Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp và đôi khi hay bị nhầm lẫn với bệnh nhiễm siêu vi đường hô hấp trên hoặc nhầm lẫn với các bệnh viêm mũi không dị ứng khác bởi chúng cũng có những triệu chứng như hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, nặng mặt…
Dị ứng là một thể bệnh của rối loạn hệ miễn dịch, theo đó, cơ thể người bệnh phản ứng một cách quá mức với những tác nhân được cho là “vô hại” với đại đa số những người còn lại. Tùy theo cơ địa từng người bệnh mà tác nhân gây dị ứng có thể sẽ khác nhau và mức độ dị ứng cũng khác nhau nếu cùng có chung một tác nhân. Dị ứng nguyên có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể (sốc phản vệ) hoặc chỉ gây ảnh hưởng cục bộ tại những cơ quan riêng biệt như hệ thống da (chàm), hệ hô hấp (hen suyễn, viêm mũi dị ứng). Viêm mũi dị ứng là một thể bệnh của viêm mũi quá mẫn, do đó thường hay có những nhầm lẫn trong chẩn đoán. Không phải những ai có cái mũi “quá nhạy cảm” cũng đều là viêm mũi dị ứng. Việc trang bị thêm kiến thức về bệnh viêm mũi dị ứng có thể giúp cho việc nhận định, ngăn ngừa và kiểm soát tốt các triệu chứng, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực của nó tới chất lượng cuộc sống.
Viêm mũi dị ứng là gì?
Niêm mạc mũi nói riêng cũng như niêm mạc hô hấp nói chung, cùng với niêm mạc mắt, đường tiêu hóa, đường tiết niệu hợp thành vòng bảo vệ bên ngoài của hệ miễn dịch. Đây cũng chính là “cửa ngõ” của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài và hứng chịu những tác động đầu tiên từ nó để tạo ra miễn dịch chủ động.
Khi dị ứng nguyên từ môi trường bên ngoài, lần đầu xâm nhập vào niêm mạc mũi của người bệnh sẽ “đánh động” tế bào lympho TH2 để “kích hoạt” tế bào lympho B giải phóng ra kháng thể IgE. Sau đó, kháng thể IgE sẽ gắn vào những thụ thể trên bề mặt của tế bào Mast và tế bào bạch cầu ái kiềm để “chờ sẵn”. Khi dị ứng nguyên tái xâm nhập, tạo liên kết chéo với IgE sẽ “kích động” những tế bào này phóng thích “ồ ạt” những chất trung gian hóa học, trong đó có histamin và các amin hoạt hóa… làm giãn mạch, thoát mạch, tăng tiết nhầy, kích thích đầu mút thần kinh cảm giác ở niêm mạc gây ra các triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi và hắt hơi. Sự góp mặt của bạch cầu ái toan như “đổ thêm dầu vào lửa” làm cho các triệu chứng trở nên “tệ hơn”.
Ở đây cũng cần lưu ý rằng, các yếu tố, thí dụ như căng thẳng về thể chất, về tinh thần, một số hóa chất… có thể tác động trực tiếp lên tế bào Mast làm phóng thích các chất trung gian hóa học, gây ra những triệu chứng tương tự, tuy nhiên, nó không được gọi là “dị ứng” vì không có phản ứng giữa dị nguyên và kháng thể IgE. Đặc điểm này cũng là mấu chốt để phân biệt viêm mũi dị ứng với các viêm mũi khác có triệu chứng “na ná”.
Sự quá mẫn bất thường của mũi mang bản chất dị ứng này được cho là có liên quan nhiều tới di truyền. Nếu có bố, mẹ hoặc cả 2 mắc bệnh viêm mũi dị ứng thì khả năng cao con cái cũng sẽ mắc bệnh này, tuy có thể khác dị ứng nguyên. Cho nên, viêm mũi dị ứng là một bệnh miễn dịch, di truyền, thông qua trung gian kháng thể IgE. Kháng thể IgE có vẻ như giảm dần theo độ lớn của tuổi, theo đó, tình trạng viêm mũi dị ứng cũng giảm theo. Dựa trên sự xuất hiện của các triệu chứng, người ta phân ra hai loại viêm mũi dị ứng là loại theo mùa (có chu kì) và loại quanh năm (dai dẳng).
Bệnh viêm mũi dị ứng có những dấu hiệu gì?
Khi các tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào niêm mạc mũi của người có cơ địa dị ứng mà người đó đã từng bị phơi nhiễm với dị ứng nguyên trước đó thì sẽ xảy ra “xung đột” quá mức giữa kháng nguyên và kháng thể, phóng thích ồ ạt những hóa chất trung gian gây viêm mà chủ yếu là histamin, làm xuất hiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng với nhiều mức độ khác nhau. Những triệu chứng thường gặp của tình trạng này bao gồm:
- Hắt hơi từng tràng
- Sổ nước mũi trong
- Nghẹt mũi
- Có thể có ngứa trong mũi, ngứa mắt và chảy nước mắt, ngứa họng
- Có thể có đau đầu, nặng mặt
- Có thể có mệt mỏi, mất tập trung
Các triệu chứng kể trên sẽ bộc lộ tức thì ngay sau khi niêm mạc tái tiếp xúc với dị nguyên, tức là khi “gặp lại cố nhân”. Một số biểu hiện như đau đầu tái diễn hay mệt mỏi dai dẳng thường chỉ xảy ra sau một thời gian dài tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Khi nào bạn cần đi khám?
Bạn nên đi khám nếu nhận thấy các vấn đề sau:
- Các triệu chứng ngày càng trở nên nặng hơn
- Cách điều trị hiện tại có vẻ như không còn hiệu quả.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là gì?
Nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng là phản ứng quá mẫn cảm của hệ miễn dịch tại niêm mạc mũi khi có dị nguyên xâm nhập. Phản ứng này chỉ xảy ra ở những người có “cơ địa”, tức “trời sinh ra đã vậy”, do gen và liên quan tới di truyền. Cùng chịu tác động của các nhân giống như nhau từ môi trường, người bình thường sẽ “không cảm thấy gì” trong khi người có tạng dị ứng thì rất “ồn ào, náo nhiệt”. Cho nên, sự tương tác giữa yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường sẽ ảnh hưởng tới sự bộc lộ của dị ứng. Đã có thời người ta cho rằng bệnh này là bệnh của “con nhà giàu”, bệnh “quý tộc”. Chắc do không được “lê la”, không được tiếp xúc với vi khuẩn và virus để mà “phang” nên hệ miễn dịch bị “cuồng chân, cuồng tay” quay qua “phang” đại vào những thứ không gây hại. Đa số tác nhân gây dị ứng mũi với người có cơ địa là những protein trọng lượng phân tử thấp, rất “phổ thông đại chúng” và vô hại với số đông, có thể kể ra như sau:
- Con mạt trong bụi nhà
- Bào tử nấm mốc
- Nước dãi trên lông thú nuôi
- Phấn hoa
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Có yếu tố về gia đình, di truyền nếu có người thân mắc các bệnh dị ứng hô hấp. Yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu, tuổi tác, chủng tộc, điều kiện vệ sinh, lối sống, dị hình cấu trúc giải phẫu trong mũi… cũng có tác động không nhỏ tới biểu hiện của bệnh. Khi hệ thống bảo vệ trên bề mặt của niêm mạc bị suy yếu hoặc niêm mạc bị kích ứng, tổn thương… thì các tác nhân gây dị ứng dễ dàng xâm nhập để gây bệnh. Một số nguy cơ phổ biến khiến cho tình trạng này trở nên tệ hơn, ví dụ như:
- Nhiệt độ: quá lạnh, quá nóng hoặc thay đổi đột ngột
- Độ ẩm: quá cao hoặc quá thấp, hanh khô
- Gió máy thổi trực tiếp vào mũi
- Ô nhiễm không khí: NO2, SO2, CO, bụi mịn, khói thải
- Hít phải hóa chất: keo xịt tóc, chất xịt phòng, nước hoa, các loại hóa chất bay hơi khác…
Viêm mũi dị ứng được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh hiệu quả?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử dị ứng của gia đình và bản thân. Đánh giá các triệu chứng cơ năng ở mũi như: hắt hơi từng tràng, chảy nước mũi trong, ngứa mũi, nghẹt mũi. Đánh giá triệu chứng ở mắt như: ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Tối thiểu phải có 2 triệu chứng trở lên, xảy ra thường xuyên và kéo dài ít nhất là 1 tiếng mỗi ngày. Khám hốc mũi thấy niêm mạc phù nề, nhợt nhạt, có thể có polyp hoặc các bất thường về giải phẫu khác. Để chẩn đoán chắc chắn, có thể các bác sĩ sẽ làm test lẩy da với chất nghi dị ứng, xét nghiệm máu (RadioAllergoSorbent Test- RAST) để đánh giá kháng thể IgE toàn phần và đặc hiệu. Đôi khi cần phải xét nghiệm dịch mũi để tìm IgE đặc hiệu tại chỗ. Tiêu chuẩn về cận lâm sàng này ít nhất cũng phải có 1 kết quả là dương tính. Tổng hợp lại, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán là viêm mũi dị ứng theo mùa (chu kỳ, gián đoạn) hay quanh năm (thường xuyên, dai dẳng), ở mức độ nhẹ, vừa hay nặng.
Đâu là cách chữa bệnh viêm mũi dị ứng tốt nhất?
Viêm mũi dị ứng là bệnh thuộc về cơ địa, tức không thể chữa khỏi và phải sống chung với nó tới cuối đời. Cũng may là đôi khi bệnh có xu hướng nhẹ đi, thậm chí “biến mất” khi…có tuổi. Tuy nhiên, việc điều trị là để giảm bớt những khó chịu của triệu chứng do nó gây ra, tránh thoái hóa niêm mạc và bội nhiễm vi khuẩn, tránh biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tải gánh nặng cho xã hội. Để điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng, hiện có những cách thức sau:
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên: vệ sinh nhà cửa, hút bụi các khe kẽ, ngóc ngách, thảm, nệm. Giặt, thay gối định kỳ, sử dụng tấm phủ diệt mạt nhà. Lau rửa máy lạnh, quạt gió. Chú ý các góc khuất tối tăm, ẩm thấp tránh để mốc phát triển. Đảm bảo thông khí và thông sáng trong phòng. Đóng cửa sổ, tránh ra ngoài trời hoặc phải sử dụng các phương tiện bảo hộ nhằm giảm thiểu hít phải phấn hoa khi tới mùa hoa phát tán. Vệ sinh khi về nhà. Không nuôi chó, mèo hoặc hạn chế tiếp xúc nếu có dị ứng…
- Liệu pháp dược: dùng thuốc xịt, thuốc uống, thuốc tiêm
- Liệu pháp miễn dịch: giải mẫn cảm đặc hiệu
- Phẫu thuật: Phẫu thuật chỉnh sửa lại các dị hình trong mũi nếu có…
Dùng thuốc trị viêm mũi dị ứng
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để làm giảm các triệu chứng bạn đang có. Các thuốc chữa viêm mũi dị ứng bao gồm: kháng histamin, kháng viêm corticoids, kháng Leukotrienes, kháng cholinergic, ổn định tế bào Mast, co mạch mũi. Tùy theo thể bệnh, giai đoạn, các triệu chứng nổi trội, tính an toàn, các tác dụng phụ không mong muốn mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nào, dùng đơn lẻ hay phối hợp. Thông thường, các bác sĩ hay kê toa các loại sau:
- Thuốc kháng histamin: đây là loại thuốc phổ biến cho việc điều trị viêm mũi dị ứng. Loại thuốc này có tác dụng hạn chế sản sinh ra histamin. Thuốc kháng histamin có thể ở dạng uống hoặc xịt mũi. Một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ và các tác dụng ngoại ý khác, tuy nhiên thuốc thế hệ 2 đã giảm thiểu được những tác dụng phụ không mong muốn này.
- Dung dịch xịt chống nghẹt mũi: thuốc này làm giảm sung huyết mũi, gây co mạch mũi, từ đó làm giảm triệu chứng nghẹt mũi. Tuy nhiên, cần tuân theo hướng dẫn sử dụng thuốc, không dùng quá thời gian khuyến cáo để tránh biến chứng viêm mũi do thuốc.
- Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid: loại thuốc kháng viêm này được dùng khá rộng rãi. Thường kết hợp với thuốc kháng histamin để tăng hiệu quả điều trị.
Lưu ý, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng chung với các thuốc trị viêm mũi dị ứng này nhé.
Giải mẫn cảm đặc hiệu
Nguyên lý của phương pháp này là chủ động đưa chất dị ứng vào cơ thể với liều lượng tăng dần và lặp đi lặp lại để tạo trạng thái dung nạp miễn dịch với chất đó, tức là làm cho cơ thể “quen dần” mà “lờ đi”, không còn phản ứng dữ dội với chất đó nữa. Phương pháp này dường như là “căn cơ” nhất và cho hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, thời gian và chi phí để theo đuổi liệu trình không phải lúc nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Có thể thực hiện giải mẫn cảm theo đường tiêm dưới da hoặc ngậm dưới lưỡi.
Viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không, phòng ngừa như thế nào?
1. Viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không?
Bệnh dị ứng toàn thân thể tối cấp như shock phản vệ, phù mạch (quincke) đường hô hấp hoặc hen ác tính có thể đe dọa tính mạng, tuy nhiên bệnh viêm mũi dị ứng thì không. Ngoài những phiền toái do triệu chứng tại mũi gây ra, nó có thể ảnh hưởng tới khả năng học tập, làm việc, hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, làm rối loạn giấc ngủ, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng do thoái hóa niêm mạc, bít tắc thông khí và dẫn lưu mũi xoang như:
Những vấn đề này, trước tiên sẽ được điều trị bằng thuốc. Nếu không hiệu quả thì giải pháp phẫu thuật sẽ được đặt ra. Thông thường các bác sĩ sẽ can thiệp bằng phẫu thuật nội soi với tiêu chí là can thiệp “tối thiểu” nhưng hiệu quả thì “tối đa”.
Phòng ngừa như thế nào
Không phòng ngừa được bệnh do cơ địa, tuy nhiên, để sống tốt với cái mũi “không bình thường”, nên hết sức tránh tiếp xúc bị động với dị nguyên. Giảm thiểu những tác động xấu từ môi trường. Thường xuyên rèn luyện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Có thể tập yoga, tắm khoáng. Thực hiện lối sống lành mạnh, vệ sinh.
Đi khám định kỳ và tuân thủ liệu trình điều trị được khuyến cáo.
[embed-health-tool-bmr]