Gan là bộ phận có chức năng quan trọng trong cơ thể. Nó đóng vai trò như một “nhà máy” chế biến và chuyển hóa thức ăn, chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể.
Nhiệm vụ chính của gan là giải độc và chuyển hóa chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng những bộ phận cơ thể khác của cơ thể. Khi bạn bị suy giảm chức năng gan, đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động của các bộ phận khác cũng sẽ bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau.
Suy giảm chức năng gan là gì?
Suy giảm chức năng gan (còn gọi là suy gan) xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, bệnh tự miễn, thuốc, hóa chất độc hại. Bệnh chia làm hai loại là suy gan cấp tính và suy gan mạn tính.
Suy gan cấp tính có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như lạm dụng thuốc tân dược, đặc biệt là kháng sinh và thuốc giảm đau; nhiễm các loại virus gây bệnh viêm gan A, B, C; ngộ độc hóa chất hoặc mắc các bệnh về gan.
Trong khi đó, nguyên nhân gây suy gan mạn tính là do hậu quả của bệnh viêm gan B, C; thường xuyên uống rượu, bia trong thời gian dài hoặc người mắc bệnh xơ gan, suy dinh dưỡng, rối loạn Hemochromatosis.
Suy gan khiến gan không thể thực hiện tốt nhiệm vụ của nó trong cơ thể. Từ đó, hệ miễn dịch và hàng loạt vấn đề sức khỏe khác cũng bị ảnh hưởng ở nhiều cấp độ.
Dấu hiệu suy giảm chức năng gan
Những dấu hiệu của bệnh gan chỉ xảy ra khi bệnh đã tiến đến giai đoạn nặng. Lúc này, gan không còn khả năng thực hiện đúng và đủ chức năng của mình. Khi đó, triệu chứng dễ nhận biết nhất bao gồm:
Vàng da, vàng mắt
Đây là dấu hiệu “kinh điển” mà người bị suy giảm chức năng gan nào cũng sẽ gặp phải. Nguyên nhân do sự tích tụ của bilirubin trong cơ thể.
Bilirubin là một sắc tố màu vàng được sản sinh trong quá trình thoái giáng tế bào hồng cầu, gan sẽ làm nhiệm vụ chuyển hóa và xử lý chất này ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, gan bị suy yếu không thể đảm nhiệm được chức năng này nên sắc tố bilirubin tích tụ gây biến đổi sắc tố da và tròng trắng của mắt.
Sưng bụng và chân
Cơ thể người bị suy giảm chức năng gan sẽ tích tụ chất lỏng ở bụng và chân khiến hai vùng cơ thể này bị sưng lên. Sưng chân thường bắt đầu từ bàn chân và lan dần lên toàn bộ chân khi chức năng gan bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, dấu hiệu sưng bụng lại không có biểu hiện rõ ràng từ ban đầu. Tuy nhiên, khi tình trạng tệ hơn, bụng của người bệnh sẽ phình to ra nổi bật kèm hiện tượng lồi rốn.
Buồn ngủ
Gan đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các loại hóa chất và độc tố khỏi máu. Những yếu tố gây hại này có thể sinh ra từ vi khuẩn trong ruột rồi được hấp thụ vào máu. Chúng cũng thường xuất hiện khi cơ thể tổng hợp protein, phá vỡ các tế bào.
Khi chức năng gan suy giảm, gan không thể kịp thời loại bỏ độc tố khỏi máu. Khi tích tụ với nồng độ lớn, các độc tố sẽ gây ảnh hưởng đến não khiến người bệnh thường xuyên buồn ngủ.
Da dễ bị bầm tím
Gan sản xuất một số protein quan trọng để hỗ trợ quá trình đông máu. Ở những người mắc bệnh gan mãn tính, chức năng gan yếu đi sẽ làm số lượng các protein đông máu suy giảm. Từ đó, người bệnh dễ bị chảy máu và dễ hình thành các vết bầm tím dù chỉ có những va chạm rất nhẹ.
Khó chịu ở bụng
Cảm giác khó chịu ở bụng là những triệu chứng không phổ biến ở người mắc bệnh gan. Bản thân các mô gan không có dây thần kinh. Tuy nhiên, khi bạn mắc bệnh gan, các đầu dây thần kinh trong tế bào gan xuất hiện khiến gan nhanh chóng sưng lên. Điều này có sẽ khiến người bệnh khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên.
Ngoài những dấu hiệu trên, người bị rối loạn chức năng gan còn có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác như da nổi mẩn ngứa, kém tập trung, vú to ở nam giới, mất kinh bất thường ở nữ giới, khô mắt hoặc khô miệng.
Cách phòng ngừa suy giảm chức năng gan
Các bệnh về gan trong giai đoạn đầu không thể hiện rõ triệu chứng. Dấu hiệu bệnh chỉ xuất hiện ở những giai đoạn nặng. Điều này càng làm tăng mức độ nguy hiểm của suy giảm chức năng gan và những bệnh về gan khác. Vì thế, việc chủ động phòng ngừa bệnh là điều rất cần thiết để bạn có lá gan khỏe mạnh.
Những cách phòng ngừa các bệnh về gan dễ thực hiện nhất bao gồm:
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Các bệnh lý về gan cần được kiểm tra và tầm soát ngay cả khi chưa có dấu hiệu tổn thương gan. Việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn sớm phát hiện những vấn đề bất ổn ở gan để can thiệp kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng dẫn đến suy gan.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh viêm gan siêu vi.
Ăn uống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng phong phú
Hạn chế tối đa những loại thực phẩm có hại cho gan như đồ ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn…. Bên cạnh đó, bạn cần tăng cường tiêu thụ những món ăn giàu chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh, giảm thiểu áp lực làm việc cho gan.
Tập thể dục đều đặn
Khi bạn tập thể dục đều đặn, các bộ phận trong cơ thể (trong đó có gan) liên tục được kích hoạt khả năng hoạt động. Điều này giúp nội tạng có thêm sức khỏe để duy trì và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, không thức khuya
Từ 21 giờ, hệ miễn dịch và các cơ quan đào thải độc tố như gan, thận, đường ruột… bắt đầu hoạt động. Chúng chỉ làm việc tốt nhất khi bạn có giấc ngủ chất lượng và đúng giờ. Vì thế, không làm việc quá sớm và không thức khuya là yếu tố không chỉ giúp bạn có lá gan khỏe mạnh mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Tránh tiếp xúc với hóa chất
Hóa chất độc hại tồn tại ở nhiều dạng như dạng hơi trong không khí, dạng chất lỏng hoặc tiềm ẩn trong các loại thực phẩm bẩn. Khi chúng đi vào cơ thể, gan có nhiệm vụ sàng lọc và đào thải chúng để làm giảm khả năng gây hại cho những bộ phận cơ thể khác. Khi có quá nhiều hóa chất đi vào cơ thể cùng một lúc hoặc tích tụ trong thời gian dài, gan sẽ phải làm việc “cật lực” hơn để loại bỏ chúng ra khỏi co thể, điều này khiến gan mệt mỏi và suy kiệt theo thời gian.
Ngoài ra, gan cần được cung cấp đủ phospholipid, vitamin nhóm B và vitamin nhóm E để duy trì và tăng cường chức năng hoạt động cũng như bảo vệ gan.
Như vậy, suy giảm chức năng gan là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được ngay từ khi bạn còn khỏe mạnh. Lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa và kiểm soát bệnh.
[embed-health-tool-bmr]