Hiện nay đã có rất nhiều phương thức và cách điều trị bệnh tiểu đường. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một loại insulin được dùng rất nhiều trong quá trình điều trị tiểu đường. Không giống như insulin tác dụng nhanh, dạng insulin này mất nhiều thời gian hơn để có tác dụng nhưng hiệu quả sẽ kéo dài.
Insulin là gì?
Khi ăn, một hệ thống được lập trình sẵn trong cơ thể bạn sẽ thông báo cho tuyến tụy tiết ra một loại hormone gọi là insulin. Insulin tách đường (glucose) ra khỏi máu, đưa lượng đường này di chuyển vào các cơ, gan và các tế bào mỡ để tạo thành năng lượng hoặc để dự trữ. Khi sử dụng insulin, bạn có thể dựa theo bữa ăn để giúp giảm lượng đường huyết ngay sau khi dùng bữa. Tuy vậy, bạn cũng cần một lượng nhỏ insulin giữa các bữa ăn để giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Đó là lý do tại sao insulin tác dụng kéo dài ra đời.
Nếu bạn bị tiểu đường, tuyến tụy sẽ không thể sản xuất đủ hoặc không thể sản xuất insulin, và/hoặc các tế bào cũng không thể sử dụng lượng insulin này hiệu quả. Để kiểm soát lượng đường trong máu, bạn cần thay thế hoặc hỗ trợ chức năng tự động của tuyến tụy bằng việc tiêm insulin thường xuyên.
Các loại insulin
Insulin có nhiều dạng khác nhau. Điểm khác biệt của mỗi dạng nằm ở tốc độ giảm lượng đường trong máu nhanh hay chậm (tính từ thời điểm tiêm), thời điểm tác động lên lượng đường huyết mạnh nhất và thời gian tác dụng kéo dài bao lâu:
- Insulin tác dụng nhanh: Loại insulin này bắt đầu có hiệu quả chỉ 15 phút sau khi được tiêm vào cơ thể. Nó đạt nồng độ đỉnh trong khoảng từ 30 đến 90 phút và tác dụng của nó sẽ kéo dài từ 3 đến 5 giờ.
- Insulin tác dụng ngắn (loại thông thường): Loại insulin này mất khoảng 30 đến 60 phút để hoạt động. Nó đạt đỉnh từ 2 đến 4 giờ và tác dụng của nó có thể kéo dài từ 5 đến 8 giờ.
- Insulin tác dụng trung bình: Loại insulin này bắt đầu có hiệu lực sau 1 đến 3 giờ. Nó đạt đỉnh sau khoảng 8 giờ và tác dụng kéo dài từ 12 đến 16 giờ.
- Insulin tác dụng kéo dài: Loại insulin này mất nhiều thời gian nhất để bắt đầu có tác dụng. Có thể cần đến 4 giờ để thuốc ngấm vào máu. Insulin tác dụng kéo dài không có giai đoạn đỉnh điểm nên nó giúp ổn định lượng đường huyết trong suốt cả ngày. Cơ chế này cũng giống như tác động của insulin được sản xuất bởi tuyến tụy để kiểm soát lượng đường huyết giữa các bữa ăn.
Cách sử dụng insulin tác dụng kéo dài
Insulin tác dụng kéo dài còn được gọi là insulin nền. Nó giúp kiểm soát lượng đường huyết suốt ngày. Hiện đang có hai loại insulin nền trên thị trường. Đó là insulin glargine (Lantus), có tác dụng kéo dài đến 24 giờ và insulin detemir (Levemir), tác dụng kéo dài từ 18 đến 23 giờ.
Thông thường, bạn sẽ tiêm insulin tác dụng dài một lần một ngày để giữ lượng đường huyết ổn định. Bạn cần sử dụng kim tiêm hoặc bút insulin trong quá trình tiêm. Hãy đảm bảo rằng bạn tiêm insulin vào đúng một thời điểm mỗi ngày để tránh cung cấp chậm trễ hoặc bị “dồn” liều lượng thuốc (các lần tiêm quá sát nhau khiến tác dụng chồng chéo).
Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn tiêm insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn trước bữa ăn để ngăn ngừa gia tăng đường huyết sau khi ăn.
Tác dụng phụ khi sử dụng insulin tác dụng kéo dài
Cũng giống như bất kì loại thuốc nào, việc tiêm insulin nàycũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ.
Một tác dụng phụ bạn có thể gặp là hạ đường huyết. Những triệu chứng hạ đường huyết bao gồm chóng mặt, ớn lạnh, mắt mờ, suy nhược cơ thể, đau đầu và xỉu.
Những tác dụng khác mà bạn có thể gặp khi tiêm insulin bao gồm đau nhức, mẩn đỏ hoặc sưng tấy ở vị trí tiêm.
Insulin tác dụng siêu dài là gì?
Hiện tại, những người sử dụng insulin tác dụng kéo dài có thể không cần phải tiêm nhiều như trước. Một loại insulin mới có tác dụng siêu dài, gọi là degludec, giúp kiểm soát lượng đường trong máu với thời gian dài gấp đôi so với loại insulin tác dụng kéo dài thông thường. Nó có thể kéo dài đến 42 giờ. Degludec cũng có thể làm hạ đường huyết.
Hiện nay, những người bị tiểu đường đã có thể sử dụng insulin tác dụng siêu dài. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn degludec vào ngày 25/9/2015 và insulin tác dụng siêu dài đã được tung ra thị trường vào 26/1/2016.
Cách chọn loại insulin phù hợp
Bất kể bạn lựa chọn loại insulin nào thì cũng sẽ công hiệu trong việc kiểm soát lượng đường huyết.
Hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra loại insulin và liều lượng phù hợp nhất. Đồng thời tạo lập một lịch trình tiêm hợp lý và thuận tiện.
[embed-health-tool-bmr]