Hở van động mạch chủ 1/4 là mức độ nhẹ của hở van tim, song nếu người bệnh chủ quan không điều trị thì sẽ có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm. Ở giai đoạn “nhẹ” nhất này, bạn vẫn cần tìm cách giảm các triệu chứng khó thở, đau tức ngực, mệt mỏi… và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Hở van động mạch chủ 1/4 là gì?
Van động mạch chủ là van tim nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, có vai trò kiểm soát dòng máu đi theo một chiều từ buồng thất trái vào động mạch chủ, đi nuôi cơ thể.
Hở van động mạch chủ là khi van này không thể đóng chặt ngay sau khi máu được bơm ra khỏi tim, khiến cho một lượng máu chảy ngược vào tim thay vì được bơm ra phía trước.
Hở van động mạch chủ 1/4 là mức độ hở nhẹ nhất với tỷ lệ dưới 25%. Mặc dù vậy, hở van chủ 1/4 vẫn có thể gây nguy hiểm khi người bệnh có dấu hiệu đau thắt ngực, khó thở hoặc thất trái bị dãn. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định sửa chữa hoặc thay van tim nếu cần thiết để tránh rủi ro.
Tuy nhiên, nhiều người bị hở van động mạch chủ 1/4 lại chủ quan không điều trị do không biết van động mạch chủ là van tim quan trọng nhất vì nó kiểm soát một lượng máu lớn được bơm ra khỏi tim.
Hở van 2 lá, 3 lá 1/4 có thể là hở van tim sinh lý, nhưng với hở van động mạch chủ dù chỉ 1/4 cũng là hở van tim bệnh lý và cần phải điều trị sớm. Chủ quan không điều trị khiến người bệnh tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm từ lúc nào mà không hay.
Hở van động mạch chủ 1/4 có nguy hiểm không?
Để đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh hở van động mạch chủ, các bác sĩ sẽ căn cứ vào chỉ số hiệu suất tống máu của tâm thất trái (EF) và kích thước tâm thất trái (LVEDd):
- Trường hợp hở van động mạch chủ 1/4 nhẹ, không nguy hiểm: Hở van động mạch chủ đơn thuần, hiệu suất tống máu bình thường (trên 50%), tâm thất trái không dãn hoặc dãn rất ít, người bệnh chưa có triệu chứng.
- Trường hợp hở van động mạch chủ 1/4 nguy hiểm: Chỉ số EF dưới 50%, buồng tim giãn nhiều, người bệnh có các triệu chứng mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm, cảm giác đau thắt ngực, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim… Hoặc trong trường hợp người bệnh bị cả hở và hẹp van động mạch chủ thì dù mức độ hở chỉ là 1/4 cũng có thể tiến triển rất nhanh và gây biến chứng suy tim.
Ngoài ra, hở van động mạch chủ 1/4 cũng sẽ nguy hiểm nếu là hở van tim thứ phát do các nguyên nhân:
- Hội chứng Marfan
- Bóc tách động mạch chủ
- Giãn gốc động mạch chủ (do tăng huyết áp)
- Khuyết tật van động mạch chủ bẩm sinh (chỉ có 2 lá thay vì 3 lá như bình thường)
Hở van động mạch chủ 1/4 là mức độ nhẹ và không cần phẫu thuật đối với các trường hợp chỉ hở đơn thuần. Nếu người bệnh có triệu chứng khó thở, đau ngực hay rối loạn chức năng tim thì bác sĩ có thể tìm nguyên nhân gây hở van như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim để điều trị tốt các bệnh cơ hội.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để phẫu thuật hoặc tình trạng bệnh chưa đến mức phải phẫu thuật. Khi đó, việc thực hiện các cách giảm nhẹ triệu chứng có ý nghĩa rất quan trọng để ngăn ngừa các rủi ro biến chứng.
Cách giảm nhẹ bệnh để ngăn ngừa biến chứng
Muốn giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn, người bệnh cần kết hợp sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống và bổ sung thêm thảo dược.
1. Sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân
Không có phác đồ điều trị thuốc nào dành riêng cho những bệnh nhân hở van động mạch chủ 1/4 chưa xuất hiện triệu chứng cơ năng ngoại trừ trường hợp hở van tim do hậu quả của các bệnh tim mạch khác. Bác sĩ có thể kê toa thuốc điều trị nguyên nhân gây hở van động mạch chủ như thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông, thuốc giãn mạch…
Trước khi tiến hành các thủ thuật có nguy cơ chảy máu, người bệnh cần thông báo với bác sĩ tình trạng bệnh để được sử dụng kháng sinh dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
2. Điều chỉnh lối sống lành mạnh
Khi van động mạch chủ bị hở, tim phải làm việc vất vả hơn để bù lại lượng máu bị thiếu hụt để đáp ứng được nhu cầu oxy cho cơ thể. Vì thế, ngoài thuốc điều trị (nếu có), bạn cần làm giảm áp lực cho tim bằng cách điều chỉnh các lối sống hàng ngày.
- Ăn uống tốt cho tim: Chế độ ăn thích hợp cho người bị hở van cần nhiều rau củ quả, các loại đậu, sữa chua hoặc các loại sữa ít béo, thịt gia cầm bỏ da, các loại cá (cá hồi, cá thu, cá trích), ngũ cốc nguyên hạt hay các loại quả hạch (hạt lanh, hạt điều, hạnh nhân, óc chó…). Bạn hãy tránh xa rượu, bia, thuốc lá và hạn chế cà phê, trà, chocolate. Đặc biệt, bạn cần hạn chế ăn mặn để tránh làm tăng huyết áp, tăng áp lực cho tim và có thể khiến cho bệnh hở van nặng hơn.
- Vận động thường xuyên: Vận động với cường độ nhẹ như đi bộ, chăm sóc cây cảnh, làm vườn… cũng giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Thói quen vận động còn giúp bạn giảm căng thẳng trong cuộc sống, khỏe hơn, ngủ ngon và ăn ngon miệng hơn. Bạn có thể chọn một số môn thể thao tốt cho tim mạch như bơi lội, yoga, đi xe đạp…
- Kiểm soát stress: Sức khỏe tâm lý bất ổn cũng là một yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến bệnh tim mạch. Bạn cần giảm bớt áp lực trong công việc và học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, nóng giận, căng thẳng… Hãy cho phép bản thân thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi và tránh mang việc về nhà.
Hở van động mạch chủ 1/4 tưởng “nhẹ” hóa ra không nhẹ khi bạn chủ quan không điều trị ngay từ ban đầu. Nếu biết cách kết hợp sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống vthì bạn mới có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Trị bệnh càng sớm, bạn càng giảm nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm!
[embed-health-tool-heart-rate]