Bệnh nhân chấn thương cột sống (hay tủy sống) sẽ đối mặt với rất nhiều trở ngại trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Chấn thương này có thể gây ra biến chứng trên cả thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn,… Để ngăn chặn chúng, cần có kế hoạch để chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống phù hợp.
Người bị chấn thương gây tổn thương tủy sống có thể liệt tứ chi hoặc liệt thân dưới – tùy vào vị trí tủy sống tổn thương. Họ sẽ không thể đi lại và gặp khó khăn với các cử động khác, cản trở sinh hoạt thường ngày. Do đó cần có kế hoạch hỗ trợ để chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống.
1. Chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống
Quá trình phục hồi sau chấn thương cột sống là khác nhau ở mỗi người tùy, vào mức độ chấn thương và cách chăm sóc bệnh nhân. 6 tháng đầu tiên sau chấn thương thường có tốc độ phục hồi nhanh nhất, nhưng cũng có một số người mất từ 1-2 năm để hồi phục.
Phục hồi chức năng
Bạn có thể cần nhiều chuyên gia phục hồi chức năng như chuyên viên vật lý trị liệu, bác sĩ tâm lý và dinh dưỡng…
Ở giai đoạn đầu trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống, các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ tập trung vào việc duy trì và tăng cường chức năng của các nhóm cơ để bệnh nhân tái phát triển các kỹ năng vận động và thích nghi với sinh hoạt hằng ngày.
Tiếp theo, bạn sẽ được giải thích để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của chấn thương cột sống cũng như ngăn ngừa biến chứng do chấn thương nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra các nhà trị liệu cũng giúp bạn học làm quen một số thiết bị hỗ trợ để độc lập hơn trong hoạt động hàng ngày.
Thuốc men
Một số loại thuốc sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát các cơn đau và co cứng cơ, cải thiện chức năng bàng quang, ruột và chức năng tình dục. Chúng bao gồm các thuốc chống co cứng, kháng sinh nếu có nhiễm trùng (phổi, đường tiểu, da), vitamin (đặc biệt là vitamin A, C).
Dụng cụ và các công nghệ hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống
Hiện nay đã có nhiều các thiết bị giúp hỗ trợ bệnh nhân độc lập hơn trong quá trình phục hồi chức năng, chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống:
- Xe lăn cải tiến trọng lượng nhẹ hơn giúp bệnh nhân di chuyển thoải mái hơn.
- Máy tính và các thiết bị điện tử có tính năng điều khiển bằng giọng nói và điều khiển từ xa giúp bệnh nhân thuận tiện hơn nếu gặp phải các vấn đề về vận động tay.
- Hệ thống thiết bị kích thích điện có thể giúp bệnh nhân điều khiển tay, chân để đi, đứng và cầm nắm.
- Khung tập đi và nạng cũng là các dụng cụ giúp hỗ trợ cho bệnh nhân trong giai đoạn tập đi.
- Nẹp cổ chân giúp đề phòng biến dạng bàn chân.
- Một số dụng cụ trợ giúp ăn uống, tập vận động di chuyển.
2. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống nhằm cải thiện biến chứng
Dưới đây là một số biến chứng và cách để cải thiện các biến chứng này trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống:
Kiểm soát bàng quang
Tủy sống đóng vai trò giống như “người truyền tin” để não kiểm soát hoạt động lưu trữ nước tiểu ở bàng quang. Do đó khi tủy sống bị tổn thương, người bệnh bị giảm cảm giác mót đái và mất phản xạ co bóp bàng quang. Để tránh nguy cơ nhiễm trùng tiểu cần:
- Hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh bộ phận sinh dục và ống thông tiểu. Chỉ sử dụng ống thông tiểu vô trùng, được khử trùng trong nước ấm và lau sạch.
- Hướng dẫn cách đặt ống thông tiểu và đeo túi nước tiểu.
Kiểm soát ruột
Mặc dù dạ dày và ruột của bạn vẫn hoạt động bình thường nhưng nhu động ruột thường bị thay đổi, dễ gây táo bón. Chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng này. Ngoài ra đa số bệnh nhân bị tổn thương tủy sống đều mất khả năng rặn đại tiện và họ cần được hướng dẫn để phân ra ngoài.
Kiểm soát tuần hoàn
Chấn thương cột sống cũng có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn, điển hình là gây hạ huyết áp tư thế và phù các chi dưới. Bác sĩ thường đề xuất nghiệm pháp bàn nghiêng để hỗ trợ họ.
Lưu ý những tổn thương ảnh hưởng tuần hoàn có thể gây huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi. Tình trạng này cần được cấp cứu ngay.
Chăm sóc da do tổn thương thần kinh
Dưới từng mức độ chấn thương thần kinh cụ thể, bệnh nhân có thể mất một phần hoặc toàn bộ cảm giác ở da, khiến da bị lở loét do tì đè nhiều nhưng họ lại không phát hiện sớm. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống, cần lưu ý để giúp bệnh nhân thay đổi tư thế thường xuyên hơn (khoảng 2-3 giờ một lần), giữ gìn vệ sinh da sạch sẽ, sử dụng tấm đệm nằm hay đệm lót để chống lở loét.
Nếu có vùng da bị loét, cần nhân viên y tế hoặc người nhà (đã được hướng dẫn) để chăm sóc bệnh nhân chấn thương tủy sống, giúp họ rửa và giữ cho vết loét khô thoáng hằng ngày. Đồng thời dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Cải thiện chức năng hệ hô hấp
Đường thở của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng do chấn thương cột sống, chẳng hạn như không có khả năng ho và có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi. Hãy đặt 2 tay lên ngực họ rồi yêu cầu họ ho. Khi bệnh nhân ho thì ấn mạnh xuống ngực. Cẩn thận đừng dịch chuyển cột sống.
Chăm sóc hệ cơ xương khớp
Cả hệ cơ xương khớp đều sẽ bị ảnh hưởng do chấn thương cột sống. Cụ thể là cứng khớp; có nguy cơ cao bị loãng xương, gãy xương; co rút cơ hay teo cơ.
Một số bài tập kéo căng và giãn cơ sẽ hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân để hạn chế cứng khớp và co cứng cơ xảy ra. Các nhà vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân tập luyện từ giai đoạn phục hồi chức năng.
Chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống về mặt tinh thần
Trong thời gian đầu, người bệnh khó để chấp nhận những thay đổi trong sinh hoạt thường ngày. Hơn thế nữa, những cơn đau cũng gây mất tinh thần của họ.
Người chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống cần động viên, giúp đỡ người bệnh những công việc cần làm; từng bước nói rõ về bệnh tình của họ; tạo các trò chơi, hoạt động ngoài trời, du lịch,… để tránh buồn chán; giúp họ kết nối với những người bệnh khác và tạo điều kiện để họ được giúp đỡ người khác trong phạm vi có thể.
Hãy liên hệ ngay với bác sĩ tâm lý nếu phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu về hành vi loạn thần và trầm cảm. Họ sẽ giúp bệnh nhân nhận định vị trí, vai trò của mình trong xã hội và cuộc sống để hạn chế nguy cơ trầm cảm.
Đời sống tình dục
Nhiều bệnh nhân cảm thấy chất lượng đời sống tình dục bị suy giảm. Do biến chứng của chấn thương cột sống có khả năng ảnh hưởng đến quá trình cương dương, xuất tinh ở nam giới cũng như quá trình tiết dịch âm đạo ở phụ nữ. Người chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống đôi khi không phát hiện ra điều này. Nhưng nếu là vợ hoặc chồng của họ, bạn nên động viên để họ thoải mái hơn và biết rằng bạn luôn sẵn sàng cùng họ đối diện với khó khăn.
Nếu cảm thấy chấn thương cột sống thực sự là vấn đề ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục, có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.
Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống nhé!