Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng huyết áp của mình thường có khuynh hướng sẽ tăng cao bất thường khi đến phòng khám hoặc bệnh viện để thăm khám với bác sĩ, trong khi ở nhà lại bình thường chưa? Tình trạng này khá thường gặp trong cộng đồng và được gọi là hội chứng áo choàng trắng. Tăng huyết áp áo choàng trắng thường không phải là vấn đề đáng lo ngại hoặc cần điều trị khẩn cấp, nhưng lại có thể bị nhầm lẫn với chứng tăng huyết áp thực sự nếu không được chẩn đoán cẩn thận.
Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu lý do tại sao hội chứng áo choàng trắng xảy ra, cách chẩn đoán và điều trị để kiểm soát huyết áp hiệu quả lâu dài trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng là gì?
Bệnh tăng huyết áp áo choàng trắng, hay hội chứng áo choàng trắng là tình trạng huyết áp cao trên 140/90mmHg tại bệnh viện hoặc phòng khám của bác sĩ nhưng khi đo tại nhà thì chỉ số huyết áp vẫn bình thường. Thuật ngữ “áo choàng trắng” bắt nguồn từ màu sắc của chiếc áo blouse truyền thống mà bác sĩ hay mặc khi khám bệnh. Sự lo lắng khi ở gần bác sĩ có thể khiến huyết áp của bạn tăng cao tạm thời. Khoảng gần 20% chúng ta gặp phải tình trạng này.
Trung bình, chỉ số huyết áp tâm thu có xu hướng tăng khoảng 10 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương tăng khoảng 5 mmHg khi ở phòng khám so với ở nhà, thậm chí, một vài trường hợp huyết áp có thể tăng lên đến 30 mmHg.
Bạn có thể quan tâm: Giải đáp huyết áp cao nhất là bao nhiêu?
Hội chứng áo choàng trắng có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp áo choàng trắng do căng thẳng tại phòng khám có thể chỉ là tạm thời và không phải là vấn đề đáng lo ngại nếu huyết áp tự trở lại mức bình thường sau khi rời phòng khám.
Tuy nhiên, tăng huyết áp áo choàng trắng có thể nguy hiểm bởi theo thống kê, hàng năm, có khoảng 5% người mắc hội chứng áo choàng trắng được chẩn đoán tăng huyết áp thật sự. Những người bị tăng huyết áp áo choàng trắng cũng có thể có chỉ số huyết áp khuynh hướng cao hơn một chút so với người không mắc hội chứng này. Vì vậy, nguy cơ bệnh tim mạch tiềm ẩn của họ cũng cao hơn người khác. Một nghiên cứu trên 60.000 bệnh nhân bị tăng huyết áp áo choàng trắng cho thấy những bệnh nhân không được điều trị có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 36%, nguy cơ tử vong tăng 33% và nguy cơ tử vong do bệnh tim tăng 109%.
Hội chứng áo trắng có liên quan đến:
- Xơ cứng động mạch
- Chức năng thành mạch máu kém hơn
- Nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn
- Nguy cơ bị phì đại tâm thất trái cao hơn .
- Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp thật sự cao hơn.
Tăng huyết áp áo choàng trắng cũng gây ảnh hưởng khoảng từ 15 đến 30% những người đã được chẩn đoán huyết áp cao mặc dù những người không bị cao huyết áp cũng có thể mắc phải tình trạng này.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tăng huyết áp áo choàng trắng
Nếu bạn bị tăng huyết áp áo choàng trắng, bạn có thể cảm thấy lo lắng khi đến phòng khám hoặc bệnh viện để gặp bác sĩ. Cảm giác lo lắng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn đối diện trực tiếp với bác sĩ và tiến hành đo huyết áp.
Cơ thể bạn có thể phản ứng với việc kiểm tra huyết áp khi bạn quá lo lắng về kết quả. Đây giống như phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” của chúng ta khi cảm thấy nguy hiểm đang đến gần.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng
Huyết áp của một người có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó, tâm lý lo lắng hoặc căng thẳng hơn khi ở bệnh viện hoặc phòng khám có thể khiến huyết áp tăng cao đột ngột. Bởi khi cơ thể căng thẳng hoặc sợ hãi, trí não sẽ kích thích tiết ra một loại hormone khiến tim đập nhanh hơn và mạch máu co lại, làm huyết áp tăng lên.
Bạn có thể quan tâm: Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp để kiểm soát hiệu quả
Các yếu tố nguy cơ
Những người có nhiều khả năng mắc hội chứng áo choàng trắng bao gồm:
- Trên 50 tuổi
- Phụ nữ
- Bị béo phì
- Hút thuốc lá
- Từng có cơn nhồi máu cơ tim
- Mắc bệnh tiểu đường
- Ít hoặc không thường xuyên hoạt động thể chất
- Căng thẳng thường xuyên
- Uống nhiều rượu, bia hoặc đồ uống có cồn
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Mắc bệnh huyết áp cao.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào giúp chẩn đoán hội chứng áo choàng trắng?
Bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng áo choàng trắng khi bạn có ít nhất ba lần đo huyết áp tại phòng khám cho kết quả cao hơn bình thường. Bạn cũng cần phải đeo máy đo huyết áp lưu động tại nhà để theo dõi huyết áp liên tục trong 24 giờ. Chỉ số huyết áp chính xác sẽ cho biết liệu bạn có cần điều trị hay không.
Tăng huyết áp áo choàng trắng được chẩn đoán là khi chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên tại phòng khám nhưng kết quả đo huyết áp lưu động 24 giờ tại nhà thì dưới 135/85 mmHg.
Những phương pháp điều trị bệnh tăng huyết áp áo choàng trắng
Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp áo choàng trắng sẽ không cần phải điều trị nếu huyết áp của bạn bình thường ở nhà. Bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra huyết áp thường xuyên để đảm bảo rằng bạn không bị cao huyết áp thực sự.
Bác sĩ thường chỉ điều trị tăng huyết áp áo choàng trắng nếu bạn có các nguy cơ tim mạch khác đi kèm. Đồng thời, người bệnh cũng cần tư vấn tuân thủ một số biện pháp thay đổi lối sống, chẳng hạn như:
- Tập thể dục thường xuyên hơn
- Giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục
- Giảm lượng muối trong chế độ ăn
- Bỏ hút thuốc lá.
- Hạn chế rượu bia, cà phê hay sử dụng các chất kích thích nói chung.
Bạn có thể quan tâm: Người bị huyết áp cao nên làm gì?
Những người có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim có thể cần dùng thuốc huyết áp (thuốc hạ huyết áp). Các loại thuốc được sử dụng phổ biến để giúp kiểm soát huyết áp là:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
- Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB)
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc chẹn adrenergic.
Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng có tự khỏi không thì câu trả lời là nó thường không tự biến mất. Kể cả sau này, khi đi khám bệnh với tâm trạng hoàn toàn thoải mái nhưng tình trạng tăng huyết áp tại phòng khám và bệnh viện vẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng tránh tăng huyết áp áo choàng trắng?
Giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn khi đến phòng khám là cách khắc phục và phòng tránh tăng huyết áp áo choàng trắng mà bạn nên thực hiện. Chẳng hạn như:
- Xây dựng kế hoạch thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm.
- Khi cần kiểm tra huyết áp tại phòng khám, hãy đến sớm vài phút và dành thời gian để ngồi yên lặng, bình tĩnh và thư giãn trước khi thăm khám.
- Không hút thuốc lá, uống cà phê hoặc tập thể dục trong khoảng 30 phút trước khi đến phòng khám.
- Tự tin nói chuyện và trao đổi với bác sĩ để tạo sự thoải mái hơn trong quá trình thăm khám.
- Nếu không cảm thấy thoải mái tại phòng khám này, bạn có thể tìm một địa chỉ phòng khám khác để cho mình cơ hội thay đổi môi trường.
[embed-health-tool-heart-rate]