1. Bạn sẽ sử dụng các nhóm cơ khác nhau khi chạy trên 2 địa hình khác nhau
Dù ở địa hình nào, động tác chạy vẫn là đi bước một trước một sau.
Tuy nhiên, khi chạy trên đường nhựa có địa hình tương đối bằng phẳng, bạn chỉ lặp lại một động tác đơn giản với hiệu suất cao. Tải trọng khi chạy sẽ phân bố đều lên các cơ như đùi, hông, bắp chân sau, mông, bắp chân, chúng sẽ hoạt động hài hòa để giúp bạn di chuyển tiến về phía trước.
Ngược lại,khi bạn chạy trên đường mòn gồ ghề với địa hình có nhiều rễ cây, đá sỏi, hố trũng, các con dốc,… thì lực phân bố lên các cơ không đồng đều. Khi chạy, bạn sẽ chuyển động đa dạng, từ sang ngang, co cơ lệch tâm, hoạt động khác nhau ở các đoạn dốc, đòi hỏi sức mạnh và sự linh hoạt cao hơn so với chạy bộ đường trường…Nên khi chạy trail sẽ đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của hông và các cơ giữ thăng bằng như mông, cơ lõi, cũng như cơ nhỏ ở mắt cá chân, bàn chân để giữ cho người được thăng bằng và đứng vững hơn khi chạy qua các chướng ngại vật.
Xem thêm: 18 bí quyết chạy trail giúp bạn chạy trail dễ dàng hơn
Trong chạy trail, mặc dù cơ chính như đùi làm nhiệm vụ chính, nhưng các cơ nhỏ mới giúp bạn vững vàng khi chạy đường mòn. Chạy đường mòn đòi hỏi hoạt động của toàn thân nhiều hơn chạy đường nhựa. Tập luyện sức mạnh, sự ổn định sẽ phát triển các nhóm cơ chính lẫn phụ, giúp chinh phục địa hình đất đá, dốc hiệu quả hơn.
2. Kỹ thuật chạy địa hình sẽ linh hoạt hơn.
Không có một kỹ thuật chạy hoàn hảo phù hợp với tất cả mọi người. Cấu trúc cơ thể và cách di chuyển của mỗi người là khác nhau, nhưng bạn có thể điều chỉnh kỹ thuật chạy để cải thiện thành tích hoặc ngăn ngừa chấn thương. Trong chạy road, mục tiêu là duy trì nhịp độ và duy trì kỹ thuật chạy xuyên suốt quãng dường chạy. Nhưng trên đường mòn, Một HLV chạy bộ của Runners World cho biết “bạn cần phản ứng nhanh hơn với những gì ở phía trước – và kỹ thuật chạy sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ khó của địa hình, bề mặt đường và độ dốc.”
Một huấn luyện viên khác của Runners Word giải thích, chạy lên dốc và xuống dốc đòi hỏi các kiểu di chuyển cơ học khác nhau. Khi lên dốc, sải chân của bạn sẽ tự nhiên ngắn lại, “bạn cần hơi nghiêng người về phía trước từ mắt cá chân để trọng tâm hơi hướng về trước.” Điều này sẽ giúp bạn di chuyển lên dốc dễ dàng hơn.
Khi chạy xuống dốc, bạn có xu hướng sải chân quá rộng, điều này có thể gây hại cho cơ. HLV chạy bộ của Runners World khuyên: “Giữ cho bước chạy ngắn và di chuyển chân nhanh hơn và nhịp nhàng hơn, đồng thời vẫn phải duy trì một giữ tư thế chạy bộ đúng. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh linh hoạt. Những người chạy xuống dốc giỏi nhất là những người di chuyển chân đủ nhanh để bất kỳ bước chân nào sai lầm cũng được điều chỉnh ngay ở bước tiếp theo.”
Xem thêm: Checklist chạy trail cho người mới
3. Tâm lý chạy giữa chạy trail và chạy road sẽ khác nhau
Một trong những điều thú vị của chạy road là miễn bạn biết mình đang đi đâu, bạn có thể thoải mái thả lỏng tâm trí và suy nghĩ về những điều khác. Đồng thời, đường nhựa hoặc đường chạy trong các sân vận động cũng cho phép bạn thực sự đẩy giới hạn tốc độ của mình – ngay cả khi bạn đang ở trong một không gian tâm lý gần như thiền định.
Chạy địa hình thì khác. Trên đường chạy trail, bạn buộc phải tập trung vào đường chạy. Nếu bạn không tập trung, bạn có thể va phải các chướng ngại vật và “ngã sấp mặt”. Sự tập trung ở đây không hẳn là bạn không được để ý xung quanh, mà sự tập trung ở đây nói đến việc bạn phải chú ý vào nhịp bước chân của bạn.
Khi chạy đường mòn, bạn đừng quá để ý đến tốc độ của mình. Tốc độ của chạy trail sẽ chậm hơn chạy road khá nhiều. Trong chạy trail, đôi khi chạy chậm/đi bộ nhanh chính là những chìa khóa giúp bạn về đích nhanh hơn đối thủ của mình.
Thay vì tính toán quãng đường, hãy lên kế hoạch chạy địa hình dựa trên thời gian. Chạy đường mòn không nhằm mục đích đạt được các mục tiêu về quãng đường hay tốc độ cụ thể như khi chạy đường nhựa. Mục tiêu lớn hơn là rèn luyện sức bền, sức mạnh cơ thể và tinh thần.. Thêm nữa, chạy địa hình đòi hỏi sự tập trung và thích ứng liên tục, do đó việc theo dõi quãng đường có thể khiến bạn mất tập trung và ảnh hưởng đến trải nghiệm chạy
Bạn có thể không đạt được các cột mốc tập luyện cụ thể về quãng đường, nhưng hãy tin tưởng rằng chạy địa hình sẽ góp phần vào mục tiêu lớn hơn mà bạn đang hướng tới, cho dù đó là sức bền tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn hay thậm chí là thành tích cá nhân mới trên đường trường hoặc địa hình.
Hãy tận hưởng hành trình chạy bộ địa hình với tâm lý tập trung và sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. Chạy địa hình không chỉ giúp bạn rèn luyện thể chất mà còn mang đến trải nghiệm thú vị và kết nối bạn với thiên nhiên.
4. Kết luận
Chạy bộ trên đường nhựa và đường trail khác nhau rất nhiều về cả thể chất lẫn tinh thần. Chạy đường mòn đòi hỏi sự tập trung cao độ, kỹ năng điều chỉnh bước chân linh hoạt và sự tham gia của nhiều nhóm cơ hơn để vượt qua những địa hình gồ ghề trong cung đường trail. Nó cũng đặt ra những thách thức mới về mặt tâm lý, buộc bạn phải luôn hiện diện, không thể hoàn toàn tách rời khỏi thực tại.
Tuy vậy, những khó khăn này cũng mang lại nhiều lợi ích to lớn. Chạy đường mòn không chỉ rèn luyện sức bền, sức mạnh toàn thân mà còn giúp bạn kết nối với thiên nhiên, trải nghiệm những cảm giác mới lạ, thú vị. Đây là một hành trình giúp bạn rèn luyện thể chất và tinh thần, mặt khác nó cũng sẽ giúp bạn xác định và vượt qua giới hạn của bản thân.
Vì vậy, hãy sẵn sàng đón nhận những thử thách khi chuyển sang chạy địa hình. Tập trung vào từng bước chân, thả lỏng tâm trí và tận hưởng trọn vẹn hành trình. Đừng quá chú trọng vào tốc độ hay quãng đường mà hãy để dành năng lượng chinh phục từng chặng đường khó khăn. Tin tưởng rằng, mỗi nỗ lực của bạn trên đường mòn sẽ góp phần đưa bạn tiến gần hơn tới mục tiêu lớn hơn về sức khỏe, sự dẻo dai và khám phá bản thân.