Ghép tụy điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 là một phương pháp mới được đề xuất cho những người mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp điều trị thông thuờng vì nhiều rủi ro và tiêm insulin hiện vẫn cho hiệu quả cao. Dù vậy, trong một số trường hợp, bác sĩ vẫn đề xuất ghép tụy.
Cùng Bệnh lý tìm hiểu về phương pháp này nhé!
Vai trò của tuyến tụy với đường huyết
Để hiểu về phương pháp ghép tụy điều trị bệnh tiểu đường, bạn cần hiểu bộ phận này có nhiều công dụng bên cạnh việc sản xuất insulin cho cơ thể.
1. Chức năng nội tiết
Có một phần của tuyến tụy chịu trách nhiệm cho việc sản xuất các hormone như insulin và glucagon – nhân tố thiết yếu trong việc kiểm soát đường huyết. Insulin giúp cơ thể sử dụng được glucose trong máu (sản sinh từ thức ăn bạn tiêu hóa) để tạo ra năng lượng, giữ mức đường huyết không vượt quá giới hạn. Glucagon lại giải phóng glycogen (dạng glucose dự trữ trong gan và cơ), đưa glucose vào máu giúp ngăn ngừa hạ đường huyết.
Một hormone khác cũng được sản xuất nhờ chức năng nội tiết của tuyến tụy là amylin. Đây là loại hormone giúp giảm cảm giác thèm ăn, giảm tốc độ hấp thu các chất từ thức ăn vào máu, cũng như kiểm soát lượng glycogen giải phóng từ gan.
Ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy bị hệ miễn dịch của chính cơ thể chúng ta tấn công nhầm và phá hủy, mất đi khả năng sản xuất các hormone điều tiết đường huyết. Bởi vậy mà các nhà khoa học đã nghiên cứu cấy ghép tụy mới để khôi phục lại chức năng này.
2. Chức năng ngoại tiết
Phần còn lại của tuyến tụy sẽ đảm nhiệm chức năng ngoại tiết, nhiệm vụ điều tiết enzyme giúp phân giải các chất dinh dưỡng như protein, chất béo, carbohydrate…
Khi nào bạn được khuyên cấy ghép tụy điều trị bệnh tiểu đường?
Vì những rủi ro to lớn của nó mà ghép tụy chỉ được xem xét nếu như:
- Người bệnh tiểu đường đồng thời bị bệnh thận nặng. Ghép tụy có thể được thực hiện cùng một lúc với ghép thận
- Người bệnh có những đợt hạ đường huyết nghiêm trọng đến mức nguy hiểm, xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào và không kiểm soát được bằng insulin.
Nếu bác sĩ đánh giá rằng phương pháp ghép tụy điều trị bệnh tiểu đường tốt cho trường hợp của bạn, họ cần kiểm tra kỹ lưỡng xem bạn có đủ sức khỏe để thực hiện cấy ghép hay không. Kế tiếp, bạn phải chờ đợi có tụy hiến tặng phù hợp.
Quá trình ghép tụy điều trị bệnh tiểu đường diễn ra như thế nào?
Bạn được gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ mở một đường dọc theo bụng rồi ghép tuyến tụy của người hiến tặng (có thể cùng lúc cả thận) vào trong cơ thể bạn và nối nó với các mạch máu gần đó và ruột.
Tuyến tụy mới sẽ bắt đầu sản xuất insulin ngay lập tức. Tuy nhiên, tuyến tụy ban đầu của bạn vẫn được giữ lại để sản xuất dịch tiêu hóa.
Sau ca mổ, bạn cần nằm viện thêm 1-2 tuần để phục hồi. Sau vài tháng, bạn có thể trở lại cuộc sống bình thường. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cần làm gì trong thời gian này.
Bạn cũng cần phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trong suốt quãng đời còn lại để ngăn ngừa cơ thể đào thải tụy và thận được cấy ghép.
Những thách thức khi ghép tụy điều trị bệnh tiểu đường
Bạn cần lưu ý rằng việc thực hiện phẫu thuật ghép tiểu đảo tụy giúp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng cũng mang lại nhiều thách thức khác.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, để phẫu thuật ghép tụy thành công cần ít nhất 40 tiểu đảo tụy đưa vào cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, quá trình thu thập có phần phức tạp vì tiểu đảo tụy lấy từ người hiến tặng đã chết và các tế bào này sẽ nhanh chóng phân hủy ngay khi cơ thể ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, số lượng tiểu đảo tụy cần cấy ghép phải khoảng 40 vì hệ miễn dịch của người bệnh sẽ ngay lập tức tiêu diệt chúng sau khi phẫu thuật thành công. Nguyên nhân là do các tế bào miễn dịch nhận định tiểu đảo tụy như một mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Mặt khác, người bệnh nhận ghép tụy vẫn còn mang bệnh tự miễn của tiểu đường tuýp 1 (hệ miễn dịch tự tấn công tụy).
Trong vòng ba năm, những tiểu đảo tụy này sẽ bị diệt hết, đồng nghĩa với việc người bệnh cần phải trải qua phẫu thuật ghép tụy thêm lần nữa. Theo ước tính từ các chuyên gia, để tiếp tục sản sinh insulin, người bệnh cần thực hiện cấy ghép tiểu đảo tụy ba năm một lần trong suốt quãng đời còn lại. Nó cũng đồng nghĩa với việc họ phải làm quen với việc dùng thuốc ức chế miễn dịch và thuốc chống viêm cho đến khi qua đời.
Bên cạnh đó, các vấn đề khác có thể xảy ra khi ghép tụy là:
- Có cục máu đông hình thành trong các mạch máu cung cấp cho tuyến tụy của người hiến tặng
- Viêm tụy cấp, thường ngay sau khi cấy ghép
- Tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng, tăng huyết áp và loãng xương.
Dù cho các vấn đề này có thể phòng ngừa và điều trị được, nhưng cũng có người phải cắt bỏ tuyến tụy được hiến tặng.
Vậy nên, kể cả khi đủ điều kiện, bạn cần suy xét kỹ trước khi chấp nhận điều trị bệnh tiểu đường bằng phương pháp phẫu thuật ghép tụy.
[embed-health-tool-bmr]