rùa, núm vú cách xa nhau…
Ở bé trai, bệnh nhân điển hình có tầm vóc cao lớn, thân hình giống người bị thiến hoạn, tay ngắn, chi dưới dài, tinh hoàn nhỏ nhưng chắc, thường kèm theo vú to.
– Dậy thì muộn ngoại biên:
Do giảm chức năng tuyến sinh dục thứ phát. Nguyên nhân do u, chấn thương, nhiễm khuẩn…gây đần độn, béo phì, thiểu năng sinh dục…
– Dậy thì muộn đơn thuần:
Xảy ra ở bé trai nhiều hơn( tỷ lệ nam/nữ = 9/1). Trạng thái này không rõ nguyên nhân. Chuẩn đoán rất khó và phức tạp có thể bằng chụp quét cắt lớp, vùng hạ đồi tuyến yên hoặc các xét nghiệm khác như nhiễm sắc thể, soi ổ bụng…
· Dậy thì muộn thể chất: Trẻ có chiều cao cơ thể khiêm tốn, tuổi xương nhỏ hơn so với thực tế…sau đó hiện tượng dậy thì tiến triển cơ bản như bình thường. Do vậy, tuy không phải điều trị nhưng vẫn phải đến bệnh viện khám.
· Dậy thì muộn có thể có ở những trẻ suy dinh dưỡng ( quá gầy, bệnh đường ruột mãn tính, thiếu máu, suy thận,…), vận động quá nhiều…muốn trở lại dậy thì tự nhiên cần phải có chế độ điều chỉnh, giảm vận động cho phù hợp.
3. Chế độ dinh dưỡng có nguy cơ gây ra dậy thì muộn
Chuyện dậy thì sớm hay muộn do nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động, có khi do di truyền, do nguyên nhân tâm thần hoặc những dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục và buồng trứng. Mặt khác dậy thì muộn cũng do sự tác động của chế độ dinh dưỡng.
– Thực phẩm khiến bé dậy thì muộn
Cải bắp: có chứa lượng nhỏ goitrin có thể gây bướu cổ, ảnh hưởng tới tuyến giáp điều đó tác động tới quá trình dậy thì. Trước khi chế biến, nên cắt nhỏ cải bắp ngâm nước khoảng 10 phút để hạn chế tối đa lượng Goitrin.
– Đậu nành
Mặc dù có hàm lượng dinh dưỡng khá cao gồm các nhóm Vitamin B, F và các khoáng chất. Tuy vậy, trong đậu nành có chất Isoflavone có ảnh hưởng tới sự tổng hợp hormone gây hiện tượng dậy thì muộn ( đây là món tối kỵ cho các bé trai).Mặt khác, trong đậu nành còn có chứa estrogen thực vật giống estrogen nội tiết tố của buồng trứng tiết ra. Lưu ý: Các bé trai không nên uống quá 300ml sữa đậu nành/ngày nhé!
– Đồ ngọt
Theo các chuyên gia, việc ăn quá nhiều đồ ngọt, nước ngọt có gas ảnh hưởng lớn tới việc phát triển chiều cao trong giai đoạn tiền dậy thì. Mặt khác, đồ ăn ngọt là nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, thận…Là tác nhân khiến quá trình dậy thì muộn.
– Rượu bia, thuốc lá
Không chỉ gây ra tình trạng dậy thì muộn, mà còn ảnh hưởng tới khả năng “đàn ông” của các bé trai về sau. Cụ thể khiến “ cậu nhỏ” rối loạn khả năng cương cứng, tinh trùng ít…Ngoài ra, rượu bia là thủ phạm giảm lượng hormone, Testosterone ở trẻ.
– Ăn nhiều muối
Các nhà khoa học cho biết ăn nhiều muối( gấp 3-4 lần hàm lượng quy định /ngày) hoặc ăn quá ít muối sẽ làm chậm quá trình dậy thì ở trẻ em và dễ gây stress.Ngoài ra, ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh cao huyết áp và tim mạch.
4. Chế độ dinh dưỡng cần thiết ở tuổi dậy thì
– Canxi:
Mỗi ngày cần 1.000 – 1.200 mg. Canxi có nhiều trong sữa, các chế phẩm từ sữa như pho-mai, trong những loại đậu, trong xương cá, cua đồng. Ít nhất một ngày cần uống 300 – 500 ml sữa.
– Sắt:
Mỗi ngày cần 18mg, trẻ gái cần hơn trẻ trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Sắt có nhiều trong thịt, cá, rau xanh (rau ngót, rau muống…).
– I ốt:
Khoảng 15 mcg mỗi ngày. I ốt có nhiều trong hải sản và phải sử dụng muối i ốt khi nấu ăn. Thiếu i ốt trẻ sẽ bị bướu cổ, kém thông minh…
– Vitamin:
Các vitamin nhóm B, C, A, D, axit folic… cũng cao do tăng chuyển hóa năng lượng. Vì vậy, cần phải ăn đa dạng thực phẩm và là những thực phẩm tươi càng ít qua chế biến thì càng ít mất chất dinh dưỡng. Lượng rau cần thiết trong ngày là 300 – 500g.
– Chất đạm:
Trong giai đoạn dậy thì cần khuyến khích trẻ ăn nhiều đạm để xây dựng các cấu trúc tế bào và hoàn thiện phát triển các nội tiết tố về giới tính. Trẻ dậy thì phát triển cơ bắp nên lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành.Chất đạm chiếm 14 – 15% năng lượng (70 – 80 g/ ngày). Lượng đạm lấy từ thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua, các loại đậu… (khoảng 200-300g/ngày).
– Chất béo:
Là chất cung cấp năng lượng cao và là dung môi tăng hấp thu vitamin D (rất cần cho sự hấp thụ canxi) nên cần chiếm 20 – 25% (50 – 60 g/ngày). Chất béo no có trong thức ăn chứa đạm động vật còn chất béo chưa no thì phải bổ sung bằng dầu ăn và cá.
– Bột đường:
Là chất cung cấp năng lượng chính chiếm 60 – 70% năng lượng (300 – 400 g), là những thực phẩm giàu bột đường như gạo, bột mỳ, khoai củ… Nên chọn những loại bột đường thô để cung cấp chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và phòng chống béo phì.
BS. Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội