Việc trẻ 20 tháng nhưng chưa biết nói có thể khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng vì sợ con chậm phát triển hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe khác. Nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ 20 tháng chưa biết nói và không phải nguyên nhân nào cũng đáng lo ngại.
Vậy mốc phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ 20 tháng tuổi như thế nào? Liệu tình trạng trẻ 20 tháng chưa biết nói có đáng lo ngại? Hãy cùng Sức khỏe tìm hiểu nguyên nhân và cách hỗ trợ con nếu bé thuộc trường hợp này nhé.
Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 20 tháng
Để tìm hiểu xem việc trẻ 20 tháng chưa biết nói có bình thường hay không, bố mẹ cần hiểu về mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Theo đó, vào khoảng 12 tháng tuổi, trẻ em có thể bắt đầu nói chuyện rõ ràng hơn. Những tiếng bập bẹ giờ đã trở thành những từ và cụm từ rõ rệt.
Trong những tháng tiếp theo, bé có thể kết nối các từ lại thành các câu ngắn, đồng thời vốn từ cũng đã khá phong phú. Ngoài ra, trẻ đã có thể nghe hiểu được hầu hết các mệnh lệnh đơn giản của người lớn. Nhìn chung, bé 20 tháng tuổi có thể:
- Nói những câu đơn giản hoặc đặt những câu hỏi ngắn như “Bố ơi, đi chơi” hay “Mẹ đâu rồi?”
- Thực hiện theo các mệnh lệnh, yêu cầu đơn giản từ bố mẹ và những người xung quanh
- Gọi tên các đồ vật thường gặp hàng ngày hoặc các bộ phận trên cơ thể
- Biết tên các con vật và đôi khi giả được tiếng kêu của chúng
- Ghép các từ ngữ lại thành cụm từ hoặc câu ngắn
- Nói nhiều từ mới hơn mỗi tuần, mỗi tháng…
Có thể bạn quan tâm
Nguyên nhân trẻ 20 tháng chưa biết nói
Bên trên là mốc phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ 20 tháng tuổi. Tuy nhiên, không phải bé 20 tháng tuổi nào cũng có thể đạt được mốc phát triển như vậy. Đa phần các trường hợp này không quá đáng ngại vì mỗi trẻ có tốc độ phát triển khác nhau nên bé có thể nói chậm hơn các bạn đồng trang lứa đôi chút.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc bé chậm nói, không nói được nhiều từ có thể là dấu hiệu của các vấn đề về cấu trúc cơ thể, vấn đề về khả năng nghe, các rối loạn phát triển hoặc vấn đề tâm lý. Lúc này, bố mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám để tìm ra nguyên nhân cụ thể và can thiệp kịp thời.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ 20 tháng chưa biết nói:
1. Chưa đạt được mốc phát triển ngôn ngữ như “con nhà hàng xóm”
Như đã đề cập, mỗi đứa trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Một số bé có thể nói nhiều và rõ hơn bình thường, trong khi một số bé khác lại nói ít hơn, vốn từ hạn chế hơn.
Theo một số chuyên gia, trẻ em có anh chị hoặc được bố mẹ áp dụng cách nuôi con gắn bó có thể nói chậm hơn những em bé khác. Điều này là do đôi khi anh chị lớn sẽ nói thay lời trẻ nhỏ hoặc bố mẹ đã biết rõ nhu cầu của bé và đáp ứng các nhu cầu đó trước khi bé kịp nói ra. Dù vậy, cả hai trường hợp điều không quá đáng ngại vì bé vẫn đang tiếp tục học hỏi từ môi trường xung quanh và có thể bắt kịp tốc độ phát triển như các bạn khác.
2. Gặp vấn đề về khả năng nghe (khiếm thính)
Trẻ 20 tháng chưa biết nói có thể do gặp phải các vấn đề về khả năng nghe hoặc thậm chí do khiếm thính. Việc không nghe được sẽ khiến bé không thể bắt chước lại âm thanh, lời nói nên sẽ không nói được.
Trên thực tế, việc xác định xem trẻ em có nghe tốt hay không thường khá khó khăn. Nhiều bố mẹ chỉ biết con gặp vấn đề về khả năng nghe khi thấy bé chậm nói. Nếu đến giai đoạn này mà bố mẹ thấy bé vẫn chưa nói được lời nào, không phản ứng lại với lời của người xung quanh hoặc phải hỏi lại nhiều lần mới hiểu rõ ý thì bố mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra thính lực. Đặc biệt nếu con bạn bị nhiễm trùng tai tái phát nhiều lần hoặc gia đình có tiền sử bị khiếm thính thì bạn nên đưa bé đi kiểm tra thính lực càng sớm càng tốt. Điều này giúp loại trừ các vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng nói của trẻ.
3. Có vấn đề ở các cơ quan phát âm
Nếu bạn nhận thấy con vẫn có thể nghe hiểu lời của mình, đồng thời nói được nhiều từ nhưng từ nói ra không rõ, khó nghe thì đó có thể là do cấu trúc miệng hoặc lưỡi của bé gặp vấn đề. Các vấn đề thường gặp ở cơ quan phát âm khiến trẻ 20 tháng chưa biết nói, nói không rõ, nói ngọng là:
- Tình trạng dính thắng lưỡi do thắng lưỡi ngắn, quá dày hoặc dính quá chặt vào sàn miệng làm hạn chế các chuyển động của lưỡi
- Hở hàm ếch xảy ra khi các mô ở môi và miệng không phát triển hoàn thiện
Ngoài những vấn đề cấu trúc, vấn đề về khả năng vận động ở những cơ quan này cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ 20 tháng tuổi chưa biết nói, nói không rõ. Các vấn đề về khả năng vận động thường xảy ra khi vùng não chịu trách nhiệm cho lời nói bị tổn thương, từ đó khiến việc phối hợp môi, lưỡi và hàm để tạo ra âm thanh, lời nói bị ảnh hưởng. Ngoài khó nói, trẻ gặp vấn đề về khả năng vận động các cơ quan phát âm cũng thường gặp khó khăn khi bú. Nếu nghi ngờ con có các vấn đề kể trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám.
4. Các rối loạn phát triển và vấn đề thần kinh
Chậm nói ở giai đoạn 20 tháng tuổi có thể là dấu hiệu cảnh báo cho các rối loạn phát triển, đặc biệt là chậm phát triển nhận thức và tự kỷ. Ngoài ra, các vấn đề ở não như dị tật bẩm sinh ở não, viêm màng não, bại não, di chứng xuất huyết não… có thể ảnh hưởng đến thùy não kiểm soát ngôn ngữ, lời nói và từ đó khiến trẻ khó nói, chậm nói.
5. Các vấn đề về tâm lý
Ngày nay, việc trẻ 20 tháng chưa biết nói do vấn đề tâm lý ngày càng gia tăng. Việc trẻ được cưng chiều quá mức, bị bỏ bê hoặc xảy ra biến cố ảnh hưởng đến tâm lý cũng có thể gây nên tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm
Trẻ 20 tháng chưa biết nói phải làm sao?
Nếu bé vẫn có thể bập bẹ, nghe hiểu lời bố mẹ nói nhưng hơi chậm trong việc nói chuyện, vốn từ còn ít thì bố mẹ có thể khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ của con bằng cách thường xuyên nói chuyện với bé.
Trong quá trình trò chuyện, bố mẹ hãy cố gắng sử dụng nhiều từ vựng khác nhau và thực hiện những hành động hoặc đưa ra các đồ vật để bé biết ý nghĩa của từ vựng đó. Đồng thời, bố mẹ cũng cần lắng nghe và phản hồi những âm thanh mà con tạo ra. Các chuyên gia sức khỏe cũng gợi ý thêm một số cách để giúp bố mẹ cải thiện khả năng nói của con:
- Dạy bé những từ đơn giản, dễ hiểu
- Bắt chước tiếng kêu của động vật và cho trẻ biết đó là tiếng kêu của loài vật nào
- Chơi ú òa hoặc các trò chơi dân gian khác với trẻ
- Đọc sách cho con nghe mỗi ngày
- Cùng bé hát các bài hát thiếu nhi
- Khen ngợi, động viên khi bé nói được từ mới hoặc một câu hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, một cách khác giúp bố mẹ khuyến khích con nói chuyện là đặt ra những câu hỏi mở, có nhiều lựa chọn để bé có thể phản hồi lựa chọn của mình. Chẳng hạn như, thay vì hỏi “Con có muốn uống nước không?” thì bố mẹ hãy hỏi “Con muốn uống sữa hay uống nước?”. Việc này sẽ giúp bé nói nhiều hơn cũng như biết thêm từ ngữ mới. Khi con trả lời, bạn hãy củng cố cuộc trò chuyện với con bằng những câu khẳng định như “Bố/mẹ biết rồi, bố/mẹ sẽ lấy nước cho con nhé”.
Trường hợp trẻ chậm nói do các vấn đề về khả năng nghe, vấn đề ở các cơ quan phát âm, rối loạn phát triển hoặc vấn đề tâm lý… thì bố mẹ cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị kịp thời. Khi được điều trị và hỗ trợ, trẻ có thể dần lấy lại được phần nào khả năng nói của mình.
Trẻ 20 tháng chưa biết nói có thể do khả năng phát triển ngôn ngữ của con chậm hơn các bạn khác và không quá đáng ngại. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, tình trạng trẻ chậm nói, không nói dù đã 20 tháng tuổi là dấu hiệu của nhiều vấn đề như vấn đề về khả năng nghe, vấn đề ở cơ quan phát âm, rối loạn phát triển, vấn đề tâm lý… Nếu nghi ngờ con gặp phải các vấn đề này, bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách hỗ trợ, điều trị kịp thời cho trẻ.
[embed-health-tool-child-growth-chart]