Kích thước tiền liệt tuyến là một trong những yếu tố quan trọng giúp bác sĩ đánh giá được sức khỏe tuyến tiền liệt ở nam giới. Vậy, kích cỡ tuyến tiền liệt bình thường là bao nhiêu, khi phì đại là bao nhiêu. Và nếu tuyến tiền liệt có kích thước khác thường thì nên làm như thế nào?
Mời bạn cùng Bệnh lý tìm hiểu về tuyến tiền liệt và đi tìm lời giải đáp cho những vấn đề trên trong bài viết này nhé!
Tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một phần của hệ thống sinh sản ở nam giới và là tuyến phụ lớn nhất trong cơ thể của phái mạnh. Nó nằm dưới bàng quang và phía trước trực tràng, đồng thời bao bọc lấy đoạn niệu quản ngay phía dưới bàng quang. Tuyến tiền liệt sản xuất ra khoảng 30% tinh dịch, cung cấp năng lượng cho tinh trùng và kiểm soát hoạt động tiểu tiện của nam giới.
Tuyến tiền liệt bao gồm 70% mô và 30% sợi đệm, có dạng hình nón được bao bọc bằng vỏ fibrin, có đáy tựa vào đáy bàng quang và đỉnh ở dưới dính vào cân sinh dục tiết niệu.
Có thể bạn quan tâm: Vôi hóa tiền liệt tuyến
Kích thước tuyến tiền liệt bình thường là bao nhiêu?
Tuyến tiền liệt bình thường ở người trưởng thành nặng khoảng từ 15-25gram, kích thước trung bình là: chiều rộng 4cm, chiều dài 3cm, đường kính trước sau khoảng 2cm (3x4x2cm).
Kích thước tiền liệt tuyến phì đại
Tuyến tiền liệt là cơ quan duy nhất trong cơ thể phái mạnh có thể tiếp tục phát triển khi tuổi tác tăng lên. Tùy vào cơ địa, lối sống và sức khỏe của từng người mà sự phát triển kích thước của tuyến sẽ khác nhau. Nhìn chung, tuyến tiền liệt có thể bắt đầu phì đại khi nam giới bước vào tuổi 30 trở đi, và phổ biến nhất là sau 45 tuổi. Đến tuổi 50, tuyến này có thể nặng tới 30 gam, bắt đầu chèn ép vào niệu đạo và cản trở dòng chảy của nước tiểu, gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
Tiền liệt tuyến phì đại nặng từ 30-80gram, thậm chí có thể lên đến 100 gram đối với những người lớn tuổi. Tuyến tiền liệt lúc này sẽ có hình dạng như một quả cam hoặc quả bưởi nhỏ.
Bạn nên làm gì khi tuyến liệt tuyến quá to?
Khi kích thước tiền liệt tuyến quá to sẽ rất dễ dẫn đến các vấn đề ở niệu đạo, lúc này, nam giới sẽ cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời.
Để chẩn đoán bệnh về tuyến tiền liệt, kích thước không phải là yếu tố duy nhất được sử dụng mà còn phải dựa vào triệu chứng và nhiều yếu tố khác. Ở một số người, có thể có kích thước tiền liệt tuyến chỉ tăng nhẹ nhưng lại có triệu chứng đáng chú ý. Trong khi đó, vài người khác có tuyến tiền liệt rất to mà không hề có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào. Vì vậy, bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng và thăm khám lâm sàng thật cẩn thận để phân loại mức độ phì đại là nhẹ, trung bình hay nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể cần làm một vài xét nghiệm đánh giá chức năng thận, bàng quang và tầm soát nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Khi có được những kết quả này, bác sĩ mới đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Một số các lựa chọn điều trị khi nam giới có kích thước tuyến tiền liệt tuyến quá to như sau:
- Tuyến tiền liệt lớn với ít triệu chứng: Những bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt có thể có ít triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nếu chẩn đoán cho thấy rằng tuyến tiền liệt phì đại không gây hại cho cơ thể, bác sĩ có thể khuyên bạn chỉ cần áp dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật, bao gồm: thay đổi một số thói quen ăn uống và sinh hoạt, tập đi tiểu đúng giờ, không nhịn tiểu. Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định dùng thuốc làm giãn tuyến tiền liệt (tamsulosin) hoặc thu nhỏ tuyến tiền liệt (finasteride hoặc dutasteride).
- Kích thước tiền liệt tuyến lớn với các triệu chứng đáng kể: Đối với những bệnh nhân mắc phì đại tuyến tiền liệt với các triệu chứng ở mức độ trung bình hoặc nặng, phương pháp điều trị tối ưu thường là phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật chính bao gồm: mổ mở cắt tuyến tiền liệt, nội soi cắt bỏ tuyến tiền liệt thông qua đường niệu đạo, cắt đốt tuyến tiền liệt bằng laser.
Kích thước tuyến tiền liệt bình thường đồng nghĩa với sức khỏe tuyến tiền liệt không có vấn đề. Ngược lại, kích thước quá lớn là dấu hiệu của phì đại tuyến tiền liệt, cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh gây ra các vấn đề về niệu đạo hay sinh lý, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nam giới nên thường xuyên tầm soát sức khỏe tuyến tiền liệt kể từ khi bắt đầu bước vào tuổi trung niên.