TP HCMNgười đàn ông 55 tuổi, bị rối loạn cương khoảng một năm nay, đến bệnh viện khám nam khoa bất ngờ phát hiện bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ngày 29/10, bác sĩ Bùi Quốc Cường, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, cho biết bệnh nhân đến khám rối loạn cương, các xét nghiệm như công thức máu, chức năng gan, nội tiết tố nam, siêu âm hệ tiết niệu… đều trong giới hạn bình thường.
Tuy nhiên, các chỉ số đường máu, mỡ máu đều cao, siêu âm tim và đo điện tim nghi ngờ bệnh lý về tim mạch. Kết quả hội chẩn, bác sĩ chuyên khoa tim mạch xác định bệnh nhân bị tim thiếu máu cục bộ. Sau ba tháng phối hợp điều trị giữa bác sĩ nam khoa và tim mạch, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ.
Theo bác sĩ Cường, tim đóng vai trò quan trọng trong hệ tuần hoàn, cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể, bao gồm cả bộ phận sinh dục nam. Nếu có vấn đề với hệ tim mạch như tắc nghẽn động mạch hoặc bệnh động mạch vành, lưu lượng máu đến bộ phận sinh dục có thể suy giảm và dẫn đến rối loạn cương. Rối loạn chức năng cương và bệnh tim mạch là những vấn đề phổ biến thường gặp ở nam giới từ tuổi trung niên. Cả hai đều ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung cũng như “bản lĩnh” nam giới.
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy rối loạn cương ảnh hưởng đến khoảng 150 triệu nam giới toàn cầu. Tỷ lệ mắc rối loạn cương tăng theo độ tuổi, ảnh hưởng khoảng 2/3 nam giới trên 70 tuổi. Khi dân số thế giới già đi, dự kiến đến năm 2025, khoảng 300 triệu nam giới toàn cầu gặp tình trạng này.
Rối loạn cương thường do nguyên nhân suy giảm nội tiết tố testosterone, trầm cảm, stress do công việc học tập, hư tổn thành mạch máu… Ở nam giới trung niên và lớn tuổi, hầu hết rối loạn cương xuất phát từ tác nhân mạch máu. Thậm chí, một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh tim mạch cũng có thể gây ra rối loạn cương.
Thông thường trong giai đoạn sớm của bệnh lý tim mạch, các triệu chứng hầu như rất ít, khiến nam giới dễ bỏ qua và thờ ơ, lâu ngày dẫn đến tình trạng nặng hơn và ảnh hưởng các vấn đề khác, trong đó có rối loạn cương. Rối loạn cương tác động tiêu cực đáng kể đến bệnh nhân và bạn tình nên điều trị càng sớm càng tốt.
Các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng lipid máu, tiểu đường, béo phì, thiếu tập thể dục, hút thuốc lá, chế độ ăn uống kém, uống quá nhiều rượu và căng thẳng tâm lý, bao gồm cả trầm cảm đều gây bệnh tim mạch và rối loạn cương, song có thể phòng ngừa và thay đổi được. Do đó, khi nam giới gặp tình trạng rối loạn cương nên tầm soát các yếu tố nguy cơ về bệnh tim mạch và thay đổi lối sống nhằm giảm thiểu rủi ro, vừa duy trì hạnh phúc gia đình vừa có thể tăng tuổi thọ.
Lê Phương