Chướng bụng đầy hơi là tình trạng người bệnh cảm thấy bụng căng tức khó chịu. Đa số các trường hợp, đầy hơi chướng bụng không phải do bệnh lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không cải thiện theo thời gian bằng các biện pháp xử lý thông thường, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Vậy, chướng bụng đầy hơi kéo dài là bệnh gì?
Cùng tìm hiểu về các nguyên nhân có thể gây nên chứng đầy hơi chướng bụng kéo dài và cách tiếp cận chẩn đoán, điều trị qua bài viết sau.
Chướng bụng đầy hơi là gì?
Chướng bụng đầy hơi là một trong số các triệu chứng tiêu hóa phổ biến, rất thường gặp ở mọi người, thuộc mọi độ tuổi. Đây là tình trạng bụng căng tức khó chịu do đường tiêu hóa chứa đầy khí. Triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là do thói quen ăn uống của bạn.
Ví dụ như khi bạn ăn quá nhanh hoặc quá nhiều, thức ăn không tiêu hóa kịp bị vi khuẩn đường ruột lên men tạo khí. Hoặc khi bạn ăn các loại thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao, thực phẩm nhiều chất béo, nước ngọt có ga, đồ ăn cay nóng,… cũng gây bụng căng tức khó chịu. Stress tâm lý cũng có thể gây bụng căng tức khó chịu.
Với các nguyên nhân trên, cảm giác chướng bụng đầy hơi thường không nguy hiểm, dễ khắc phục và nhanh chóng biến mất theo thời gian.
Tuy nhiên, nếu tình trạng chướng bụng đầy hơi kéo dài nhiều tuần mà không hết, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn. Lúc này, nếu không xác định đúng nguyên nhân để điều trị thì tình trạng chướng bụng đầy hơi sẽ kéo dài hoặc tái diễn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Chướng bụng đầy hơi kéo dài là bệnh gì?
1. Kém hấp thu carbohydrate
Kém hấp thu carbohydrate xảy ra khi carbohydrate (đường và tinh bột) trong chế độ ăn uống không được hấp thu qua đường tiêu hóa. Một số loại carb thường gây tình trạng này là lactose, fructose và carbs trong lúa mì và đậu. Một vài trường hợp có thể là không dung nạp hẳn, còn lại chỉ là gặp khó khăn trong việc tiêu hóa và hấp thụ các loại carb phức tạp. Carb không được hấp thu ở ruột non khi vào đại tràng sẽ bị vi sinh vật lên men tạo ra khí gây nên tình trạng chướng bụng đầy hơi.
2. Chướng bụng đầy hơi kéo dài là bệnh gì? Tình trạng quá phát vi khuẩn ruột non (SIBO: Small bowel intestinal overgrowth)
SIBO có nghĩa là sự hiện diện của vi khuẩn quá mức trong ruột non. Hoặc khi sự phát triển quá mức của loại vi khuẩn này lấn át các vi khuẩn có lợi khác trong đường ruột. Các triệu chứng của tình trạng này thường không đặc hiệu và bao gồm: đầy hơi, chướng bụng, đau bụng hoặc khó chịu, tiêu chảy, mệt mỏi và suy nhược.
3. Rối loạn chức năng tiêu hóa
Hội chứng ruột kích thích (IBS) và chứng khó tiêu chức năng được chẩn đoán khi bạn đã được tầm soát các nguyên nhân gây tình trạng rối loạn chức năng đường tiêu hoá như nội soi dạ dày đại tràng, test vi khuẩn Hp, siêu âm bụng… Các triệu chứng thường bao gồm đầy hơi và chướng bụng sau khi ăn, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn, nôn. Hãy để ý đến các triệu chứng báo động như sốt, chảy máu, thiếu máu và giảm cân không chủ ý.
4. Quá mẫn cảm nội tạng
Một số người cảm thấy đầy hơi và chướng bụng ngay cả khi lượng khí trong đường tiêu hóa bình thường. Tình trạng này thường tương quan với IBS và các rối loạn khác liên quan đến đường thần kinh từ ruột đến não. Một số người thậm chí còn phát triển phản ứng cơ quá mức để tạo thêm không gian cho khí trong khoang bụng. Cơ bụng của họ giãn và phồng lên như có chứa đầy khí, ngay cả khi thể tích thực tế ở mức bình thường.
5. Chướng bụng đầy hơi kéo dài là bệnh gì? Táo bón
Một người có thể thỉnh thoảng bị táo bón do các yếu tố về chế độ ăn uống hoặc lối sống, hoặc cũng có thể bị táo bón mạn tính do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Phân ứ đọng trong đại tràng không thoát ra được tiếp tục bị phân huỷ bởi vi khuẩn, dẫn đến nhiều hơi sinh ra khiến bụng căng phồng, khó chịu. Đồng thời, nó cũng bít đường thoát ra của khí gây chướng bụng đầy hơi kéo dài vài ngày.
6. Tắc ruột
Nếu nguyên nhân gây tắc nghẽn không phải do phân, nó có thể do khối u, mô sẹo trong đường ruột, hẹp hoặc thoát vị. Các bệnh viêm nhiễm như bệnh Crohn và bệnh viêm túi thừa có thể làm tổn thương các bộ phận của ruột non, tạo ra những chỗ hẹp làm thu hẹp đường đi của các chất trong đường tiêu hóa. Từ đó, dẫn đến tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
7. Rối loạn vận động
Rối loạn vận động có thể gây táo bón hoặc đơn giản là khiến mọi thứ di chuyển chậm hơn trong đường tiêu hóa. Đây thường là những rối loạn về cơ và dây thần kinh cảm nhận thức ăn trong đường tiêu hóa. Chướng bụng đầy hơi kéo dài là bệnh gì? Câu trả lời là một số bệnh lý liên quan là giả tắc nghẽn đường ruột, liệt dạ dày, liệt một phần cơ dạ dày và rối loạn chức năng sàn chậu.
8. Tăng cân
Cân nặng tăng trong khoảng một năm trở lại đây và có xu hướng dồn về bụng của bạn trước tiên. Nếu bạn tăng từ 4.5 kg trở lên, điều đó có thể ảnh hưởng đến thể tích bụng. Điều này có nghĩa là sẽ có ít chỗ hơn cho quá trình tiêu hóa bình thường, do đó, ngay cả một bữa ăn bình thường cũng có thể khiến bạn cảm thấy đầy hơi bất thường do quá trình tiêu hóa bị cản trở. Đôi khi, tăng cân cũng liên quan đến việc giữ nước, có thể khiến bạn cảm thấy đầy hơi do chất lỏng trong dạ dày và các nơi khác.
9. Thay đổi nội tiết tố (hormone) ở phụ nữ
Riêng ở phụ nữ, kỳ kinh nguyệt đến cũng có thể khiến bụng đầy hơi, căng tức, khó chịu. Có đến 75% phụ nữ nói rằng họ bị chướng bụng trước và trong kỳ kinh nguyệt. Đầy hơi cũng là triệu chứng phổ biến trong quá trình dao động hormone của thời kỳ tiền mãn kinh.
Estrogen gây giữ nước. Khi estrogen tăng đột biến và progesterone giảm xuống, bạn sẽ thấy đầy hơi do chất lỏng. Điều này cùng với việc tử cung tăng thể tích ngay trước kỳ kinh nguyệt, có thể khiến bạn bị đầy hơi. Bên cạnh đó, hormone cũng tương tác với hệ tiêu hóa. Estrogen và progesterone đều có thể gây đầy hơi trong đường ruột bằng cách làm chậm hoặc tăng tốc độ nhu động ruột.
10. Các nguyên nhân khác
Chướng bụng đầy hơi kéo dài là bệnh gì? Đây là những nguyên nhân tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Chúng có thể bao gồm:
- Cổ trướng: Là sự tích tụ dần dần chất lỏng trong khoang bụng. Nguyên nhân thường là do bệnh gan và đôi khi do suy thận hoặc suy tim.
- Suy tụy: Đây là một loại rối loạn chức năng tuyến tụy, khi đó, tuyến tụy không còn khả năng tạo ra đủ enzyme tiêu hóa để phục vụ chức năng của nó trong quá trình tiêu hóa.
- Viêm dạ dày hoặc ruột: Điều này thường xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn (thường là nhiễm H. pylori) hoặc do uống quá nhiều rượu. Nó cũng có thể liên quan đến bệnh loét dạ dày tá tràng.
- Ung thư (buồng trứng, tử cung, đại tràng, tụy, dạ dày hoặc mạc treo): Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm với bác sĩ là rất quan trọng để sàng lọc ung thư.
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán chướng bụng đầy hơi kéo dài
Nếu tình trạng đầy hơi là do chế độ ăn uống hoặc do sự dao động của hormone, tình trạng này sẽ bắt đầu thuyên giảm trong vòng vài giờ đến vài ngày. Nếu bạn bị táo bón, tình trạng này sẽ không thuyên giảm cho đến khi bạn bắt đầu đi tiêu.
Nếu tình trạng đầy hơi không biến mất hoặc trở nên trầm trọng hơn; hoặc nếu bạn có các triệu chứng khác chẳng hạn như sốt, nôn mửa hoặc chảy máu, bạn nên đi khám ngay.
Tự bản thân chúng ta không thể tự đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Chướng bụng đầy hơi kéo dài là bệnh gì?”. Vì vậy, khi gặp tình trạng chướng bụng đầy hơi kéo dài trên một tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác đi kèm, ví dụ như sưng ở bụng, giảm cân, nhợt nhạt, chán ăn, vàng da, có máu trong phân thì hãy thông báo cho bác sĩ biết.
Điều trị
Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị chứng chướng bụng đầy hơi kéo dài cho từng người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp:
- Các loại trà thảo dược, bao gồm bạc hà, hoa cúc, gừng, nghệ và thì là có thể hỗ trợ tiêu hóa.
- Viên nang dầu bạc hà là thuốc chống co thắt tự nhiên, giúp cơ ruột thư giãn. Điều này có thể giúp bạn thải phân và khí bị mắc kẹt.
- Thuốc kháng axit đã được chứng minh là làm giảm viêm ở đường tiêu hóa và giúp thải khí dễ dàng hơn.
- Bổ sung magie giúp trung hòa axit dạ dày và thư giãn cơ ruột.
- Probiotic: Chưa có nhiều bằng chứng thuyết phục về việc dùng probiotic điều trị chướng bụng đầy hơi. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của L. sporogens, Bacillus coagulans, Bifidobacteria sp. giúp cải thiện đáng kể triệu chứng này.
- Bổ sung chất xơ và uống nhiều nước.
- Thuốc nhuận tràng không kê đơn cũng có thể được sử dụng khi cần thiết.
- Tập thể dục thường xuyên với trọng tâm là tăng cường sức mạnh cơ thể có thể giúp chống đầy bụng. Tập thể dục cũng giúp ngăn ngừa tình trạng giữ nước và giữ cho ruột hoạt động tốt. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cân nhanh chóng thường ảnh hưởng đến bụng
- Liệu pháp hormone ở phụ nữ bị đầy hơi do thay đổi hormone.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Nếu bị đầy hơi do không dung nạp một loại carbohydrate nhất định, hãy tránh các loại thực phẩm đó.
- Liệu pháp phản hồi sinh học: Đây là một loại liệu pháp tâm trí và cơ thể có thể giúp bạn thư giãn và rèn luyện lại các chức năng cơ thể. Phản hồi sinh học có thể giúp ngăn ngừa đầy hơi nếu bạn có xu hướng khó tiêu hoặc táo bón do căng thẳng hoặc nếu bạn bị mẫn cảm nội tạng và cảm thấy đầy hơi ngay cả khi quá trình tiêu hóa của bạn bình thường.
Bạn có thể quan tâm:
Phòng ngừa chướng bụng đầy hơi kéo dài
Bạn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng cách thực hiện một số thay đổi trong lối sống:
- Ăn đủ chất xơ
- Ăn bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn thay vì 3 bữa ăn lớn
- Ăn uống đúng cách, nhai kỹ và tránh ăn quá no
- Uống đủ nước
- Tập thể dục thường xuyên
- Bổ sung probiotic
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ, nhiều đường, nhiều muối, có vị cay hoặc béo
- Không uống nhiều đồ uống có ga, rượu hoặc caffeine
- Không ăn nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ
- Tránh thực phẩm mà bạn không dung nạp được.
Tóm lại, khi bạn cảm thấy chướng bụng đầy hơi kéo dài, hãy đến bác sĩ để được tư vấn. Bởi vì nó có thể không chỉ đơn giản là do ăn uống, táo bón thông thường mà là một bệnh lý tiềm ẩn nào đó cần điều trị y tế. Nếu có một vài rắc rối khác, thử ngay bài test tầm soát bệnh đường tiêu hóa của để xem hệ tiêu hóa của mình đang gặp vấn đề gì nhé!