Tìm hiểu chung
Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm là gì?
Cắt bỏ đĩa đệm là một phẫu thuật giúp loại bỏ phần bị tổn thương của một đĩa đệm thoát vị trong cột sống của người bệnh. Một đĩa đệm thoát vị có thể kích thích hoặc nén các dây thần kinh gần đó. Cắt bỏ đĩa đệm là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị những cơn đau lan xuống cánh tay hoặc chân người bệnh.
Phẫu thuật này không hữu ích lắm khi dùng trong điều trị đau lưng hoặc đau cổ thuần túy. Nếu cơn đau của người bệnh không liên quan đến chứng thoát vị đĩa đệm, biện pháp vật lý trị liệu sẽ là lựa chọn tốt hơn.
Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không xâm lấn không có hiệu quả hoặc các triệu chứng đau trở nên tồi tệ hơn. Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm có nhiều phương pháp. Bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra và xác định loại phẫu thuật phù hợp cho người bệnh.
Khi nào bạn cần thực hiện phẫu thuật?
Đĩa đệm là những miếng đệm tròn nằm giữa các đốt xương cột sống. Mục đích chính của chúng là giúp làm giảm xóc và cho phép người bệnh có thể di chuyển, uốn cong cột sống mà không làm cho các khớp xương cọ xát vào nhau. Tuy nhiên, khi một đĩa đệm bị thoát ra ngoài, chức năng của đĩa đệm không còn nữa. Mặt khác, đĩa đệm bị đẩy ra từ giữa xương sẽ gây chèn ép dây thần kinh dẫn đến tình trạng đau nhức và tê buốt, nhất là ở lưng và cổ. Cơn đau có thể lan rộng đến cánh tay và chân.
Dù vậy, không phải ai bị thoát vị đĩa đệm cũng đều có thể tiến hành làm phẫu thuật. Các bác sĩ chuyên khoa xương khớp khuyên người bệnh chỉ nên phẫu thuật khi:
- Đĩa đệm bị thoát vị gây chèn ép vào dây thần kinh dẫn đến tình trạng đau nhức khiến người bệnh không thể đi lại hoặc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày
- Người bị thoát vị đĩa đệm gặp khó khăn khi đứng và đi bộ
- Có các triệu chứng như: bàn chân yếu, di chuyển khó khăn, tê bì vùng xương cụt và mông, có biểu hiện teo cơ
- Không thể kiểm soát được bàng quang và đường ruột
- Đã áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tích cực trong 6–12 tuần nhưng vẫn không cải thiện được triệu chứng bệnh
Điều cần thận trọng
Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm có an toàn không?
Cắt bỏ đĩa đệm được coi là một thủ thuật an toàn. Nhưng tương tự với mọi ca phẫu thuật khác, phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng như:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Rò rỉ dịch tủy sống
- Gặp sự cố với đĩa đệm mới thay thế
- Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh trong và xung quanh cột sống
Quy trình thực hiện
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trước khi thực hiện
Người bệnh có thể cần kiêng ăn uống trong một khoảng thời gian nhất định trước khi phẫu thuật. Nếu có dùng thuốc làm loãng máu, có thể cần phải điều chỉnh lịch dùng thuốc trước khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể trực tiếp cho người bệnh.
Trước khi lựa chọn và đề xuất phương pháp phẫu thuật phù hợp với từng đối tượng bệnh, bác sĩ cần xác định chính xác vị trí đĩa đệm bị thoát vị bằng cách yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm hình ảnh sau:
- Chụp X-quang giúp tạo hình ảnh rõ ràng về đốt sống và khớp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CAT hay CT) giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về ống sống và các cấu trúc xung quanh nó.
- Chụp cộng hưởng từ MRI tạo hình ảnh ba chiều của rễ dây thần kinh và tủy sống cũng như các đĩa đệm.
- Dẫn truyền thần kinh (NCS/EMG) hoặc nghiên cứu điện cơ đo xung điện dọc theo dây thần kinh và cơ bắp.
Bên cạnh các xét nghiệm, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tổng thể sức khỏe người bệnh. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra biện pháp phẫu thuật tốt nhất, phù hợp nhất cho người bệnh.
Trong khi thực hiện
Người bệnh được gây mê toàn thân khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm. Bác sĩ có thể cắt bỏ một đoạn nhỏ xương cột sống và dây chằng để tiếp cận đĩa đệm bị thoát vị. Thông qua vết mổ và dụng cụ y tế đặc biệt, bác sĩ loại bỏ toàn bộ đĩa đệm bị hỏng và thay vào đó một đĩa đệm nhân tạo. Đĩa mới thường được làm bằng nhựa hoặc kim loại giúp giữ cột sống ổn định và cho phép người bệnh di chuyển dễ dàng về sau. Trường hợp lý tưởng nhất là chỉ mảnh đĩa bị chèn ép dây thần kinh được loại bỏ, hầu hết các đĩa đệm còn lại vẫn được bảo tồn.
Các phương pháp phẫu thuật cụ thể là:
- Phẫu thuật cắt ghép: Trong phẫu thuật ghép xương, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một lỗ mở ở vòm đốt sống (lamina) làm giảm áp lực lên rễ thần kinh. Thủ thuật này được thực hiện thông qua một vết mổ nhỏ ở cổ hoặc thắt lưng, đôi khi với sự trợ giúp của kính hiển vi.
- Phẫu thuật cắt bỏ vi phẫu: Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm là phương pháp phổ biến nhất thường được sử dụng cho thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng. Trong thủ thuật này, vùng đĩa đệm gây áp lực lên rễ dây thần kinh sẽ được cắt bỏ một phần. Trong một số trường hợp, toàn bộ đĩa đệm có thể được gỡ bỏ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ đĩa đệm bằng dụng cụ đặc biệt thông qua một vết mổ nhỏ ở lưng hoặc cổ. Thủ tục ít xâm lấn này được gọi là microdiskectomy.
- Phẫu thuật hợp nhất cột sống: Hợp nhất cột sống là phẫu thuật giúp nối hai hoặc nhiều đốt sống thành một cấu trúc duy nhất. Mục đích của phẫu thuật này là để ngăn chặn sự chuyển động giữa hai khớp xương và ngăn ngừa tình trạng đau nhức. Mặt khác, khi các khớp xương được hợp nhất, chúng không còn di chuyển được như trước đây. Điều này giúp làm giảm áp lực đè nén lên dây thần kinh, cơ bắp và dây chằng không bị căng cứng, cảm giác đau và khó chịu sẽ biến mất. Sau khi tiến hành phẫu thuật nội soi hoặc cắt bỏ đĩa đệm, chuyên viên phẫu thuật sẽ tiến hành hợp nhất hai hoặc nhiều đốt sống lại với nhau.
- Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo: Phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo thường được chỉ định ở những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng dưới. Đây không phải là lựa chọn tốt cho người đang gặp phải các vấn đề xương khớp như loãng xương, viêm khớp hoặc có nhiều hơn một đĩa đệm bị thoái hóa.
Sau khi thực hiện
Sau khi phẫu thuật, người bệnh được chuyển đến phòng hồi sức để theo dõi các biến chứng do phẫu thuật và gây mê. Người bệnh nếu đủ sức khỏe sẽ được về nhà vào cùng ngày phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyến cáo nên ở lại bệnh viện trong một vài ngày trong trường hợp phát sinh vấn đề hậu phẫu.
Tùy thuộc vào cường độ các hoạt động có liên quan đến nâng, đi và ngồi, người bệnh có thể trở lại làm việc trong 2–6 tuần. Nếu người bệnh làm một công việc phải nâng vật nặng hoặc vận hành máy móc hạng nặng, bác sĩ có thể khuyên nên nghỉ ngơi từ 6–8 tuần trước khi trở lại làm việc.
Kết quả phẫu thuật
Kết quả của phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm là gì?
Sau phẫu thuật, cơn đau nhức có thể được cải thiện. Tuy nhiên, triệu đau chứng đau có thể quay trở lại nếu người bệnh không biết cách chăm sóc tốt. Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm không phải là phương pháp chữa trị vĩnh viễn hay đảo ngược quá trình bị thoát vị đĩa đệm.
Để tránh làm tổn thương cột sống, người bệnh nên giảm cân (nếu đang bị thừa cân). Bác sĩ có thể lên một chương trình tập thể dục có các hoạt động ít ảnh hưởng và yêu cầu hạn chế một số hoạt động liên quan đến uốn cong, xoắn lưng hoặc nâng vật nặng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
DIEPHM không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]