Đậu nành chứa protein, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa mạnh và hợp chất sinh học góp phần bảo vệ, cải thiện chức năng gan.
Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Vĩnh Bình, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một cốc (172 g) đậu nành luộc có khoảng 31 g protein. Lượng protein này góp phần lớn trong hoạt động của các enzyme và chuyển hóa lipid. Các vitamin, chất khoáng, hợp chất sinh học khác trong đậu nành cũng hỗ trợ giải độc, tăng cường chức năng hoạt động của gan.
Các loại protein chính trong đậu nành là glycinin, conglycinin, chiếm khoảng 80% tổng hàm lượng. Hai protein này tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid, cung cấp các axit amin thiết yếu, hỗ trợ quá trình tái tạo, phục hồi tế bào gan, từ đó cải thiện chức năng gan.
Giảm tổn thương gan nhờ hợp chất isoflavone có nhiều trong đậu nành. Isoflavone có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giảm stress oxy hóa gây tổn thương tế bào gan. Isoflavones còn có khả năng điều chỉnh quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis), bảo vệ tế bào gan khỏi các yếu tố gây hại.
Chuyển hóa chất béo trong gan nhờ vào lecithin được tìm thấy trong đậu nành. Hoạt chất này có tác dụng cải thiện quá trình tích lũy và chuyển hóa chất béo trong gan bằng cách tăng tổng hợp các lipoprotein giúp vận chuyển chất béo, từ đó làm giảm tích tụ mỡ ở gan. Bổ sung lecithin từ đậu nành còn làm giảm cholesterol toàn phần, giảm triglyceride, đồng thời tăng cholesterol tốt. Hợp chất này giúp thúc đẩy quá trình tái tạo màng tế bào, ngăn ngừa quá trình xơ hóa gan, cải thiện chức năng chuyển hóa của gan.
Chống viêm, góp phần bảo vệ tế bào gan khỏi các tác nhân gây hại như carbon tetrachloride nhờ hợp chất saponin có trong đậu nành. Saponin cũng có tác dụng chống oxy hóa và ức chế các chất độc như acetaldehyde, có nhiều sau khi uống rượu bia. Đây là chất gây viêm, tổn thương các tế bào gan, dẫn đến xơ gan.
Duy trì chức năng gan là vai trò của các vitamin E, K, B6 trong đậu nành. Vitamin E bảo vệ tế bào gan khỏi sự tổn thương do stress oxy hóa. Trong khi đó, vitamin K, B6 tham gia vào các quá trình sản xuất yếu tố đông máu, sản xuất mật, chuyển hóa protein và amino axit để duy trì chức năng của cơ quan này.
Bác sĩ Bình cho biết để có lá gan khỏe mạnh, mỗi người cần tuân thủ các nguyên tắc sống khoa học, hạn chế uống rượu và không hút thuốc. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, giàu rau củ quả và đạm. Thường xuyên luyện tập thể dục, khám sức khỏe định kỳ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Tăng cường bổ sung các loại hoạt chất chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên góp phần tăng cường chức năng gan. Những tinh chất chiết xuất từ wasabia và s.marianum thiên nhiên hỗ trợ kiểm soát tế bào kupffer tăng cường khả năng chống độc, giải độc gan.
Đình Diệu
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |