Trẻ bị lõm ngực cần được phẫu thuật ở độ tuổi 8-14 để tránh chèn ép tim và phổi, khi xương lồng ngực còn mềm và dễ tạo hình.
Lõm ngực bẩm sinh là tình trạng ngực bị lõm xuống do sự phát triển bất thường của một số xương sườn, xương ức. Đây là bệnh lý phổ biến trong biến dạng lồng ngực bẩm sinh ở trẻ, xảy ra ở nam nhiều hơn nữ. Nguyên nhân chủ yếu là do dị tật bẩm sinh, di truyền.
Trẻ được phát hiện bệnh ngay sau sinh hoặc khi đến tuổi dậy thì. Bệnh ở mức độ nhẹ thường không biểu hiện triệu chứng, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh nặng gây đau, khó thở, khi trẻ hoạt động thể lực sẽ căng cơ hoặc chèn ép tim – phổi, đẩy tim sang bên trái lồng ngực và làm giảm khả năng bơm máu. Lõm ngực bẩm sinh còn gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, khiến trẻ thiếu tự tin, ngại giao tiếp.
Với trẻ bị lõm ngực nhẹ, bác sĩ hướng dẫn các bài tập giúp cải thiện tư thế và hình dáng ngực. Trẻ bị lõm xương ức có các triệu chứng từ trung bình đến nặng có thể được phẫu thuật sửa chữa.
Ngày 12/8, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lõm ngực không phải là bệnh lý cần điều trị ngay. Độ tuổi phù hợp để phẫu thuật là 8-14 tuổi khi xương lồng ngực còn mềm, tạo hình dễ dàng, khả năng phục hồi nguyên dạng cao, ít gây đau đớn. Nếu điều trị muộn hơn khi khung xương đã định hình, dù có gây tê hoặc gây mê hỗ trợ, bệnh nhi vẫn đau nhiều.
Theo bác sĩ Trọng, mùa hè là thời điểm tốt để phẫu thuật do trẻ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sau mổ, không ảnh hưởng đến học tập. Mùa hè khô ráo, trẻ mặc quần áo rộng rãi có thể giảm cảm giác khó chịu, đau đớn do cọ xát vào vết thương sau phẫu thuật. Ghi nhận của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca phẫu thuật lõm ngực ở trẻ tăng hơn 50% so với tháng trước.
Có hai phương pháp phẫu thuật lõm ngực là phẫu thuật mở (Ravitch) và phẫu thuật nội soi nâng ngực (Nuss). Nuss là phương pháp xâm lấn tối thiểu với chỉ hai vết mổ rất nhỏ ở hai bên ngực. Phương pháp này có sự hỗ trợ của máy nội soi giúp bác sĩ đặt thanh kim loại vào lồng ngực mà không gây tổn hại đến tim, mạch máu. Người bệnh hầu như không mất máu, ít đau đớn, không gây tổn thương xương ức, thời gian hồi phục nhanh, tính thẩm mỹ cao. Bệnh nhân có thể xuất viện sau 4-5 ngày, tỷ lệ biến chứng thấp. Sau đó, bệnh nhân cần tái khám theo chỉ định và được rút thanh nâng ngực sau 2-3 năm (tùy theo lứa tuổi) và kết thúc quá trình điều trị.
Đơn cử Hương, 15 tuổi, bị lõm ngực bẩm sinh. Bệnh khiến em thường xuyên khó thở, hụt hơi và không thể tập thể dục. Lớn lên Hương tự ti khi thấy sự khác biệt về ngoại hình của mình so với bạn cùng trang lứa.
Đầu tháng 6, gia đình đưa Hương đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Cột sống ngực của Hương bị vẹo nhẹ sang phải. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực đặt thanh dụng cụ nâng ngực. Bác sĩ mở hai đường nhỏ phía trước bên thành ngực, đưa thanh kim loại vào, xoay 180 độ lên trên giúp đẩy xương ức phồng lên, cố định vào khung sườn. Hương được theo dõi và xuất viện sau 5 ngày, cần tập vật lý trị liệu tại nhà theo lời dặn của bác sĩ.
Còn Ngọc, 13 tuổi, thường xuyên bị thở mệt, hoạt động khó khăn do bị lõm ngực lệch tâm bên phải dạng phẳng và vẹo phải cột sống ngực. Bác sĩ tư vấn chưa cần phẫu thuật ngay, vì vậy gia đình đợi đến hè để đưa em mổ.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |