Chỉ số đường huyết lúc sáng sớm là một chỉ số quan trọng trong chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị đái tháo đường. Bất kỳ bất thường nào trong chỉ số này cũng là dấu hiệu cần quan tâm. Vậy chỉ số đường huyết sáng sớm bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường?
Bài viết sau sẽ trả lời cho câu hỏi trên đồng thời đề cập đến một số nguyên nhân của tình trạng đường huyết của người bệnh tiểu đường tăng cao vào buổi sáng. Việc hiểu nguyên nhân có thể giúp đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề này. Cùng tìm hiểu ngay!
Chỉ số đường huyết lúc sáng sớm có ý nghĩa gì?
Chỉ số đường huyết lúc sáng sớm (từ chuyên ngành tương ứng: chỉ số đường huyết đói) là mức đường huyết được đo sau khi thức dậy vào buổi sáng. Người thử đường huyết phải đảm bảo không ăn hoặc uống (trừ nước lọc) trong vòng ít nhất 8 giờ. Đây là một chỉ số giúp tầm soát và chẩn đoán bệnh đái tháo đường cũng như để theo dõi đáp ứng điều trị của những người đã mắc bệnh.
Khi đói, hormone glucagon được kích thích làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Ở người bình thường, cơ thể sẽ sản xuất insulin để cân bằng lại lượng glucose tăng lên. Vì vậy, đường huyết vào buổi sáng sớm (lúc đói) sẽ có chỉ số ở mức thấp nhất.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường không sản xuất đủ insulin để cân bằng lại lượng đường trong máu hoặc cơ thể họ không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường sẽ có chỉ số đường huyết đói cao hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh tiểu đường.
Chỉ số đường huyết lúc sáng sớm bao nhiêu là bình thường?
Kết quả của xét nghiệm đường huyết đói gợi ý chỉ số đường huyết bình thường – bất thường lúc sáng sớm:
- Bình thường: 3,9 đến 5,4 mmol/l (70 đến 99 mg/dl).
- Tiền tiểu đường hoặc rối loạn dung nạp glucose: 5,5 đến 6,9 mmol/l (100 đến 125 mg/dl).
- Tiểu đường: 7,0 mmol/l (126 mg/dl) trở lên.
- Hạ đường huyết: dưới 3.9 mmol/L (< 70 mg/dL).
Nếu bạn chưa được chẩn đoán mắc bệnh trước đây, kết quả mức đường huyết cao hơn bình thường có nghĩa là bạn đã hoặc đang có nguy cơ mắc tiểu đường. Xét nghiệm này nên được lặp lại 2 lần tại cơ sở y tế để đảm bảo kết quả chính xác. Nếu chỉ số này dùng để theo dõi đáp ứng điều trị, nguyên nhân tăng lên có thể đến từ các nguyên nhân khác nêu bên dưới.
Nếu bạn đang mắc đái tháo đường thì đường huyết đói buổi sáng nên được giữ trong khoảng 4.4 – 7.2 mmol/l ( 80 – 130 mg/dl), tuy nhiên mục tiêu này còn cá nhân hóa theo từng bệnh nhân ví dụ người già lớn tuổi, bệnh nền nhiều, nguy cơ hạ đường huyết cao thì bác sĩ có thể đặt ra mức mục tiêu đường huyết đói cao hơn ví dụ như 110 – 180 mg/dl chẳng hạn.
Trường hợp đường huyết thấp hơn bình thường ở người đái tháo đường có thể do:
- Tác dụng phụ của một số thuốc hạ đường huyết
- Ăn không đủ, đặc biệt là sau khi dùng thuốc đái tháo đường
- Hoạt động thể chất nhiều hơn bình thường
Nếu bạn không bị đái tháo đường, mức đường huyết thấp có thể là dấu hiệu của:
- Bệnh gan
- Bệnh thận
- Tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc tuyến giáp kém hoạt động
- Rối loạn khi sử dụng rượu
Nguyên nhân và cách xử trí tình trạng đường huyết tăng cao vào buổi sáng?
Nguyên nhân
Hai thủ phạm chính gây ra đường huyết tăng cao vào buổi sáng: hiệu ứng bình minh và lượng insulin suy giảm. Nguyên nhân thứ ba, ít gặp hơn là hiệu ứng Somogyi.
Đường huyết cao cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác như: cường giáp, rối loạn chức năng tuyến tụy, stress do phẫu thuật, bệnh nặng hoặc chấn thương.
Nếu xu hướng tăng đường huyết vào buổi sáng thường xuyên xuất hiện, hãy kiểm tra lượng đường huyết của bạn trước khi đi ngủ, vào lúc nửa đêm và ngay sau khi thức dậy để hiểu rõ hơn về sự thay đổi đường huyết trong ngày. Nếu sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM), thì nó sẽ tự động thu thập dữ liệu cần thiết.
Xử trí vấn đề chỉ số đường huyết lúc sáng sớm tăng cao
Kết quả kiểm tra sẽ cho bạn và bác sĩ biết thời điểm nào đường huyết cao hoặc thấp. Điều đó sẽ giúp thu hẹp nguyên nhân của vấn đề.
- Nếu đường huyết cao lúc chuẩn bị đi ngủ thì có thể là do thực phẩm và thuốc. Bữa tối trễ hoặc quá nhiều, ăn vặt trước khi đi ngủ, dùng liều insulin quá thấp trong bữa tối có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao kéo dài suốt đêm. Để giải quyết việc này bạn có thể điều chỉnh bữa ăn hoặc điều chỉnh liều thuốc.
- Nếu đường huyết cao trong khoảng thời gian đi ngủ thì có thể là do sử dụng không đủ thuốc. Ví dụ, nếu bạn đang dùng insulin tác dụng kéo dài và nó hết tác dụng trước liều tiếp theo vào ngày hôm sau, bạn sẽ thấy lượng đường trong máu cao vào buổi sáng. Thay đổi thời điểm tiêm insulin tác dụng kéo dài hoặc chuyển sang dùng insulin cơ bản hai lần mỗi ngày hoặc dùng insulin tác dụng cực dài có thể khắc phục được vấn đề.
- Nếu đường huyết cao vào lúc về sáng thì có thể là hiện tượng bình minh hoặc hiện tượng Somogyi hoặc là do các nguyên nhân khác như liều insulin tiêm buổi chiều hay tối không đủ, ăn nhiều carbohydrate hay uống sữa trước khi đi ngủ, một số thuốc gây tăng đường huyết
- Hiện tượng bình minh, tăng lượng đường trong máu trong khoảng thời gian từ 2 đến 8 giờ sáng, là một phản ứng của cơ thể. Một trong những cách để giải quyết hiện tượng bình minh là điều chỉnh lượng insulin. Bác sĩ có thể tăng liều insulin để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
- Hiện tượng Somogyi là hiện tượng đường huyết hạ thấp ban đêm 2-3g sáng, khi đó cơ thể sẽ tăng tiết các hormon đối kháng insulin như glucagon, cortisol,…và làm đường huyết buổi sáng tăng cao. Một trong những cách giải quyết hiện tượng Somogyi là bác sĩ sẽ giảm liều insulin ngày hôm trước để tránh bị hạ đường huyết vào ban đêm.
- Nếu không sử dụng insulin, bạn có thể phải thử các thuốc và liệu trình khác nhau để bác sĩ tìm ra loại thuốc và chiến lược thay đổi lối sống tốt nhất giúp đường huyết ổn định vào buổi sáng.
Tập thể dục giúp kiểm soát đường huyết
Tập thể dục cũng có thể giúp bạn kiểm soát đường huyết lúc sáng sớm. Tập thể dục nhẹ nhàng sau bữa tối có thể giúp giảm lượng đường trong máu qua đêm. Nhưng bạn hãy thận trọng khi tập thể dục trước khi đi ngủ. Tác dụng hạ đường huyết có thể kéo dài khiến bạn có nguy cơ bị hạ đường huyết trong đêm.
Hãy tập thể dục buổi sáng nếu đường huyết có xu hướng giảm vào ban đêm sau khi tập thể dục vào buổi tối. Nó có thể giúp đốt cháy lượng đường huyết dư thừa.
Không có công thức hoàn hảo để kiểm soát mức đường huyết cao vào buổi sáng. Biện pháp hiệu quả với người khác có thể không hiệu quả với bạn. Cần thời gian thảo luận và theo dõi với bác sĩ điều trị để tìm ra chiến lược tốt nhất để giữ lượng đường trong máu của bạn ở mức phù hợp vào buổi sáng đồng thời tránh hạ đường huyết ban đêm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy báo với bác sĩ ngay nếu có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào về chỉ số đường huyết lúc sáng sớm. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường, tiền đái tháo đường và những người có nguy cơ mắc bệnh nên gặp bác sĩ khi:
- Lượng đường trong máu cao hoặc thấp bất thường
- Mức đường huyết đang được quản lý tốt đột nhiên bắt đầu dao động
- Các triệu chứng tiểu đường mới xuất hiện hoặc trầm trọng hơn
- Thay đổi việc dùng thuốc
- Nhiễm trùng hoặc vết loét lâu không lành
Bệnh tiểu đường cần được theo dõi liên tục. Việc điều trị có thể thay đổi theo thời gian. Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị bao gồm cả việc dùng thuốc, chế độ ăn uống và tập thể dục thích hợp cho từng cá nhân. Hãy trao đổi với bác sĩ thường xuyên.
Việc theo dõi thường xuyên chỉ số đường huyết lúc sáng sớm rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường. Đây cũng là một trong những chỉ số giúp chẩn đoán bệnh. Tham gia cộng đồng Tiểu đường của Bệnh lý ngay để tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích về bệnh tiểu đường.