Thuốc hạ mỡ máu có thể được dùng nếu cần thiết bên cạnh việc tập trung điều chỉnh chế độ ăn, lối sống trong điều trị mỡ máu cao. Tuy nhiên, khi bắt đầu điều trị bằng thuốc, người bệnh luôn cần được theo dõi thường xuyên. [1]
Nếu không điều trị, tình trạng tăng mỡ máu hay mỡ máu cao sẽ ngày càng tiến triển và dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong cao như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. [2] Do mỡ máu cao thường không có triệu chứng nên việc làm xét nghiệm tầm soát định kỳ ngay từ khi còn trẻ là rất quan trọng. Đặc biệt, những người bị béo phì, đái tháo đường hay có tiền sử gia đình bị nhồi máu cơ tim nên đi kiểm tra các chỉ số mỡ máu thường xuyên hơn. [3]
Khi được chẩn đoán bị tăng mỡ máu, việc điều trị sẽ dựa trên sức khỏe tổng thể và các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tăng huyết áp… [4] Ban đầu, hướng điều trị sẽ tập trung vào điều chỉnh chế độ ăn và lối sống. Nếu vẫn chưa đủ để cải thiện các chỉ số mỡ máu, bác sĩ sẽ kê đơn thêm thuốc hạ mỡ máu. [1, 4]
Khi nào cần dùng thuốc hạ mỡ máu?
Tăng mỡ máu là tình trạng tăng hàm lượng các chất mỡ trong máu, bao gồm cả cholesterol và triglyceride (chất béo trung tính) [11]. Khi bị mỡ máu cao, nếu bác sĩ chỉ định dùng thuốc, điều đó có nghĩa là bạn đang ở ngưỡng nguy cơ trung bình và có các yếu tố làm tăng hay có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ [5]. Cụ thể, các trường hợp được khuyến nghị cần dùng thuốc hạ mỡ máu là: [6]
- Nồng độ cholesterol cao đến mức làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc đã từng xảy ra biến cố tim mạch (như nhồi máu cơ tim, đột quỵ)
- Nồng độ cholesterol xấu LDL cao hơn 190mg/dL (10,5mmol/L)
- Bị bệnh đái tháo đường (làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2 – 4 lần) hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và nồng độ LDL > 70mg/dL (3,9mmol/L).
Bác sĩ sẽ tính điểm các nguy cơ bệnh tim mạch của mỗi người để đánh giá khả năng phát triển cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong 10 năm. Nếu điểm số lớn hơn 5%, việc dùng thuốc hạ mỡ máu sẽ được đề xuất. [6]
Dùng thuốc điều trị mỡ máu cao vẫn cần phối hợp với việc thay đổi lối sống và việc duy trì thói quen lành mạnh trong ăn uống, sinh hoạt [7]. Sau khi bắt đầu dùng thuốc hoặc sau khoảng 2 – 3 tháng, bạn cần làm xét nghiệm máu để xem các chỉ số mỡ máu có được cải thiện không. [2]
Các nhóm thuốc hạ mỡ máu phổ biến
Hiện nay, có nhiều thuốc có thể giúp hạ mỡ máu, bao gồm hạ mức cholesterol và triglyceride trong máu [5,8]. Trong đó, nhóm thuốc statin thường được chỉ định cho hầu hết người bệnh và còn giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. [5]
1. Statin – Nhóm thuốc thường được chỉ định
Statin là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol nhờ ngăn chặn gan sử dụng một loại men (enzyme) để tạo ra cholesterol. Nhóm thuốc này cũng giúp làm giảm triglyceride và tăng nhẹ cholesterol tốt HDL. Ngoài ra, nhóm thuốc statin còn có tác dụng: [9,10]
- Cải thiện chức năng của lớp niêm mạc mạch máu
- Giảm viêm và tổn thương
- Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông bằng cách ngăn không cho các tiểu cầu kết dính với nhau
- Làm cho các mảng xơ vữa hay mảng bám trong lòng mạch ít có khả năng bị vỡ ra và gây tắc nghẽn.
Những tác dụng này có thể giúp ngăn ngừa bệnh mạch vành và làm giảm khả năng gặp biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim. [9,10]
Tuy nhiên, bất kỳ thuốc nào cũng có những tác dụng không mong muốn, nhóm thuốc statin cũng vậy. Khi dùng, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: [9]
- Táo bón hoặc buồn nôn
- Đau đầu, các triệu chứng giống như cảm lạnh
- Nhức cơ, có hoặc không có tổn thương cơ
- Tổn thương gan
- Tăng đường huyết
- Ảnh hưởng đến trí nhớ
Nhóm thuốc này cũng có thể tương tác với một số thuốc khác mà bạn đang dùng. Vì thế, bạn cần dùng khi được bác sĩ chỉ định, dùng thuốc đúng theo hướng dẫn và thông báo ngay với bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ. [10]
2. Các nhóm thuốc khác
Nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc không có đáp ứng như mong muốn khi dùng nhóm thuốc statin cùng với việc thay đổi lối sống, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các nhóm thuốc hạ mỡ máu khác.[5]
– Nếu bạn bị bệnh tim, đã dùng statin liều tối đa nhưng chỉ số cholesterol xấu LDL vẫn hơn 70, bác sĩ có thể kê đơn thêm một trong những loại thuốc sau, kết hợp thêm vào liệu pháp statin đang điều trị: [5]
- Nhóm resin – gắn với axit mật: Nhóm thuốc này hoạt động bên trong ruột bằng cách tự gắn với dịch mật, từ đó làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Kết quả là làm giảm cholesterol xấu LDL và tăng nhẹ cholesterol tốt HDL. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng là đau họng, nghẹt mũi, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, sụt cân, ợ hơi, chướng bụng…[9]
- Nhóm ức chế sự hấp thu cholesterol: Thuốc thuộc nhóm này hoạt động bằng cách ngăn chặn sự hấp thu cholesterol ở ruột [5]. Người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi và đau khớp. [9]
- Nhóm thuốc ức chế PCSK9: Có tác dụng làm giảm cholesterol máu bằng cách nhắm mục tiêu và bất hoạt một loại protein được tìm thấy trong gan. Khi dùng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một vài tác dụng phụ như đau lưng, đau cơ, các triệu chứng giống như cảm lạnh… [5,9]
– Ngoài các nhóm thuốc kể trên, còn có các nhóm thuốc khác giúp giảm triglyceride và cholesterol xấu, tuy nhiên, thường không được dùng kết hợp với stain:
- Fibrate: Các dẫn xuất của axit fibric (fibrate) tạo nên một nhóm thuốc có tác dụng làm giảm lượng chất béo trong máu, đặc biệt là triglyceride. Không những vậy, nhóm thuốc này có thể làm tăng mức cholesterol tốt HDL và giảm sản xuất cholesterol xấu LDL ở gan. Tuy nhiên, những người bị bệnh thận hoặc gan nặng không nên dùng. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy, sụt cân, đầy hơi, nôn mửa, đau đầu, đau lưng…[9]
- Niacin (axit nicotinic): Một vitamin B có khả năng hạn chế sản sinh mỡ máu tại gan, giúp giảm triglyceride và giảm nhẹ cholesterol xấu LDL [5]. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không phù hợp với người bệnh gút hay bệnh gan nặng. Ngoài ra, dùng niacin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đỏ bừng mặt và các phần trên cơ thể, ngứa, châm chích trên da, đau đầu, đau dạ dày, tăng đường huyết, ho khan. [9]
- Axit béo không bão hòa, omega-3: Hay thường được gọi với cái tên khá quen thuộc là dầu cá. Nhóm thuốc này được dùng để giảm lượng triglyceride. Khi dùng, cần lưu ý dầu cá có thể tương tác với các thuốc khác và một số người bị dị ứng với cá, động vật có vỏ cần thận trọng. Thuốc cũng có khi gây ra một số tác dụng phụ như ợ hơi, đầy hơi, phát ban da…[9]
Lưu ý khi dùng thuốc hạ mỡ máu
Khi dùng thuốc hạ mỡ máu, quan trọng là bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ bởi nếu không, thuốc có thể gây hại. Chẳng hạn, bạn có thể bị tương tác thuốc do dùng chung với một loại thuốc khác hoặc thuốc có thể khiến bạn thấy buồn nôn hoặc chóng mặt nếu không dùng đúng cách. Một số lưu ý khi dùng thuốc hạ mỡ máu [9]:
- Uống thuốc đều đặn, theo đúng chỉ định. Nếu nghi ngờ dùng thuốc không hiệu quả hoặc gặp phải tác dụng phụ, bạn nên nói ngay với bác sĩ, tránh tự ý ngưng thuốc hay giảm liều lượng.
- Chú ý uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Bạn có thể theo dõi bằng cách đánh dấu trên lịch, vỏ thuốc hoặc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.
- Đừng uống “bù” nếu lỡ quên. Nếu quên dùng một liều, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến lúc dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và quay lại lịch dùng thuốc thông thường.
- Hỏi ý kiến bác sĩ khi có ý định dùng bất cứ loại thuốc nào khác, bao gồm thuốc không kê đơn, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, khi dùng các thuốc điều trị mỡ máu cao, bạn nên chú ý đến những tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải từ nhẹ đến nặng, nhất là khi dùng trong thời gian dài [7]. Một số trường hợp nên trao đổi với bác sĩ về các nguy cơ và lợi ích của liệu pháp điều trị. Ví dụ như việc sử dụng nhóm thuốc hạ mỡ máu statin cho thấy nhiều lợi ích lâu dài và khuyến cáo cho các trường hợp sau: [5]
- Người có bệnh mạch vành, bao gồm đột quỵ, gây ra bởi xơ vữa động mạch
- Người 40 – 75 tuổi đang mắc bệnh đái tháo đường
- Có mức cholesterol LDL ≥ 190mg/dL
- Người từ 40 – 75 tuổi có mức cholesterol LDL khoảng 70 – 189mg/dL và có 5 – 19,9% nguy cơ phát triển bệnh mạch vành trong 10 năm do xơ vữa động mạch, cùng các yếu tố tăng cường nguy cơ
- Người từ 40 – 75 tuổi có mức cholesterol 70 – 189mg/dL và hơn 20% nguy cơ phát triển bệnh mạch vành trong 10 năm do xơ vữa động mạch.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn cũng đừng quên duy trì lối sống lành mạnh với một chế độ ăn phù hợp với người mỡ máu và việc tập luyện hợp lý. Ngoài ra, nếu có bất cứ băn khoăn nào, bạn cũng đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được giải đáp cụ thể. [9]
PP-NOR-VNM-0144
[embed-health-tool-heart-rate]