Trẻ nhỏ mới tập nói thường bắt chước và lặp lại máy móc lời của người lớn. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn hơn, kể cả người lớn mà thường xuyên gặp tình trạng này thì có khả năng bị Echolalia – chứng nhại lời.
Tên gọi của Echolalia – chứng nhại lời có liên quan đến từ “echo’, nghĩa là tiếng vang. Tên gọi này để chỉ việc người mắc chứng nhại lời mô phỏng lại những âm thanh, lời nói mà họ nghe được thay vì đưa ra lời hồi đáp.
Về Echolalia – chứng nhại lời
Người bị chứng nhại lời (Echolalia) lặp lại những lời và âm thanh mà họ nghe được. Họ không thể giao tiếp hiệu quả vì gặp khó khăn trong việc biểu đạt suy nghĩ của mình qua lời nói. Ví dụ như khi mỗi khi được hỏi, họ sẽ chỉ lặp lại câu hỏi thay vì trả lời.
Thực ra việc lặp lại lời nói cũng cho thấy sự nỗ lực trong giao tiếp, nỗ lực trong tiếp thu và thực hành khi học một ngôn ngữ nào đó. Điều này có phần giống như khi trẻ nhỏ bắt chước và lặp lại lời người lớn trong giai đoạn trẻ tập nói.
Echolalia khác với hội chứng Tourette. Người mắc hội chứng Tourette thường hay hét lên hoặc nói những lời ngẫu nhiên (phát âm không chủ ý) một cách đột ngột, không theo nhịp. Người nói không kiểm soát được thời điểm nói và những gì họ nói.
Trong khi đó thì việc bắt chước, lặp lại lời nói là một phần quan trọng trong quá trình giao tiếp ngôn ngữ.
Khi được khoảng 2 tuổi, hầu hết trẻ em sẽ tự nói theo ngôn ngữ riêng của chúng, đồng thời lặp lại những gì chúng nghe được. Hiện tượng Echolalia sẽ giảm thiểu khi trẻ lên 3 tuổi. Trẻ sẽ giao tiếp thông qua việc tự chọn từ ngữ, nhóm từ thành các cụm từ và nói với nhịp điệu, ngữ điệu riêng của chúng.
Đến khi 4, 5 tuổi, trẻ sẽ có thể hỏi và trả lời, trò chuyện nhiều hơn và sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với người khác theo cách riêng của mình.
Ở trẻ chậm phát triển và tự kỷ thì tình trạng bắt chước, lặp lại những điều nghe được sẽ kéo dài hơn, nhất là ở những trẻ chậm nói. Nếu thấy trẻ đã lớn nhưng vẫn chỉ ở giai đoạn này và hầu như không tự nói được những câu ngắn hợp ngữ cảnh, bạn hãy chú ý cách trẻ bắt chước và tìm hiểu lý do vì sao trẻ bắt chước như vậy để xây dựng kế hoạch cải thiện tình trạng. Cần đưa trẻ đến gặp nhà nghiên cứu bệnh học ngôn ngữ để được tư vấn kịp thời.
Mời bạn đọc thêm: Nhận biết dấu hiệu trẻ chậm nói để có cách can thiệp sớm
Triệu chứng của Echolalia
Triệu chứng chính của Echolalia là sự lặp lại các âm thanh hoặc cụm từ đã được nghe. Người mắc chứng nhại lời (Echolalia) có thể lặp lại lời đó ngay lập tức sau khi nghe, sau vài tiếng hoặc vài ngày.
Các triệu chứng khác của Echolalia
- Không thích giao tiếp
- Trầm cảm
- Lặng thinh
- Người mắc chứng Echolalia đôi khi bị kích động một cách bất thường, nhất là khi được hỏi
Các yếu tố rủi ro và nguyên nhân của Echolalia
Echolalia là một phần có tính quan trọng nhất định trong quá trình tiếp thu và phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Đa số trẻ em càng lớn thì sẽ càng độc lập hơn trong suy nghĩ và phát ngôn, nhưng một số trẻ vẫn tiếp tục lặp lại những gì chúng nghe được. Những trẻ có vấn đề với việc giao tiếp thường sẽ bắt chước và lặp lại lời lâu hơn bình thường. Trẻ tự kỷ đặc biệt dễ bị Echolalia.
Người lớn cũng có thể mắc Echolalia (chứng nhại lời). Một số người chỉ gặp vấn đề này khi họ đau khổ hoặc lo lắng. Một số khác bị Echolalia thường xuyên đến mức trở nên câm nín bởi vì họ không thể tự biểu lộ bản thân qua lời nói.
Người bị mất trí nhớ nghiêm trọng hoặc chấn thương đầu cũng đôi khi gặp phải chứng này khi họ cố gắng phục hồi khả năng ngôn ngữ.
Bạn có thể tham khảo thêm: Điều trị chứng mất ngôn ngữ sau cơn đột quỵ
Phân loại Echolalia
Có hai loại Echolalia chính:
Echolalia chức năng/Echolalia tương tác
Echolalia chức năng cho thấy nỗ lực cố gắng giao tiếp vì mục đích tương tác, giao tiếp với người khác.
Biểu hiện cụ thể của người mắc Echolalia tương tác
- Dùng những cụm từ để trao đổi khi đến lượt nói của họ trong một cuộc hội thoại.
- Có thói quen kết thúc những gì người khác khởi xướng bằng những cụm từ hoặc câu quen thuộc. Chẳng hạn khi được giao một nhiệm vụ, họ sẽ nói những câu như: “Giỏi quá!”, “Xuất sắc!” trong khi đang hoàn thành nhiệm vụ được giao, bắt chước lại đúng như những gì họ thường nghe.
- Cung cấp thông tin có mối liên quan nhất định. Lời nói thường đóng vai trò cung cấp thông tin, nhưng người mắc Echolalia thường gặp khó khăn trong việc liên kết, hệ thống mọi thứ thành lời. Điều này cũng giống như khi người mẹ hỏi em bé rằng chiều nay bé muốn ăn gì thì em bé sẽ hát lại một khúc trong bài hát quảng cáo cho một thương hiệu bánh kẹo ưa thích, để thể hiện rằng bé muốn ăn những món đó.
- Phát ngôn dưới dạng câu hỏi. Trẻ hay nói những câu như: “Chiều nay bé muốn đi chơi đâu không?” để vòi vĩnh bố mẹ đưa đi chơi đó đây, như những khi gia đình tổ chức đi chơi cùng nhau và bố mẹ thường hỏi bé.
Echolalia không tương tác
Echolalia không tương tác thường không phải vì mục đích giao tiếp mà vì mục đích cá nhân của người nói, chẳng hạn như để tự nhắc nhớ, tự động viên.
Biểu hiện của Echolalia không tương tác
- Những lời nói lơ đãng: Người mắc Echolalia sẽ nói điều gì đó không liên quan đến tình huống hay bối cảnh hiện tại, như kiểu vừa đi loanh quanh phòng học vừa lẩm nhẩm hay đọc một câu thoại trong bộ phim nào đó. Hành động phát ngôn này nhằm mục đích tự tác động lên bản thân.
- Liên kết tình huống: Lời nói bộc phát do một tình huống, hình ảnh, con người nào đó và dường như không phải là nỗ lực để giao tiếp. Kiểu bộc phát này dễ thấy khi một người nhìn thấy sản phẩm nào đó trong cửa hàng và rồi ngân nga bài hát quảng cáo quen thuộc của sản phẩm đó.
- Diễn tập: Người nói tự lẩm nhẩm vài cụm từ với bản thân một vài lần trước khi hồi đáp bằng một giọng bình thường. Đây có thể được xem là một hình thức diễn tập ứng phó với các tương tác sắp tới.
- Tự định hướng: Nhiều khi người ta hay tự nói với mình khi đang thực hiện một quy trình nào đó, để nhớ trình tự các việc cần làm.
Về Echolalia tương tác và Echolalia không tương tác
Echolalia phản ánh cách người nói xử lý thông tin. Đôi khi rất khó để phân biệt Echolalia tương tác với Echolalia không tương tác, trừ phi bạn đã quen thuộc với cách giao tiếp đó. Trong một vài trường hợp, Echolalia có vẻ hoàn toàn chệch khỏi bối cảnh, không liên quan gì đến tình huống. Một người bị giận dữ có thể sẽ nói ra câu thoại nào đó trong phim để truyền đạt cảm xúc trong khoảnh khắc đó, và người nghe đôi khi không hiểu vì họ không xem bộ phim đó.
Echolalia cũng có mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bác sĩ sẽ có cách để xác định tình trạng cụ thể của mỗi người và đưa ra điều trị thích hợp.
Chẩn đoán Echolalia
Chuyên gia có thể chẩn đoán xem một người có bị chứng nhại lời hay không thông qua việc trò chuyện. Nếu người được hỏi gặp khó khăn để không lặp lại những gì đã nghe thì họ có thể mắc Echolalia. Người ta thường xuyên kiểm tra tình trạng này ở các trẻ tự kỷ khi trẻ trong thời gian học nói.
Phương pháp điều trị Echolalia
Điều trị Echolalia bằng các phương pháp như sau:
Trị liệu ngôn ngữ
Các buổi trị liệu ngôn ngữ thông thường sẽ giúp người bị mắc chứng nhại lời học được cách tự nói lên những gì họ nghĩ.
Một sự can thiệp hành vi gọi là “điểm dừng tín hiệu” thường được dùng cho Echolalia ở mức độ vừa. Trong phương pháp điều trị này, nhà trị liệu ngôn ngữ sẽ yêu cầu người bị Echolalia trả lời chính xác một câu hỏi và chỉ định thời gian để họ trả lời (tức là không được trả lời quá sớm, hay chờ quá muộn mà phải canh theo đúng thời điểm mà nhà trị liệu chỉ định).
Bạn có thể tham khảo thêm: Rối loạn ngôn ngữ: trở ngại khiến bạn sợ giao tiếp
Điều trị bằng thuốc
Một bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc lo âu. Các thuốc này không điều trị trực tiếp Echolalia, nhưng chúng giúp người bị Echolalia bình tĩnh lại. Vì triệu chứng của Echolalia sẽ trở nên trầm trọng hơn khi một người bị căng thẳng hoặc lo lắng, hiệu ứng làm dịu có thể giúp giảm bớt mức độ của tình trạng.
Chăm sóc tại nhà
Người mắc chứng nhại lời có thể tương tác với những người khác ở nhà để phát triển kỹ năng giao tiếp của họ. Có các tài liệu và chương trình đào tạo qua mạng. Người thân hãy khuyến khích người mắc Echolalia sử dụng vốn ngôn ngữ mà họ có, từ đơn giản đến phức tạp để giao tiếp hiệu quả hơn.
Echolalia là một phần tự nhiên trong quá trình phát triển ngôn ngữ, nhất là ở trẻ nhỏ. Vậy nên tìm cách triệt tiêu Echolalia không hẳn là một ý tưởng tốt. Chỉ cần được người thân khuyến khích giao tiếp bằng nhiều hình thức thì trẻ sẽ vượt qua giai đoạn này một cách tự nhiên.
[embed-health-tool-bmi]