Cholesterol toàn phần là gì và nồng độ trong máu của cholesterol toàn phần bao nhiêu là bình thường là những thắc mắc thường gặp khi chúng ta nghe về tình trạng mỡ máu cao. Quản lý tốt nồng độ cholesterol toàn phần sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch nghiêm trọng.
Cholesterol là dạng chất béo giống như sáp, được tổng hợp ra từ gan hoặc thu nhận từ chế độ ăn uống hàng ngày. Cholesterol góp phần xây dựng cấu trúc các tế bào, tổ chức mô đệm cũng như tổng hợp nên các nội tiết tố (hormone) trong cơ thể.
Cơ thể người luôn cần một nồng độ cholesterol nhất định để hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi nồng độ cholesterol trong máu quá cao sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tim mạch, chẳng hạn như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Do đó, việc theo dõi nồng độ cholesterol toàn phần là rất cần thiết để kịp thời thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc nhằm đưa chỉ số này về mức bình thường.
Vậy, chỉ số cholesterol toàn phần bao nhiêu là bình thường? Làm sao để ổn định lượng cholesterol trong máu và cách giảm cholesterol “xấu” nếu như chỉ số này cao hơn bình thường? Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu rõ các thắc mắc liên quan đến cholesterol qua viết dưới đây.
Cholesterol toàn phần là gì?
Cholesterol toàn phần là tổng lượng cholesterol lưu thông trong máu, với công thức tính bằng tổng của lượng HDL (cholesterol “tốt”) + LDL (cholesterol “xấu”) + 20% chất béo trung tính (triglycerid).
Trong đó:
- HDL-C được gọi là cholesterol “tốt”, giúp lượng cholesterol dư thừa trong máu được vận chuyển đến gan và loại bỏ khỏi cơ thể.
- LDL–C là loại cholesterol “xấu” góp phần hình thành mảng bám trong lòng động mạch. Theo đó, nếu lượng LDL-C quá cao sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
- Triglycerid hay chất béo trung tính là một dạng chất béo khác trong máu có thể làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và các bệnh lý khác.
Cholesterol toàn phần bao nhiêu là bình thường?
Để xác định được lượng cholesterol toàn phần cũng như các loại mỡ máu khác, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch để thực hiện các xét nghiệm lipid máu. Bạn có thể phải nhịn ăn trước khi lấy máu ít nhất 12 giờ liên tục (ngoại trừ uống nước lọc).
Kết quả định lượng cholesterol toàn phần bao nhiêu là bình thường trong máu còn tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính sinh học. Dưới đây là bảng tham chiếu khoảng chỉ số bình thường cho mức cholesterol toàn phần, HDL-C và LDL-C tính theo đơn vị miligam trên deciliter (mg/dL):
Tuổi, giới tính | Cholesterol toàn phần | HDL cholesterol | LDL cholesterol |
Dưới 19 tuổi | < 170 | > 45 | < 110 |
Trên 20 tuổi, nam giới | 125 – 200 | ≥ 40 | < 100 |
Trên 20 tuổi, nữ giới | 125 – 200 | ≥ 50 | < 100 |
Kết quả nồng độ cholesterol toàn phần trong máu từ 200 mg/dL trở lên sẽ được xem là cao. Tuy nhiên, mức độ cao cũng được chia thành hơi cao (ngay giới hạn mức tăng cao hơn bình thường) và cao để cho thấy khả năng quản lý được nồng độ cholesterol trong máu.
Tuổi | Cholesterol toàn phần | LDL-C |
Dưới 19 tuổi | Hơi cao: 170 – 199 mg/dL Cao: ≥ 200 mg/dL |
Hơi cao: 110 – 129 mg/dL Cao: ≥ 130 mg/dL |
Trên 20 tuổi | Hơi cao: 200 – 239 mg/dL Cao: ≥ 240 mg/dL |
Tăng nhẹ: 100 – 129 mg/dL
Hơi cao: 130 – 159 mg/dL Cao: 160 – 189 mg/dL Rất cao: ≥ 190 mg/dL |
Triglyceride không phải là một loại cholesterol nhưng chúng là một sản phẩm trong quá trình tổng hợp cholesterol toàn phần. Nồng độ triglycerid cũng được thể hiện trong bảng kết quả xét nghiệm lipid máu. Nồng độ triglycerid bình thường là dưới 150 mg/dL. Bạn cũng sẽ cần phải điều trị hạ triglycerid nếu chỉ số này ở ngay mức hơi cao (150 – 199 mg/dL) hoặc cao (trên 200 mg/dL).
Những yếu tố ảnh hưởng đến cholesterol toàn phần
Thực tế, rất nhiều yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến vấn đề cholesterol toàn phần bao nhiêu trong máu là bình thường. Chúng bao gồm các yếu tố có thể thay đổi và không thể thay đổi. Cụ thể như sau:
Những yếu tố có thể thay đổi bao gồm:
- Chế độ ăn uống. Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, cũng như cholesterol có trong thực phẩm bạn ăn sẽ làm tăng mức cholesterol toàn phần. Thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao bao gồm một số loại thịt động vật, các sản phẩm từ sữa, chocolate, đồ nướng, đồ chiên, thực phẩm chế biến sẵn.
- Cân nặng. Thừa cân là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và cũng làm tăng cholesterol trong máu. Lên kế hoạch giảm cân lành mạnh có thể giúp giảm mức cholesterol toàn phần, LDL-C và chất béo trung tính (triglycerid). Việc này cũng giúp làm tăng mức cholesterol “tốt” HDL-C.
- Lười hoạt động thể chất. Lười vận động cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm cholesterol “xấu” LDL và tăng cholesterol “tốt” HDL.
- Hút thuốc lá. Thuốc lá góp phần làm giảm cholesterol “tốt” HDL và khiến cho mức cholesterol “xấu” LDL tăng lên.
- Căng thẳng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng căng thẳng kéo dài đôi khi có thể làm tăng cholesterol LDL và giảm cholesterol HDL.
Những yếu tố không thể thay đổi là:
- Tuổi tác và giới tính. Theo thời gian, nồng độ cholesterol có xu hướng tăng lên ở người cao tuổi. Trước độ tuổi mãn kinh, phụ nữ có mức cholesterol toàn phần thấp hơn nam giới cùng tuổi. Thế nhưng, sau khi qua tuổi mãn kinh, nồng độ cholesterol “xấu” LDL ở phụ nữ lại có xu hướng tăng cao hơn.
- Di truyền. Gen cũng góp phần quyết định lượng cholesterol mà cơ thể tạo ra. Tình trạng cholesterol cao có khả năng di truyền trong gia đình.
- Chủng tộc. Người Mỹ gốc Phi thường có mức cholesterol HDL và LDL cao hơn người da trắng.
Cholesterol toàn phần bao nhiêu là bình thường và làm sao để ổn định?
Những thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống bạn có thể thực hiện để giúp ổn định lượng cholesterol toàn phần trong máu ở mức tốt hơn gồm:
- Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Bạn vẫn có thể ăn những thực phẩm chứa nhiều loại chất béo không bão hòa (một loại chất béo lành mạnh hơn) có trong dầu cá, gạo lứt, các loại hạt và đậu, trái cây, rau củ.
- Tập thể dục nhiều hơn. Hãy đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 150 phút (2 tiếng rưỡi) mỗi tuần, khoảng 30 phút/ngày x 5 ngày trong tuần. Bạn có thể thử đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe…
- Bỏ hút thuốc. Hãy cố gắng giảm dần số lần hút thuốc và tiến đến bỏ hoàn toàn để hạn chế nguy cơ tăng cholesterol máu.
- Hạn chế uống rượu, bia, đồ uống có cồn.
- Giảm căng thẳng và giảm cân lành mạnh.
- Quản lý huyết áp cao và bệnh tiểu đường nếu có.
- Dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Việc nắm rõ mức cholesterol toàn phần bao nhiêu là bình thường trong máu rất quan trọng đối với nguy cơ tim mạch nói chung, bên cạnh những chỉ số khác như nồng độ HDL-C, LDL-C và triglycerid. Tuy nhiên, mức cholesterol toàn phần cũng cần được xem xét cùng với các yếu tố nguy cơ khác. Bác sĩ sẽ đánh giá toàn bộ tình trạng sức khỏe tổng thể nói chung và các yếu tố nguy cơ tim mạch nói riêng để đề xuất phương pháp điều trị phù hợp nếu mức cholesterol toàn phần cao hơn bình thường.