Đau nhói trong tai là một cảm giác phổ biến mà nhiều người có thể gặp phải. Thực chất, đau bên trong tai không phải lúc nào cũng do nhiễm trùng tai mà còn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Trong bài viết sau của Bệnh lý, bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn các nguyên nhân có thể khiến bạn cảm thấy đau nhói ở trong tai và cách xử lý phù hợp, hiệu quả.
Đau nhói trong tai có thể đi kèm những triệu chứng nào?
Khi bị đau nhói trong tai, bạn có thể cảm thấy cơn đau âm ỉ, nóng rát hoặc như có áp lực ở bên trong tai. Đau tai có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai. Cơn đau này có thể đến rồi đi nhanh chóng (thoáng qua) nhưng cũng có trường hợp đau kéo dài và liên tục. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể, cảm giác đau nhói ở tai có thể kèm theo những triệu chứng như:
- Ù tai
- Chóng mặt
- Suy giảm thính lực
- Mất thăng bằng
- Liệt dây thần kinh mặt.
Bạn cũng có thể cảm thấy đau tai dữ dội trong một số tình huống nhất định như khi ngáp hoặc nuốt. Những chuyển động này khiến ống eustachian, một ống nối giữa tai giữa với mặt sau của mũi, mở ra và làm thay đổi áp suất trong tai.
6 nguyên nhân khiến bạn bị đau nhói trong tai
Việc xác định nguyên nhân khiến bạn cảm thấy đau nhói trong tai có thể giúp ích cho việc điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện. Sau đây là 6 nguyên nhân phổ biến bạn cần biết:
1. Nhiễm trùng xoang (viêm xoang)
Nhiễm trùng xoang còn được biết đến là viêm xoang, đây là tình trạng viêm lớp niêm mạc trong các xoang cạnh mũi do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân gây dị ứng. Nhiễm trùng xoang có thể gây đau nhói trong tai. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Đau mặt hoặc nặng vùng mặt
- Đau đầu, sốt
- Mệt mỏi
- Hôi miệng.
Nhiễm trùng xoang thường tự khỏi và hiếm khi dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài có thể phát triển thành viêm xoang mãn tính.
2. Đau nhói trong tai do tích tụ ráy tai
Ráy tai có vai trò bảo vệ tai khỏi bụi bẩn, côn trùng nhỏ cũng như bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Ráy tai thường có thể thoát khỏi ống tai một cách tự nhiên. Tuy nhiên, thói quen cố gắng loại bỏ ráy tai bằng tăm bông có thể khiến ráy tai bị đẩy sâu vào bên trong tai hơn. Điều này cũng góp phần gây đau nhói trong tai cũng như tổn thương thính giác.
Lời khuyên là bạn nên loại bỏ ráy tai tích tụ bằng thuốc nhỏ tai không kê đơn. Thuốc có thể giúp làm mềm ráy tai để giúp ráy tai thoát ra ngoài một cách dễ dàng.
3. Đau nhói trong tai do bị nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai (viêm tai) là bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra ở tai trong, tai giữa hoặc tai ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau nhói trong tai. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Khó nghe
- Mệt mỏi, sốt
- Kích ứng, ngứa trong và xung quanh tai
- Cảm giác áp lực trong tai
- Có chất lỏng, dịch mủ chảy ra từ tai.
4. Dị vật hoặc côn trùng mắc kẹt trong tai
Bất kỳ vật lạ nào mắc kẹt trong ống tai đều có thể gây đau. Cơn đau có thể là đau nhói, đau âm ỉ hoặc dữ dội. Dị vật hoặc côn trùng trong tai cũng gây ra những vấn đề như tiết dịch, bị nhiễm trùng, giảm thính lực… Bạn không nên cố gắng tự lấy dị vật, côn trùng ra khỏi ống tai bằng bất kỳ dụng cụ nào. Bởi vì điều này có thể đẩy dị vật vào sâu bên trong và gây tổn thương màng nhĩ. Lời khuyên là trong trường hợp này, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ xử lý đúng cách, an toàn.
5. Rối loạn khớp thái dương hàm
Rối loạn khớp thái dương hàm là một tình trạng ảnh hưởng đến cơ nhai, đến các khớp nối xương hàm và xương sọ của bạn. Rối loạn này xảy ra khi các khớp bị tổn thương do viêm khớp hoặc bị chấn thương đột ngột do va chạm, tai nạn… Bệnh nhân rối loạn khớp thái dương hàm thường cảm thấy đau nhói ở tai, thái dương và hàm. Vì vậy, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc mở miệng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.
6. Đau nhói trong tai do áp suất không khí
Mỗi tai của bạn có một ống eustachian giúp điều chỉnh áp suất bên trong tai sao cho phù hợp với áp suất không khí bên ngoài, tạo điều kiện cho sự hoạt động của màng nhĩ. Tuy nhiên, trong những trường hợp áp suất không khí thay đổi như khi ở trên máy bay, đi thang máy… có thể gây tổn thương tai do chấn thương khí áp. Đây là một dạng tổn thương tạm thời và có thể gây đau nhói trong tai, chóng mặt, cảm giác áp lực trong tai…
Để ngăn ngừa đau tai do thay đổi áp suất, bạn có thể thử nhai kẹo cao su, ngáp, nuốt… để giúp mở ống eustachian cân bằng áp suất bên trong và bên ngoài tai.
Bạn nên làm gì khi bị đau nhói trong tai?
Nếu tình trạng đau nhói trong tai không tự khỏi, bạn có thể hỏi dược sĩ về việc dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen. Dược sĩ có thể tư vấn, đề xuất thêm dùng thuốc nhỏ tai không kê đơn nhưng bạn hãy nói rõ các triệu chứng với họ trước. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng một miếng gạc ấm để áp lên tai bị đau nhằm giảm đau và giảm khó chịu.
Nếu việc chăm sóc tại nhà không giúp cơn đau trong tai thuyên giảm, bạn nên đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. Đối với một số trường hợp nhiễm trùng tai do vi khuẩn, việc dùng thuốc kháng sinh kê đơn có thể cần thiết. Ngoài ra, khi chăm sóc tại nhà, bạn cũng nên tránh dùng tăm bông hoặc đưa bất kỳ dụng cụ nào vào tai.
Có thể bạn quan tâm
Ngăn ngừa đau tai như thế nào?
Tình trạng đau tai hoặc đau nhói trong tai thường khó ngăn ngừa, đặc biệt là khi bạn không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, một số lời khuyên sau đây có thể giúp ích:
- Không dùng tăm bông, ngón tay đưa vào tai
- Hạn chế để nước và dầu gội chảy vào tai khi tắm
- Sử dụng nút bịt tai hoặc mũ bơi khi đi bơi
- Vệ sinh máy trợ thính (nếu bạn đang dùng), tai nghe dạng nhét vào lỗ tai thường xuyên
- Không hút thuốc và tránh hít khói thuốc lá thụ động.
Đau nhói trong tai – Khi nào bạn cần đi khám?
Tình trạng đau nhói trong tai thường có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng sau đây thì bạn nên đi khám:
- Đau kéo dài hơn 3 ngày
- Nhiễm trùng tai tái phát
- Sưng quanh tai
- Có dịch chảy ra từ tai
- Suy giảm hoặc mất thính giác
- Đau họng nghiêm trọng
- Nôn mửa, chóng mặt
- Sốt, ớn lạnh.
Việc bị đau nhói trong tai thường không cần điều trị y tế. Thế nhưng, nếu có những triệu chứng kể trên, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám để được bác sĩ kiểm tra, điều trị đúng cách và hiệu quả.