Tìm hiểu về bệnh đau thần kinh hông
Bệnh đau thần kinh hông là gì?
Đau thần kinh hông, còn gọi là đau thần kinh tọa, là tình trạng đau lưng do dây thần kinh tọa gây ra. Nếu dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc chịu áp lực, bạn có thể đau từ vùng thắt lưng xuống hông, mông và chân. Khoảng 90% người bị đau thần kinh hông có thể tự hồi phục mà không cần phẫu thuật.
Triệu chứng đau thần kinh hông
Những dấu hiệu và triệu chứng đau thần kinh hông là gì?
Triệu chứng chính của đau thần kinh hông là đau nghiêm trọng ở bất cứ đâu dọc theo dây thần kinh tọa; từ thắt lưng, qua mông và xuống một trong hai chân.
Các triệu chứng phổ biến khác của đau thần kinh tọa bao gồm:
- Tê ở chân, dọc theo dây thần kinh
- Cảm giác ngứa ran ở bàn chân và ngón chân
Cơn đau này có thể ở mức độ nghiêm trọng và trầm trọng hơn khi bạn ngồi trong thời gian dài.
Mọi người ai cũng đã và sẽ bị đau lưng trong đời, nhưng tình trạng này không phải lúc nào cũng liên quan đến dây thần kinh tọa. Trong nhiều trường hợp, đau lưng là kết quả của việc các cơ thắt lưng căng quá mức. Điểm đặc trưng của đau thần kinh tọa là cơn đau lan từ lưng xuống chân và bàn chân. Bạn có thể cảm giác chuột rút ở chân trong vài ngày.
Nguyên nhân đau thần kinh hông
Nguyên nhân nào gây đau thần kinh hông?
Đau thần kinh tọa là triệu chứng phổ biến của một số tình trạng y tế khác nhau, nhưng ước tính 90% các trường hợp là do thoát vị đĩa đệm.
Các nguyên nhân khác gây đau thần kinh tọa bao gồm:
- Hẹp ống xương sống ở phần thắt lưng. Sự hao mòn tự nhiên của đốt sống có thể dẫn đến hẹp ống sống. Điều này có thể gây áp lực lên rễ dây thần kinh tọa. Hẹp ống xương sống thường gặp hơn ở người lớn trên 60 tuổi.
- Khối u trong cột sống. Trong một số ít trường hợp, đau thần kinh tọa có thể là do các khối u phát triển bên trong hoặc dọc theo tủy sống hoặc dây thần kinh tọa. Khi một khối u phát triển, nó có thể gây áp lực lên các dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống.
- Hội chứng cơ hình lê. Các cơ hình lê nằm sâu bên trong mông, kết nối cột sống dưới với xương đùi trên và đi qua dây thần kinh tọa. Nếu cơ co thắt, nó có thể gây áp lực lên dây thần kinh tọa, gây ra các triệu chứng đau thần kinh tọa. Hội chứng cơ hình lê phổ biến hơn ở phụ nữ.
- Viêm khớp cùng chậu. Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm một hoặc cả hai khớp cùng chậu, vị trí mà cột sống dưới kết nối với xương chậu. Tình trạng viêm này có thể gây đau ở mông, thắt lưng và thậm chí có thể kéo dài xuống một hoặc cả hai chân. Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn đứng lâu hoặc leo cầu thang. Viêm khớp cùng chậu có thể được gây ra bởi viêm khớp, chấn thương, mang thai hoặc nhiễm trùng.
- Chấn thương hoặc nhiễm trùng. Các nguyên nhân khác gây đau thần kinh tọa bao gồm viêm cơ, nhiễm trùng hoặc chấn thương, chẳng hạn như gãy xương. Nói chung, bất kỳ tình trạng gây kích thích hoặc nén dây thần kinh tọa có thể gây ra các triệu chứng.
Trong một số trường hợp, không có nguyên nhân rõ ràng gây đau thần kinh hông.
Nguy cơ mắc đau thần kinh hông
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ đau thần kinh hông?
Các yếu tố rủi ro phổ biến bao gồm:
- Tuổi – những người ở độ tuổi 30 và 40 có nguy cơ mắc bệnh đau thần kinh tọa cao hơn.
- Nghề nghiệp – người thường xuyên nâng vật nặng trong thời gian dài.
- Lối sống ít vận động – người ngồi trong thời gian dài và không hoạt động thể chất có nhiều khả năng phát triển đau thần kinh tọa.
Chẩn đoán và điều trị đau thần kinh hông
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau thần kinh hông?
Trong khi kiểm tra thể chất, bác sĩ có thể kiểm tra sức mạnh và phản xạ cơ bắp của bạn. Ví dụ như bạn có thể được yêu cầu đi bằng ngón chân hoặc gót chân, đứng dậy từ tư thế ngồi xổm và trong khi nằm ngửa, nhấc hai chân lên một lúc. Thông thường, cơn đau thần kinh tọa sẽ nghiêm trọng hơn khi bạn thực hiện các hoạt động này.
Xét nghiệm hình ảnh
Chụp X-quang và các xét nghiệm khác sẽ giúp phát hiện thoát vị đĩa đệm và gai xương. Tuy nhiên, các bác sĩ thường không yêu cầu các xét nghiệm này trừ khi cơn đau của bạn nghiêm trọng hoặc không cải thiện trong vòng vài tuần.
- Tia X. X-quang cột sống có thể cho thấy sự phát triển quá mức của xương (gai xương) có thể đang đè lên dây thần kinh.
- MRI. MRI tạo ra hình ảnh chi tiết của xương và các mô mềm như thoát vị đĩa đệm.
- Chụp CT. CT được sử dụng để chụp ảnh cột sống. Khi thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ có thể tiêm thuốc nhuộm tương phản vào ống sống trước khi chụp X-quang. Thuốc nhuộm sau đó lưu thông xung quanh tủy sống và dây thần kinh cột sống để các hình ảnh chụp rõ nét hơn.
- Điện cơ (EMG). Thử nghiệm này đo các xung điện được tạo ra bởi các dây thần kinh và phản ứng của cơ bắp. Xét nghiệm này có thể xác nhận tình trạng chèn ép dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống (hẹp ống sống).
Những phương pháp nào giúp điều trị đau thần kinh hông?
Nếu việc tự chăm sóc tại nhà không cải thiện cơn đau, bác sĩ có thể đưa ra các hướng điều trị sau đây.
Thuốc
Bác sĩ có thể kê toa thuốc điều trị đau thần kinh tọa bao gồm:
- Thuốc chống viêm
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc giảm đau nhóm opioid
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc chống động kinh
Vật lý trị liệu
Khi cơn đau đã thuyên giảm, bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu sẽ thiết kế chương trình phục hồi chức năng cho bạn để phòng tránh các chấn thương trong tương lai. Chương trình này bao gồm các bài tập điều chỉnh tư thế, tăng cường sức mạnh cơ lưng và cải thiện tính linh hoạt của cơ.
Tiêm steroid
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiêm thuốc corticosteroid vào khu vực xung quanh rễ thần kinh liên quan. Corticosteroid giúp giảm đau bằng cách ức chế viêm quanh dây thần kinh bị kích thích. Tác dụng thuốc thường biến mất trong một vài tháng. Tuy nhiên, bạn sẽ được tiêm thuốc với lượng hạn chế vì nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng tăng lên khi tiêm thuốc xảy ra quá thường xuyên.
Phẫu thuật
Bác sĩ chỉ yêu cầu phẫu thuật khi dây thần kinh bị nén, gây yếu cơ, mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột. Ngoài ra, nếu cơn đau ngày càng nghiêm trọng hoặc không cải thiện với các phương pháp khác, bạn cũng cần làm phẫu thuật. Bác sĩ có thể loại bỏ gai xương hoặc một phần đĩa đệm chèn vào dây thần kinh.
Đau thần kinh hông có nguy hiểm không?
Mặc dù hầu hết mọi người phục hồi hoàn toàn từ đau thần kinh tọa, nhưng nếu không được điều trị, đau thần kinh tọa có thể có khả năng gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Đi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có:
- Mất cảm giác ở chân bị ảnh hưởng
- Yếu ở chân bị ảnh hưởng
- Mất chức năng ruột hoặc bàng quang
Kiểm soát đau thần kinh hông
Những biện pháp tại nhà nào giúp bạn kiểm soát đau thần kinh hông?
Đối với hầu hết mọi người, đau thần kinh hông đáp ứng với các biện pháp tự chăm sóc. Mặc dù việc nghỉ ngơi rất tốt cho quá trình hồi phục, nhưng nếu không hoạt động trong thời gian dài sẽ làm cho các dấu hiệu và triệu chứng bệnh tồi tệ hơn.
Các phương pháp điều trị tự chăm sóc khác có thể bao gồm:
- Chườm lạnh. Khi mới đau, bạn có thể chườm một túi lạnh trên vùng đau khoảng 20 phút, vài lần một ngày.
- Chườm nóng. Sau hai đến ba ngày, bạn có thể nhiệt cho các khu vực bị tổn thương. Nếu bạn tiếp tục bị đau, hãy thử xen kẽ chườm ấm và lạnh.
- Kéo giãn. Các bài tập kéo giãn cho vùng thắt lưng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và giảm bớt tình trạng chèn ép rễ thần kinh.
- Thuốc không theo toa. Thuốc giảm đau như ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và naproxen natri (Aleve) đôi khi hiệu quả cho người bệnh đau thần kinh tọa.
Bệnh lý không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]