Chức năng của hồng cầu là đưa oxy nhận được từ phổi đến các tế bào khắp cơ thể và vận chuyển carbon dioxide do tế bào thải ra đưa về phổi. Một chế độ ăn uống lành mạnh có chứa các khoáng chất và vitamin thiết yếu sẽ giúp cơ thể sản xuất đủ các tế bào hồng cầu và luôn khỏe mạnh.
Hiểu biết về cấu tạo chức năng của hồng cầu là gì sẽ giúp bạn có cách phòng ngừa và nâng cao sức khỏe, tránh khỏi các bệnh liên quan đến việc thiếu hụt hoặc dư thừa tế bào hồng cầu. Mời bạn cùng DIEPHM tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Hồng cầu là gì?
Hồng cầu là một trong những thành phần quan trọng trong máu, chiếm đến 40–45% thể tích của máu. Chỉ cần 2 hoặc 3 giọt máu có thể chứa đến khoảng 1 tỷ tế bào hồng cầu. Ngoài hồng cầu, máu còn chứa 2 loại tế bào khác là bạch cầu và tiểu cầu cùng với huyết tương.
Hồng cầu liên tục được sản xuất trong tủy xương nhưng việc sản xuất hồng cầu lại được kiểm soát bởi erythropoietin – hormone được sản xuất chủ yếu bởi thận. Cơ thể người trưởng thành trung bình sản xuất 2-3 triệu hồng cầu mỗi giây, tương đương với khoảng 200 tỷ tế bào hồng cầu mỗi ngày. Để một tế bào hồng cầu trưởng thành và giải phóng vào máu cần 7 ngày.
Các tế bào hồng cầu có đường kính khoảng 6 micromet, lớn hơn tiểu cầu và nhỏ hơn bạch cầu. Hình dạng của tế bào hồng cầu là một đĩa dẹt có hai mặt lõm tại tâm.
Không giống như nhiều tế bào khác, hồng cầu không có nhân và nhỏ nên có thể linh hoạt thay đổi hình dạng, đi qua được những mạch máu lớn nhỏ khác nhau trong cơ thể. Tuy nhiên, chính việc thiếu nhân này cũng làm hạn chế tuổi thọ của hồng cầu. Chúng thường chỉ tồn tại trung bình khoảng 120 ngày, thực hiện các chức năng của hồng cầu sau đó sẽ bị tiêu hủy tại lách.
Hồng cầu có chức năng gì?
Hồng cầu có chứa một loại protein đặc biệt gọi là hemoglobin. Đây là thành phần đảm nhận chức năng của hồng cầu. Oxy và carbon dioxide sẽ gắn vào hemoglobin để hồng cầu mang chúng di chuyển trong máu. Ngoài ra, hemoglobin cũng là thành phần làm cho máu có màu đỏ đặc trưng.
Chức năng của hồng cầu là giúp vận chuyển oxy (O2) từ phổi đến các mô trên khắp cơ thể và sau đó trả lại khí carbon dioxide (CO2) từ các mô này về phổi, để loại bỏ ra khỏi cơ thể bằng cách thở ra.
Chức năng của hồng cầu có đảm bảo được nhu cầu trao đổi khí của cơ thể hay không còn liên quan mật thiết đến số lượng hồng cầu khỏe mạnh trong cơ thể. Phụ nữ thường có số lượng hồng cầu thấp hơn nam giới và nồng độ hồng cầu có xu hướng giảm dần theo tuổi tác.
Số lượng hồng cầu bình thường sẽ là:
- Nam giới: 4,7 đến 6,1 triệu tế bào trên mỗi microlit máu (tế bào/mcL)
- Phụ nữ: 4,2 đến 5,4 triệu tế bào/mcL
- Trẻ em: 4,0 đến 5,5 triệu tế bào/mcL
Kết quả xét nghiệm số lượng hồng cầu có thể được sử dụng để chẩn đoán các tình trạng sức khỏe liên quan đến máu.
Các vấn đề sức khỏe liên quan đến số lượng và chức năng của hồng cầu
Hầu hết mọi người thường không quan tâm đến việc hồng cầu có chức năng gì, trừ khi họ gặp các vấn đề sức khỏe có liên quan. Bất thường hồng cầu có thể do bệnh tật; thuốc men; thiếu sắt, vitamin trong chế độ ăn uống hoặc do di truyền… Trong đó, số lượng hồng cầu thấp hay cao đều cảnh báo những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Số lượng hồng cầu thấp là bệnh gì?
Số lượng tế bào hồng cầu thấp thường là do bệnh thiếu máu. Đây là tình trạng có quá ít tế bào hồng cầu đủ khỏe mạnh để mang đủ oxy đi khắp cơ thể. Những người bị thiếu máu có thể có các tế bào hồng cầu có hình dạng, kích thước hoặc cấu trúc bất thường; hồng cầu không sản xuất đủ hoặc bị tiêu hủy nhanh chóng nên không đảm bảo được chức năng của hồng cầu.
Các triệu chứng của thiếu máu bao gồm mệt mỏi, nhịp tim nhanh, da nhợt nhạt, cảm thấy lạnh và trong trường hợp nghiêm trọng là suy tim. Những đứa trẻ không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh sẽ tăng trưởng và phát triển chậm hơn những đứa trẻ khác. Những triệu chứng này cho thấy tầm quan trọng và chức năng của hồng cầu đối với cơ thể người.
Ngoài ra, số lượng tế bào hồng cầu thấp có thể là do các tình trạng sau đây gây ra:
- Ung thư máu (bệnh bạch cầu, ung thư hạch và u tủy)
- Suy tủy xương
- Suy dinh dưỡng
- Thai kỳ
- Rối loạn tuyến giáp
- Mất máu, chẳng hạn như do chấn thương, phẫu thuật, xuất huyết tiêu hóa, kinh nguyệt quá nhiều hoặc sau sinh con
- Tan máu, hồng cầu bị phá hủy bởi một quá trình bất thường nào đó trong cơ thể dù chưa hết tuổi thọ.
- Hóa trị liệu trong điều trị ung thư
Số lượng hồng cầu cũng có thể bị giảm do tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định hoặc do thiếu hụt chất dinh dưỡng (sắt, đồng, vitamin B6, vitamin B12 hoặc folate).
Một số tình trạng di truyền, chẳng hạn như bệnh thalassemia, ảnh hưởng đến máu của bạn. Những người bị thalassemia không sản xuất đủ hemoglobin khỏe mạnh và hồng cầu của họ dễ vỡ, hoặc bị phá huỷ.
Số lượng hồng cầu cao là bệnh gì?
Chức năng của hồng cầu là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô khắp cơ thể. Do vậy, số lượng hồng cầu tự do cao có thể là do sự cung cấp oxy bị giới hạn hoặc tình trạng bệnh lý trực tiếp làm tăng sản xuất hồng cầu.
Mặc dù không phổ biến nhưng tăng tế bào hồng cầu có thể do một số tình trạng sức khỏe như sau:
- Suy tim
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh đa hồng cầu
- Mất nước (chẳng hạn như do tiêu chảy nặng, sốt cao)
- Nồng độ oxy trong máu thấp (thiếu oxy)
- Bệnh phổi, chẳng hạn như khí phế thũng, COPD, xơ phổi (mô phổi trở nên có sẹo)
- Phơi nhiễm carbon monoxide (thường liên quan đến hút thuốc)
- Bệnh thận (khối u thận)
Chế độ ăn uống giúp đảm bảo chức năng của hồng cầu
Một chế độ ăn uống lành mạnh có chứa đầy đủ các khoáng chất và vitamin cần thiết sẽ giúp cơ thể sản xuất đủ số lượng và đảm bảo chức năng của hồng cầu.
Sắt là thành phần bắt buộc của hemoglobin, giúp hồng cầu đảm bảo được vai trò của nó. Vì vậy, thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng rất rõ rệt tới người bệnh. Bạn nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu sắt như các loại hạt, đậu phụ, gan, thịt đỏ, hải sản, quả lựu, củ cải đường,…. Nếu bạn là người ăn chay thì có thể bổ sung sắt thông qua các loại thực phẩm chức năng hoặc rau củ.
Ngoài ra, vitamin cũng cần thiết để xây dựng các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, đảm nhiệm được chức năng của hồng cầu bình thường. Chúng bao gồm vitamin B2, B12, được tìm thấy trong các loại thực phẩm như trứng, ngũ cốc nguyên hạt và chuối. Folate (vitamin B3) cũng là khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe của máu, có trong ngũ cốc tăng cường, đậu khô, đậu lăng, nước cam và rau lá xanh.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về chức năng của hồng cầu và các vấn đề sức khỏe có liên quan. Từ đó, bạn sẽ quan tâm hơn đến chế độ ăn uống nhằm đảm bảo sức khỏe hồng cầu nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.