Nhiều bà mẹ đưa con đến khám tại phòng khám dinh dưỡng – 70 Nguyễn Chí Thanh cho biết dù đã tẩm bổ cho con rất nhiều chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của các cháu nhưng càng tẩm bổ thì tác dụng lại càng ngược lại, con vẫn không tăng cân nặng và chiều cao trong một thời gian dài, thậm chí còn bị giảm cân và suy dinh dưỡng. Vậy nguyên nhân do đâu? Thực ra đây là 1 số dấu hiệu kém hấp thu chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.
1. Kém hấp thu là gì?
Bình thường, các men tiêu hoá trên bề mặt thành ruột giúp biến đổi các chất dinh dưỡng từ thức ăn thành các phần tử nhỏ hơn để qua được thành ruột vào máu và đến các tế bào, các cơ quan để hỗ trợ thực hiện các chức năng duy trì sự sống, xây dựng và phát triển cơ thể. Do đó, kém hấp thu là tình trạng cơ thể không có khả năng hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hoá vào dòng máu.
2. Nguyên nhân kém hấp thu ở trẻ nhỏ
– Nhiễm ký sinh trùng đường ruột: giun, sán, amip…
– Thừa hoặc thiếu vi chất: kẽm, canxi…
– Chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng.
– Loạn khuẩn đường ruột (hay gặp ở trẻ sau thời gian điều trị dài ngày bằng kháng sinh), thiếu men tiêu hoá.
– Rối loạn dung nạp lactose.
– Bệnh lý của tuỵ, gan, túi mật…
– Tình trạng dư thừa lớp màng nhầy bao phủ niêm mạc ruột
3. Dấu hiệu kém hấp thu ở trẻ nhỏ
– Tiêu chảy, táo bón, nôn mửa kéo dài, khó tiêu hoặc thay đổi tính chất phân (phân nhạt màu, phân sống, lượng phân nhiều, lỏng nát và không thành khuôn, hoặc khi thành khuôn nhưng mùi thối khẳn).
– Yếu cơ, co rút cơ bắp, da khô, tóc khô dễ gãy rụng.
– Mệt mỏi, chậm phát triển thể chất, chậm lớn, chậm tăng cân thậm chí giảm cân.
4. Hậu quả do kém hấp thu
Kém hấp thu <=> Suy dinh dưỡng nặng hơn, giảm khả năng miễn dịch, dễ mắc bệnh nhiễm trùng
5. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ kém hấp thu dưỡng chất
– Chế độ ăn cân đối, đủ chất dinh dưỡng
– Chia bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa trong ngày
– Thức ăn phải được nấu chín, loãng, dễ tiêu…
– Không ăn thức ăn sống, lạnh, khó tiêu, đồ nhiều béo ngọt
– Không ép trẻ ăn quá nhiều các chất đạm và béo (đây là nguyên nhân khiến cho hệ thống tiêu hoá của bé bị quá tải).
– Cho trẻ vận động chơi đùa nhiều, không bế ẵm nhiều.
6. Phòng ngừa kém hấp thu ở trẻ nhỏ
– Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
– Nếu phải cai sữa sớm thì dùng thêm sữa công thức phù hợp với tháng tuổi.
– Nếu bị dị ứng sữa bò thì nên đi khám dinh dưỡng để bác sỹ tư vấn.
Bs. Hoàng Ngọc Anh- Phòng khám dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh