Mãn kinh được coi là cột mốc quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Đó là kết quả của việc giảm sản xuất hormone estrogen và progesterone trong buồng trứng mà biểu hiện cụ thể nhất là việc mất kinh hẳn trong vòng 12 tháng liên tục.
Tùy vào mỗi người, độ tuổi mãn kinh của phụ nữ sẽ khác nhau nhưng thường xảy ra vào giai đoạn gần 50 tuổi. Ở giai đoạn này, bạn có thể gặp phải những dấu hiệu phổ biến như tính tình nóng nảy, tăng cân, teo khô âm đạo… Ở một số người, mãn kinh có thể làm viêm, mỏng các mô âm đạo khiến họ cực kỳ khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
10 sự thật về mãn kinh dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giai đoạn mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng sẽ trải qua.
1. Độ tuổi mãn kinh trung bình
Phụ nữ tuổi trung niên thường băn khoăn rằng tuổi mãn kinh là bao nhiêu hay phụ nữ bao nhiêu tuổi thì mãn kinh? Theo các chuyên gia độ tuổi trung bình khi bắt đầu mãn kinh là gần 50. Một số người có thể bắt đầu sớm hơn nhưng cũng có những người muộn hơn. Trong đó, phần lớn phụ nữ ngưng hành kinh hoặc có chu kỳ kinh nguyệt không đều ở độ tuổi 45 – 55. Mặc dù vậy, buồng trứng có thể đã bắt đầu suy giảm chức năng vào những năm trước đó.
Tình trạng mãn kinh sớm bị ảnh hưởng lớn bởi tính di truyền. Bên cạnh đó, những yếu tố như hóa trị liệu, lối sống không lành mạnh khi còn trẻ cũng có thể khiến bạn bị mãn kinh sớm hơn độ tuổi trung bình vừa nêu.
2. Sự khác biệt giữa tiền mãn kinh và mãn kinh
Tiền mãn kinh là khái niệm dùng để chỉ khoảng thời gian ngay trước khi bắt đầu giai đoạn mãn kinh.
Trong suốt thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể bạn bắt đầu có sự chuẩn bị để tiến đến giai đoạn mãn kinh. Điều đó có nghĩa là quá trình sản xuất hormone từ buồng trứng sẽ suy giảm. Sự thay đổi ở bên ngoài và bên trong cơ thể sẽ xuất hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh và chấm dứt trong thời kỳ mãn kinh.
3. Các triệu chứng mãn kinh phổ biến
Nhiều phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thường rất quan tâm đến vấn đề khi đến tuổi mãn kinh sẽ đối mặt với những nguy cơ bệnh lý nào? Theo các chuyên gia có khoảng 75% phụ nữ mãn kinh thường xuyên thay đổi tâm trạng, tính cách. Đây cũng là triệu chứng phổ biến nhất của các chị em đang trong giai đoạn mãn kinh. Tiếp theo là hiện tượng “bốc hỏa” bên trong cơ thể khiến bạn dễ bị đổ mồ hôi vào ban ngày hoặc ban đêm. Một số phụ nữ mãn kinh khác cũng có thể bị đau cơ, xương, khớp.
4. Làm thế nào để biết được tôi đang có dấu hiệu mãn kinh?
Trong suốt thời gian này, bạn có thể cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng lên. Phần trên cơ thể của phụ nữ mãn kinh bị ảnh hưởng nhiều nhất khi làn da ở khu vực này ửng đỏ. Hiện tượng này cũng có thể khiến bạn đổ nhiều mồ hôi, tim đập nhanh và thường xuyên bị chóng mặt. Sau đó, bạn có thể thấy lạnh đột ngột.
Tình trạng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh sẽ diễn ra một hoặc nhiều lần trong ngày. Bạn có thể phải chịu đựng những cơn bốc hỏa trong suốt 1 năm, thậm chí là vài năm. Khi đó, bạn cần tránh những yếu tố kích hoạt cơn bốc hỏa, bao gồm:
- Rượu, bia
- Thức ăn quá cay
- Stress, xung đột
- Ở nơi có thời tiết quá nóng
- Thuốc lá
- Thừa cân
Khi cơn bốc hỏa xảy ra, bạn có thể áp dụng một số cách để nhanh chóng làm dịu. Đó có thể là mặc quần áo thoáng mát, sử dụng các thiết bị làm mát ở nơi bạn đang sống, thực hành chánh niệm, ngồi thiền và hít thở sâu.
Việc sử dụng các loại thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone có thể sẽ giúp bạn kiểm soát cơn bốc hỏa. Nếu muốn sử dụng, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
5. Sức khỏe xương khớp có thể bị ảnh hưởng
Sự suy giảm hormone estrogen ảnh hưởng đến lượng canxi trong xương của bạn. Điều này làm giảm đáng kể mật độ xương, dẫn đến tình trạng loãng xương. Nó cũng có thể khiến bạn dễ bị gãy xương ở tay, chân hoặc gặp vấn đề ở xương cột sống. Nhiều phụ nữ nhanh chóng bị tác động xương khớp trong vài năm đầu sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Đây chính là những đáp án cho câu hỏi khi đến tuổi mãn kinh sẽ đối mặt với những nguy cơ bệnh lý nào.
Để giữ cho xương khỏe mạnh khi bước vào giai đoạn mãn kinh, bạn cần thực hiện những điều sau:
- Ưu tiên ăn thực phẩm có nhiều canxi, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa hoặc rau xanh đậm
- Bổ sung vitamin D
- Tập thể dục thường xuyên
- Hạn chế tối đa việc uống rượu
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
6. Mãn kinh cũng có thể gây ra các vấn đề về tim mạch
Những vấn đề liên quan đến tim mạch của bạn có thể phát sinh trong thời kỳ mãn kinh. Triệu chứng điển hình nhất là thường xuyên chóng mặt và tim đập nhanh. Nồng độ estrogen giảm cũng góp phần ngăn cản chức năng hoạt động của động mạch. Vì thế, nó cũng sẽ tác động đến lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể bạn. Đây chính là những chứng bệnh sau khi mãn kinh mà nhiều chị em trung niên có thể gặp phải.
7. Bạn có thể tăng cân
Sự thay đổi nồng độ hormone nội tiết có thể khiến bạn tăng cân. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất của hiện tượng tăng cân trong giai đoạn này.
Để hạn chế nguy cơ, bạn cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và thực hành các thói quen lành mạnh khác để kiểm soát cân nặng. Thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường hoặc các tình trạng sức khỏe khác.
8. Triệu chứng mãn kinh không giống nhau giữa mỗi người
Triệu chứng mãn kinh của mỗi người là khác nhau, vì độ tuổi và tốc độ suy giảm chức năng buồng trứng của mỗi người không giống nhau. Điều này có nghĩa là bạn cần có kế hoạch quản lý sức khỏe của riêng mình. Những kinh nghiệm đối phó của người này có thể không đem lại hiệu quả gì khi áp dụng cho người khác.
Nếu có thể, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về những biểu hiện cụ thể mà bản thân gặp phải. Họ sẽ giúp bạn hiểu thêm về những triệu chứng này để tìm cách quản lý phù hợp với lối sống của bạn.
9. Nhận biết triệu chứng mãn kinh ở những người đã cắt bỏ tử cung
Nếu bạn đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung, có thể bạn sẽ không thể biết mình đang ở trong giai đoạn mãn kinh, trừ khi biểu hiện bốc hỏa của bạn xảy ra quá nhiều lần trong ngày.
Điều này cũng có thể xảy ra ở những người cắt bỏ nội mạc tử cung hoặc cắt bỏ buồng trứng. Cắt bỏ nội mạc tử cung là phương pháp loại bỏ niêm mạc tử cung để điều trị những vấn đề liên quan đến kinh nguyệt ở thể nặng.
Nếu bạn đang ở trong độ tuổi từ 40 – 50 nhưng không có bất kỳ triệu chứng mãn kinh nào, bạn hãy đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm sẽ cho bạn biết buồng trứng của bạn có còn hoạt động hay không và hoạt động ở mức độ nào. Nó cũng giúp bạn xác định nồng độ estrogen của mình, từ đó xác định mật độ xương để có phương án phòng ngừa loãng xương hiệu quả.
10. Liệu pháp thay thế hormone không phù hợp với mọi đối tượng
Liệu pháp thay thế hormone được sử dụng để điều trị những cơn bốc hỏa và ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Mức độ hiệu quả của nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bốc hỏa và mất xương ở mỗi người.
Ở một số người, liệu pháp thay thế hormone có thể không phù hợp và sẽ gây ra nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng. Vì thế, nếu muốn sử dụng liệu pháp này, bạn cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ.
[embed-health-tool-ovulation]