Điều trị xuất huyết tiêu hóa có thể dựa trên nguyên nhân gây bệnh, vị trí và mức độ xuất huyết. Trong đó, điều trị chảy máu đường tiêu hóa trên thường phổ biến hơn.
Xuất huyết tiêu hóa thường liên quan đến tình trạng loét dạ dày tá tràng, đặc biệt là khi bệnh nhân sử dụng quá nhiều thuốc chống viêm, biến chứng bệnh xơ gan… Trong đó, tỷ lệ nam giới bị xuất huyết tiêu hóa thường cao hơn phụ nữ và có thể tăng theo độ tuổi. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phương pháp điều trị nhưng tỷ lệ tử vong do xuất huyết tiêu hóa và tái chảy máu vẫn cao nên việc phòng ngừa là rất quan trọng.
Xuất huyết tiêu hóa gồm 2 dạng là xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới. Bài viết sau của chủ yếu cung cấp thông tin về việc xử lý và điều trị xuất huyết ở đường tiêu hóa trên (gồm thực quản, dạ dày và tá tràng) vì tình trạng này thường phổ biến hơn.
Xuất huyết tiêu hóa là gì?
Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu tiêu hóa) là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch và chảy vào đường tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng lâm sàng như:
- Nôn ra máu.
- Đi ngoài ra máu, phân có màu đen.
- Mất máu cấp tính khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, da xanh xao…
- Bệnh nhân mất nhiều máu sẽ bị sốc với biểu hiện như da tím tái, tay chân lạnh, mạch nhanh, tụt huyết áp hoặc có thể hôn mê.
Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng, xuất huyết tiêu hóa có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu (hồng cầu giảm, Hb giảm, HCT giảm,…) hoặc nội soi thực quản và dạ dày tá tràng để xác định vị trí chảy máu, nguyên nhân chảy máu.
Điều trị xuất huyết tiêu hóa như thế nào?
Việc điều trị xuất huyết tiêu hóa là cấp cứu y tế quan trọng, thường bắt đầu từ những phương pháp cấp cứu cơ bản, sau đó bù dịch dựa trên mức độ xuất huyết. Khi bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ điều trị để loại bỏ nguồn chảy máu.
Cấp cứu bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa
- Đặt người bệnh nằm ở tư thế đầu thấp chân cao, cho thở oxy mũi từ 2 – 6 lít/ phút, cần liên tục theo dõi để phòng nguy cơ sặc vào phổi. Nếu có nguy cơ trào ngược vào phổi, có suy hô hấp hoặc rối loạn ý thức cần đặt nội khí quản.
- Thiết lập 2 đường truyền tĩnh mạch chắn chắn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm nếu bệnh nhân bị suy tim. Làm các xét nghiệm căn bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm chỉ số SGOT, SGPT, chức năng gan, chức năng đông máu…
- Đặt ống thông tiểu theo dõi lượng nước tiểu.
- Đặt ống thông dạ dày, rửa sạch máu trong dạ dày để hỗ trợ điều trị nội soi và tăng tỷ lệ thành công (chỉ dùng trong một số trường hợp chảy máu nhiều).
- Nội soi dạ dày tá tràng để xác định vị trí và mức độ chảy máu. Trong quá trình này, bác sĩ có thể tiến hành cầm máu.
Bù dịch dựa trên mức độ xuất huyết tiêu hóa
Bước bù dịch trong điều trị xuất huyết tiêu hóa phải căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của xuất huyết, thể hiện qua bảng sau. Tuy nhiên, bảng này chỉ mang tính tham khảo vì còn tùy thuộc vào cơ địa hoặc quá trình điều trị trước đó.
Thông qua bảng đánh giá mức độ xuất huyết, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch và/hoặc máu để bù lại lượng dịch đã mất đi do xuất huyết, chống sốc cho bệnh nhân. Thể tích dịch truyền, tốc độ truyền tùy thuộc vào sức khỏe tim mạch và mức độ mất máu của từng người.
Ở mức độ xuất huyết tiêu hóa vừa
Bệnh nhân được truyền dung dịch muối đẳng trương (NaCl 0.9%), có thể dùng Ringerlactate. Đa số bệnh nhân truyền 1 – 2 lít dịch là bù lại được lượng dịch bị mất.
Ở mức độ xuất huyết tiêu hóa nặng
- Bệnh nhân thường được truyền dung dịch muối đẳng trương (2/3) và truyền máu (1/3). Truyền máu khi Hb <7g/dl. Mục tiêu Truyền đến khi,Hb 8-10g/dl, chỉ số Hct > 20%, hồng cầu > 2 triệu, mạch và huyết áp ổn định ở mức ≥ 90 mmHg.
- Ngoài ra bệnh nhân được truyền tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, yếu tố đông máu, nếu bệnh nhân có tiểu cầu thấp hay rối loạn chức năng đông máu.
Lưu ý: Nếu sau truyền máu và truyền dịch mà huyết áp giảm, nôn ra máu và vẫn đi cầu phân đen nhiều thì cần chuyển qua nội soi cấp cứu để xử lý vị trí chảy máu. Còn riêng bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản thì không nên nâng huyết áp lên cao quá, có thể gây tái chảy máu do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Điều trị xuất huyết tiêu hóa nhằm loại bỏ nguồn chảy máu
Nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa theo nguyên nhân gây bệnh. Vì là phương pháp quan trọng nên cần được tiến hành sớm khi huyết áp và tình trạng bệnh nhân ổn định.
- Trường hợp loét dạ dày tá tràng, bác sĩ điều trị xuất huyết tiêu hóa bằng phương pháp nội soi can thiệp kết hợp dùng thuốc ức chế bài tiết dịch vị omeprazol 80mg truyền tĩnh mạch chậm, sau đó truyền tĩnh mạch 8 mg/ giờ trong 48 – 72 giờ. Nếu bệnh nhân chảy máu nặng, kéo dài, nội soi điều trị xuất huyết tiêu hóa thất bại thì sẽ được chuyển sang phẫu thuật mở ổ bụng để cầm máu và kết hợp truyền tĩnh mạch như trên.
- Viêm dạ dày – tá tràng cấp cần loại bỏ yếu tố kích thích, truyền chậm omeprazol bolus 80mg sau đó truyền tĩnh mạch 8mg/giờ. Nếu bệnh nhân vẫn chảy máu, cần kết hợp thêm somatostatin đường truyền tĩnh mạch.
- Trường hợp xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, bác sĩ sẽ điều trị nội soi can thiệp kết hợp truyền tĩnh mạch một trong các loại thuốc như somatostatin, octreotid hoặc terlipressin để giảm áp lực tĩnh mạch cửa.
Các liệu pháp nội soi để cầm máu bao gồm tiêm epinephrine, đông máu bằng đầu dò nhiệt, tia laser hoặc dải băng cầm máu.
Tình trạng tái chảy máu sau khi điều trị xuất huyết tiêu hóa vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, nếu có triệu chứng tái phát thì bạn nên thử điều trị nội soi lần hai, đồng thời kiêng hút thuốc và uống rượu bia để giúp vết loét nhanh lành. Bên cạnh đó, bạn có thể thảo luận thêm với bác sĩ để tìm ra giải pháp ngăn ngừa một số nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa như đổi đơn thuốc chống viêm phù hợp hoặc tránh dùng các loại thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu.
[embed-health-tool-bmr]