Đối với phụ nữ, bất kì một sự bất ổn nào ở vùng kín cũng khiến chị em lâm vào cảnh đứng ngồi không yên. Đó là khi “cô bé” đang cố gắng lên tiếng thông báo rằng sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề đấy. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về những cảnh báo từ “cô bé” nhé.
Đầu tiên, bạn phải ghi nhớ rằng có dịch tiết âm đạo là một điều hoàn toàn bình thường. Dịch tiết này được tạo ra từ các tuyến bên trong âm đạo và cổ tử cung của bạn. Đây là cơ chế mà cơ thể sử dụng để giữ cho âm đạo sạch sẽ và khỏe mạnh. Dịch tiết âm đạo bình thường ở mỗi cá nhân sẽ khác nhau đôi chút trong kết cấu cũng như trong màu sắc. Nó có thể chỉ là một lượng ít, hơi dính và đàn hồi hoặc cũng có thể là một lượng nhiều và rất dính. Tuy nhiên, điểm chung của dịch tiết bình thường là trong và có màu trắng hoặc trắng nhạt. Đôi lúc, dịch tiết âm đạo của bạn sẽ thay đổi. Sau đây là một số thay đổi thường gặp.
Dịch tiết màu nâu hay có dính máu
Thông thường, dịch tiết có màu nâu hay có dính máu là bình thường, đặc biệt là khi nó xuất hiện trong hoặc ngay sau chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Dịch tiết xuất hiện vào cuối chu kỳ thường có màu nâu thay vì màu đỏ. Bạn cũng có thể sẽ thấy một lượng nhỏ chất dịch dính máu xuất hiện vào giữa chu kỳ, được gọi là đốm. Tuy nhiên, điều này đôi khi lại là một dấu hiệu của sự chảy máu âm đạo bất thường hoặc hiếm xảy ra hơn là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung hay ung thư nội mạc tử cung.
Dịch tiết có màu đục hoặc màu vàng
Khi dịch tiết của bạn có màu đục hoặc màu vàng, đây có thể là một dấu hiệu của bệnh lậu hay chlamydia. Một số triệu chứng khác đi kèm là đau vùng chậu và cảm giác bỏng rát khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, không may là hầu hết phụ nữ thường không gặp phải các triệu chứng này khi mắc bệnh. Nhưng bạn không cần quá lo lắng, vì nhiễm lậu hay chlamydia một khi đã chẩn đoán được thì rất dễ chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh.
Dịch tiết có màu vàng hay xanh lá nhạt, có bọt và có mùi hôi
Những dấu hiệu trên chính là triệu chứng của nhiễm trichomonas – một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) gây ra bởi một sinh vật nhỏ có tên là trichomonas vaginalis. Phụ nữ thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, mặc dù người nhiễm bệnh đầu tiên là các quý ông và họ đã lây cho đối tác của mình khi ân ái. Tuy nhiên, dù là phái mạnh hay phái yếu mắc bệnh, điều quan trọng là bệnh phải được trị khỏi. Hầu hết những người mắc trichomonas thường không nhận thấy các triệu chứng nhưng nếu tình trạng không được chữa trị, nó sẽ khiến bạn dễ bị lây nhiễm HIV và xấu hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi trong quá trình mang thai.
Dịch tiết màu hồng
Khi bạn thấy dịch tiết của mình có màu hồng, nghĩa là trong dịch tiết của bạn đã có lẫn một lượng máu nhỏ. Thông thường, đây không phải là một lời cảnh báo bạn đang bị bệnh mà chỉ đơn giản là cơ thể thông báo rằng bạn đang rụng trứng hay sắp bắt đầu hành kinh. Đôi khi, đây còn là dấu hiệu nói rằng bạn đang có tin vui. Ngoài ra, bạn cũng sẽ thấy vùng kín tiết dịch màu hồng trong khoảng 1 tuần sau sinh.
Dịch tiết nhiều, có màu trắng như phô mai
Nếu dịch tiết của bạn có màu trắng, dày và sần, đó có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm nấm. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy vùng kín của mình bị ngứa và cảm giác nóng rát. Tuy nhiên, nhiễm nấm sẽ không khiến “cô bé” của bạn có mùi hôi quá khó chịu. Thực chất, trong các loại bệnh nhiễm trùng âm đạo, nhiễm nấm là loại phổ biến thứ hai. Nó thường xảy ra sau khi bạn trị bệnh với thuốc kháng sinh hay thường xuất hiện ở các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường và bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Dịch tiết có màu trắng, xám hoặc màu vàng và có mùi tanh
Những triệu chứng này có thể là một dấu hiệu của viêm âm đạo do vi khuẩn. Đây là một bệnh nhẹ và thường sẽ tự biến mất trong một vài ngày. Tuy nhiên, đôi khi nó sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bạn không nên xem thường viêm âm đạo do vi khuẩn mà hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách nhé.
Làm thế nào để phòng tránh dịch tiết âm đạo bất thường?
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn tránh xa bệnh nhiễm trùng âm đạo, một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng dịch tiết bất thường:
- Bạn nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tránh sử dụng xà phòng thơm hay các sản phẩm tẩy rửa và không nên thụt rửa. Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng các sản phẩm xịt âm đạo hay tắm bồn với xà phòng nhiều bọt.
- Sau khi đi vệ sinh, bạn luôn nhớ phải lau sạch theo hướng từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo khiến “cô bé” bị nhiễm trùng.
- Hãy mặc đồ lót chất liệu 100% cotton và tránh mặc quần áo quá chật bạn nhé.
Mỗi sự thay đổi nhỏ trong hoặc xung quanh âm đạo đều là tín hiệu của cơ thể báo hiệu cho bạn về tình trạng sức khỏe tổng quan. Hiểu biết về những tín hiệu này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ âm đạo cũng như sức khỏe tổng thể, đồng thời khiến bạn tự tin hơn trong cuộc sống và trong các mối quan hệ.
Các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
[embed-health-tool-ovulation]