Tiểu Mai (Quảng Đông, Trung Quốc) cũng là một trong những trường hợp vô tình phát hiện bệnh tật khi đi hiến máu. Cô năm nay 20 tuổi, đang là sinh viên nghệ thuật và sống xa nhà. Tiểu Mai kể lại, hơn 1 tháng trước cô tham gia một sự kiện hiến máu nhân đạo được tổ chức ngay tại trường đại học của mình.
Vì là lần đầu tiên hiến máu nên cô gái trẻ hồi hộp lẫn hào hứng vô cùng. Nhưng thật không ngờ, các nhân viên y tế cho biết máu của cô không đủ tiêu chuẩn để hiến máu. Tiểu Mai đơn giản nghĩ rằng gần đây mình sụt cân, thức khuya nhiều và ăn uống thất thường nên sức khỏe không đảm bảo, tạm thời không thích hợp để hiến máu.
Một tháng sau đó, sự kiện hiến máu này tiếp tục được tổ chức ở một trường đại học khác gần chỗ cô làm thêm. Vì muốn tham gia và cũng tò mò lý do thật sự khiến máu của mình không đủ tiêu chuẩn nên Tiểu Mai quyết tâm gọi điện cho ban tổ chức. Thật không ngờ, câu trả lời mà cô nhận được là các nhân viên y tế nghi ngờ cô mắc bệnh giang mai, có khuyên cô đi thăm khám chuyên khoa nhưng cô lại quên mất.
Tiểu Mai nghe vậy thì vừa bất ngờ vừa tức giận. Bởi vì cô chưa từng có bạn trai cũng chưa phát sinh quan hệ tình dục cũng chưa hiến máu hay nhận máu từ người khác bao giờ. Ngay buổi chiều hôm đó, cô tới bệnh viện trung ương để kiểm tra. Kết quả xác nhận cô thật sự mắc bệnh giang mai. Tiểu Mai suy sụp tới mức nằm lì trong ký túc xá mấy ngày liền, không muốn đi học hay đi làm.
Bạn cùng phòng Tiểu Mai thấy vậy vô cùng lo lắng và báo tin cho bố của cô. Ngày hôm sau, bố của Tiểu Mai xuất hiện tại trường và cũng là lúc bí mật gia đình giấu kỹ suốt 20 năm được hé lộ.
Bố Tiểu Mai khi nghe câu chuyện từ con gái mình thì không kìm được nước mắt. Ông kể rằng hơn 20 năm trước ông bị tai nạn giao thông, phải truyền máu khẩn cấp sau đó vô tình mắc giang mai. Sợ vợ sẽ hiểu lầm mình có những mối quan hệ không lành mạnh nên ông giấu kín. Đến khi mẹ Tiểu Mai phát hiện bản thân bị lây nhiễm giang mai từ chồng, muốn ly hôn cũng là lúc bà phát hiện mình mai thai cô. Họ sống ly thân đến khi Tiểu Mai tròn 1 tuổi, cai sữa thì chính thức đường ai nấy đi.
Vì quá bận rộn với cảnh “gà trống nuôi con”, bố của Tiểu Mai cũng chưa từng nghĩ tới việc đưa con gái đi xét nghiệm. Lý do hai người ly hôn cũng luôn được ông giấu kín, ai hỏi chỉ bảo rằng không còn tình cảm với nhau nữa. Ông cho rằng tất cả những điều con gái phải chịu đựng là lỗi của mình và liên tục xin lỗi cô.
Về phần Tiểu Mai, lúc đầu cô cũng cảm thấy giận bố nhưng càng giận lại càng cảm thấy thương ông. Ngoài việc điều trị tích cực, bác sĩ nhắc nhở Tiểu Mai hãy cẩn trọng không để tình trạng này một lần nữa lặp lại với con cái của cô. Bởi vì bệnh giang mai chủ yếu lây qua 3 con đường: quan hệ tình dục, lây truyền từ mẹ sang thai nhi và đường máu như dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.
Bác sĩ cũng cảnh báo rằng bệnh giang mai nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Có thể kể đến như: suy tim, phình động mạch chủ, rối loạn thần kinh, ảnh hưởng xấu tới não bộ, suy giảm trí nhớ, viêm gan, gặp vấn đề với da và xương, mắc bệnh ở tinh hoàn… Đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác như bệnh lậu, chlamydia…
Đặc biệt, bệnh giang mai là nguyên nhân phổ biến thứ 2 dẫn đến thai chết lưu do các bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới. Nó cũng gây ra giang mai bẩm sinh, các dị dạng bẩm sinh khác ở trẻ sơ sinh và các vấn đề sức khỏe về thần kinh, mắt ở trẻ.
Nguồn và ảnh: Skypost, Health 2.0