Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là một bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến gây viêm các mô lót mí mắt (kết mạc). Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn dễ dàng lây lan từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nhiều người lại chưa biết rõ bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào để phòng ngừa hiệu quả.
Mời bạn cùng DIEPHM tìm hiểu và khám phá trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Trước khi tìm hiểu đau mắt đỏ lây qua đường nào, chúng ta cần biết nguyên nhân gây bệnh là gì? Các nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh đau mắt đỏ là nhiễm trùng gây ra do:
- Virus, chẳng hạn như adenovirus.
- Vi khuẩn, chẳng hạn như Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae và Pseudomonas aeruginosa.
- Các chất gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa, lông động vật, bụi mịn, các loại thuốc hoặc mỹ phẩm,…
Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Hóa chất
- Kính áp tròng
- Dị vật trong mắt
- Khói bụi, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời
- Nấm
- Ký sinh trùng.
Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Trước đây, nhiều người hay nói rằng nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ sẽ bị lây bệnh. Tuy nhiên, điều này là không đúng. Đau mắt đỏ xảy ra do vi khuẩn hoặc virus rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Mỗi loại vi trùng gây nhiễm trùng mắt này có thể lây lan từ người này sang người khác theo những cách khác nhau. Vậy, đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Bạn có thể quan tâm: Bệnh viêm kết mạc có lây không?
Những con đường phổ biến nhất khiến bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan bao gồm:
- Lây lan qua tiếp xúc trực tiếp. Tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như chạm, bắt tay, ôm, hôn với người đang bị bệnh có thể khiến virus và vi khuẩn di chuyển từ tay người này sang tay bạn, sau đó, bạn dùng tay chưa rửa sạch chạm vào mắt và bị nhiễm vi trùng gây bệnh.
- Lây lan qua tiếp xúc gián tiếp. Chạm tay vào vật dụng hoặc bề mặt có chứa vi trùng, sau đó, chạm vào mắt mà chưa rửa tay sạch.
- Lây lan do giữ vệ sinh kém. Không vệ sinh kính áp tròng đúng cách, sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bị nhiễm bệnh như khăn mặt, khăn tắm, đồ trang điểm, kính áp tròng, kính đeo mắt. Vi trùng gây bệnh có thể tồn tại trên những vật dụng này.
- Lây lan qua không khí. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đau mắt đỏ có thể lây lan thông qua các giọt đường hô hấp khi người bệnh ho và hắt hơi. Vi khuẩn sống trong mũi và xoang của chính người bệnh có thể lây lan cho những người xung quanh.
- Lây lan thông qua quan hệ tình dục. Chlamydia trachomatis, một loại vi khuẩn gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bệnh lậu có thể gây đau mắt đỏ. Nếu một ai đó chạm vào bộ phận sinh dục của người bệnh rồi dùng tay chưa rửa sạch chạm vào mắt thì có thể làm lây lan bệnh.
Hiểu đau mắt đỏ lây qua đường nào để phòng ngừa
Nếu bạn bị đau mắt đỏ do vi khuẩn, bạn sẽ có thể lây lan bệnh từ khi có các triệu chứng cho đến khoảng 24 đến 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu bạn bị đau mắt đỏ do virus, bạn có thể lây lan bệnh trước khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Vì vậy, việc hiểu rõ đau mắt đỏ lây qua đường nào và thời gian lây bệnh trong bao lâu sẽ giúp bạn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị nhiễm bệnh hoặc tránh lây lan bệnh cho người khác.
Nếu bạn bị đau mắt đỏ, hãy hạn chế sự lây lan bệnh cho người khác bằng cách làm theo các bước sau:
- Ở nhà nghỉ ngơi, không đi làm, đi học hoặc đến nơi công cộng cho đến khi không còn triệu chứng và ít khả năng lây nhiễm.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây.
- Tránh chạm hoặc dụi mắt bằng tay chưa rửa sạch.
- Rửa sạch dịch tiết quanh mắt nhiều lần trong ngày bằng khăn sạch hoặc bông gòn mới.
- Không sử dụng cùng một lọ thuốc nhỏ mắt cho mắt bị nhiễm và mắt chưa nhiễm trùng.
- Thường xuyên giặt vỏ gối, drap trải giường, khăn tắm và khăn mặt trong nước nóng và chất tẩy rửa.
- Ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi bác sĩ nhãn khoa cho phép.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, chẳng hạn như gối, khăn mặt, khăn tắm, thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm, kính áp tròng hoặc kính đeo mắt.
- Không sử dụng bể bơi.
Nếu xung quanh bạn có người bị đau mắt đỏ, bạn có thể giảm nguy cơ bị lây bệnh bằng cách làm theo các bước sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Rửa tay sau khi tiếp xúc với người bị bệnh hoặc các vật dụng mà người đó sử dụng.
- Tránh chạm vào mắt bằng tay chưa rửa sạch.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị bệnh, đặc biệt là gối, khăn mặt, khăn tắm, thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm, kính áp tròng hoặc kính đeo mắt.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ đau mắt đỏ lây qua đường nào để có những biện pháp phù hợp phòng tránh bệnh có thể lây lan nhanh. Hãy bảo vệ sức khỏe đôi mắt ngay hôm nay bằng cách giữ vệ sinh tốt nhé!