Tác động xấu đến cuộc sống, sức khỏe và tinh thần
Việc đóng cửa các trường học loại bỏ khả năng tiếp cận các chương trình dinh dưỡng ở trường, khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng. Carmen Burbano – chuyên gia dinh dưỡng học đường từ Chương trình Lương thực quốc tế (WFP) – cho rằng, “chúng ta có thể chuyển sang học trực tuyến nhưng không thể cung cấp bữa ăn trực tuyến”.
Mất đi sự bảo vệ của trường học, nhiều trẻ em có thể đối mặt với các vấn đề về dinh dưỡng, tinh thần và cả bạo hành. |
.Trước tình hình này, các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Pháp và Canada đã áp dụng biện pháp đặc biệt để đảm bảo học sinh có hoàn cảnh khó khăn không bị thiếu thức ăn; chẳng hạn cho phép trẻ đến trường để nhận túi thức ăn bao gồm bữa sáng và trưa dùng trong ba ngày ở bang Illinois và Florida (Mỹ).
Tuy vậy, ở các nước nghèo, việc đóng cửa trường học có thể đánh mất một hệ thống bảo trợ xã hội quan trọng dành cho trẻ em và khiến khoảng 300 triệu trẻ mất bữa ăn miễn phí.
Một vấn đề khác đáng quan tâm chính là sức khỏe. COVID-19 có khả năng áp đảo các hệ thống y tế mong manh ở những nước thu nhập thấp và trung bình hoặc làm suy yếu nhiều lợi ích liên quan đến sự sống còn, sức khỏe và phát triển của trẻ em.
Trước cuộc khủng hoảng COVID-19, 32% trẻ em trên toàn thế giới có triệu chứng viêm phổi không được đưa đến cơ sở y tế, con số này ước tính sẽ tăng lên trong đại dịch vì các gia đình lo sợ khả năng lây nhiễm chéo, cũng như thiếu hụt cơ sở vật chất và nhân lực.
UNICEF ghi nhận nhiều sự gián đoạn trong các dịch vụ tiêm chủng, đe dọa tạo ra sự bùng phát của các bệnh vốn đã có vắc-xin, như bệnh bại liệt, sởi và dịch tả ở Afghanistan, Somalia, Philippines, Syria và Nam Sudan.
Bà Henrietta Fore – Giám đốc điều hành UNICEF – cho biết tổ chức này sẽ làm việc với các nhà cung cấp vắc-xin trên thế giới nhằm bảo đảm việc sản xuất không bị đình trệ và chuỗi cung ứng được kiểm soát một cách tốt nhất trong thời điểm khó khăn này.
Mạng internet là cửa ngõ duy nhất giúp trẻ liên lạc với thế giới nhưng nơi đó cũng có nhiều cạm bẫy. Phụ huynh nên đưa ra những quy tắc chặt chẽ hơn. |
Trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trước đây, trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bạo lực và lạm dụng cao khi các trường học bị đóng cửa, các dịch vụ xã hội bị gián đoạn và việc di chuyển bị hạn chế. Ví dụ, đóng cửa trường học vào vụ dịch Ebola ở Tây Phi từ năm 2014 – 2016 dẫn đến mức tăng đột biến lao động trẻ em, bỏ bê, lạm dụng tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên. Hình thức bạo lực phổ biến nhất mà trẻ em phải đối mặt diễn ra trong gia đình, từ những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ.
Trong cuộc họp báo đầu tháng 4/2020, Francey Hakes – một cựu quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ và là điều phối viên quốc gia về phòng, chống và can thiệp lạm dụng trẻ em – cho biết, tại Fort Worth, Texas, một bệnh viện đã chứng kiến sự gia tăng nghiêm trọng về lạm dụng thể chất trẻ em chỉ trong một tuần của giai đoạn phong tỏa.
Từ góc nhìn chuyên môn, bà Hakes khẳng định, một trong những tuyến phòng thủ đầu tiên cho trẻ em là giáo viên, cố vấn và bạn bè, nhưng “khi các trường học đóng cửa và việc gặp gỡ bạn bè, bị cấm, sẽ không còn ai để ý các dấu hiệu đáng quan ngại như những vết bầm tím cũ và mới hoặc tìm cách can thiệp để bảo vệ những đứa trẻ dễ bị tổn thương”.
Việc chăm sóc trẻ em đồng thời duy trì công việc hằng ngày có thể khiến phụ huynh đau đầu. Lời khuyên cho bạn là hãy lên kế hoạch và tách biệt các nhiệm vụ. |
Mặt khác, khi hàng triệu trẻ em chuyển sang công nghệ kỹ thuật số để tìm đường ra thế giới bên ngoài, chúng phải đối mặt trước những rủi ro tiềm ẩn trên mạng. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ khai thác trẻ em trực tuyến vào cuối tháng 3/2020.
Theo đó, việc hiện diện trực tuyến nhiều hơn trong thời gian giãn cách xã hội, khiến trẻ có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm.
Thông báo viết: “Khai thác tình dục trực tuyến có nhiều hình thức. Những kẻ xấu có thể liên lạc thường xuyên với trẻ thông qua internet, lấy lòng tin và bắt đầu những cuộc trò chuyện tình dục. Cá nhân cũng có thể ép buộc nạn nhân cung cấp hình ảnh hoặc video mang khuynh hướng tình dục, sau đó đe dọa đăng ảnh công khai hoặc gửi hình ảnh cho bạn bè, gia đình nạn nhân”.
Phụ huynh nên làm gì?
Giáo viên người Anh Andria Zafirakou – người đoạt Giải thưởng giáo viên toàn cầu năm 2018 – tiết lộ, “ngay cả giáo viên cũng đồng ý rằng những học sinh khó bảo nhất chính là con của họ”. Làm mẹ của hai cô con gái tuổi “teen”, cô Zafirakou đã phải áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt để đảm bảo cuộc sống gia đình không bị xáo trộn, đồng thời đem lại lợi ích tốt nhất cho các con.
Điều đầu tiên phụ huynh cần thực hiện chính là lập thời gian biểu hợp lý. Đừng cố tung hứng giữa công việc và chăm sóc con trẻ, bởi như thế nghĩa là bạn không thể tập trung hoàn toàn cho bất kỳ vai trò nào. Hãy hoàn thành công việc, sau đó dành thời gian cho trẻ cả về thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc.
Những hoạt động trong thời gian này cần đảm bảo yếu tố hài hòa giữa sự tập trung, nỗ lực như cùng con tham gia các khóa đào tạo trên mạng và cả những lựa chọn mang tính vui vẻ như trò chơi gia đình. Nghệ thuật sáng tạo như nấu ăn, đan móc, tô màu thực sự hữu ích khi giúp bạn và các con thoát khỏi thực tại và cảm nhận thời gian trôi nhanh hơn.
Ngoài chương trình học qua mạng, phụ huynh nên khuyến khích trẻ học thêm những kỹ năng sống, phát triển khả năng nghệ thuật và sáng tạo. |
Phụ huynh có thể cảm thấy lo lắng về việc trẻ em bị tụt lại phía sau trong việc học, nhưng bạn chỉ cần đảm bảo rằng trẻ vẫn thường xuyên tham gia lớp học hằng ngày. Nhiều bậc cha mẹ chọn thời gian cách ly để dạy con trẻ những kỹ năng sống như giặt giũ, trồng cây, chơi nhạc cụ hoặc tiếp thu thêm một ngôn ngữ mới.
Đồng thời, đây là lúc giúp trẻ cảm nhận rằng bản thân có một phần trách nhiệm cần thực hiện trong gia đình, cũng như quyết định và kiểm soát những gì chúng thật sự muốn hoàn thành.
Có một mối tương quan với thời gian sử dụng thiết bị điện tử và mối nguy cơ lo lắng, trầm cảm; do vậy, trẻ em dưới hai tuổi không nên sử dụng màn hình điện tử và trẻ em dưới bảy tuổi thường không học được gì nhiều trên máy tính một mình. Đối với những trẻ lớn hơn, phụ huynh cần đưa ra mức giới hạn 2 giờ mỗi ngày trước máy tính hoặc truyền hình.
Cuối cùng, tiến sĩ Lisa Damour – chuyên gia tâm lý cộng tác cùng UNICEF – cho rằng, phụ huynh phải cùng các con chấp nhận nỗi sợ hãi về dịch bệnh, vì đó là bản năng bình thường và lành mạnh để cảnh báo chúng ta về các mối đe dọa. Chấp nhận – để trẻ thấy rằng mình không khác biệt, yếu đuối hay cô độc, chứ không phải sự hoảng loạn thiếu kiểm soát.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), hầu hết các chính phủ trên thế giới đã tạm thời đóng cửa các tổ chức giáo dục trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, ảnh hưởng đến hơn 91% học sinh thế giới.
Số liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng cho thấy, 99% trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi trên toàn thế giới (2,34 tỷ) sống tại khu vực đang thi hành một số hình thức hạn chế di chuyển để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, 60% trẻ em sống ở một trong 82 quốc gia phong tỏa hoàn toàn (7%) hoặc một phần (53%) – tương đương 1,4 tỷ trường hợp.