Tôi thường xuyên mất khứu giác, uống thuốc kháng sinh thì mũi có thể ngửi mùi, hết thuốc lại mất mùi.
Tình trạng mất khứu giác của tôi có thể chữa khỏi hoàn toàn không? (Hùng Duy, 60 tuổi, Đồng Tháp)
Trả lời:
Mũi người có khoảng 100 triệu tế bào thần kinh khứu giác và khoảng 1.000 loại thụ thể thần kinh khứu giác. Mỗi thụ thể thần kinh phân tích, tiếp nhận một số mùi, sau đó chuyển tín hiệu về não để xác định mùi.
Mất khứu giác là tình trạng không ngửi được một hay nhiều mùi, có thể mất một phần hoặc toàn hoàn, tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy nguyên nhân. Người bị mất khứu giác một phần thường chỉ ngửi được mùi hương mạnh như vỏ cam, quýt, còn mất khứu giác hoàn toàn không ngửi thấy bất cứ mùi gì. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, có thể kèm theo giảm vị giác, ăn uống kém, mệt mỏi, sút cân.
Mất mùi tạm thời có thể do tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng vùng mũi xoang. Ngược lại, mất khứu giác vĩnh viễn thường do tổn thương tế bào thụ thể thần kinh khứu giác, chấn thương não, tổn thương vùng não xử lý mùi. Các bệnh vùng mũi xoang như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang cấp hoặc mạn tính, polyp mũi, làm niêm mạc mũi xoang viêm, phù nề, cũng có thể dẫn đến mất mùi.
Bệnh hay gặp ở người cao tuổi do tổn thương các thụ thể thần kinh khứu giác, tích lũy từ nguyên nhân nhiễm trùng hoặc các tác nhân khác trong suốt cuộc đời. Các bệnh thoái hóa thần kinh gặp ở người lớn tuổi như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson cũng làm cho thụ thể này hoặc vùng cảm nhận mùi hương trên não bị ảnh hưởng. Lúc này, người bệnh bị mất mùi nặng hơn hoặc mất khứu giác hoàn toàn.
Nếu nguyên nhân do cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm xoang cấp tính, đa số người bệnh tự hồi phục khứu giác sau vài ngày. Khi tình trạng mất mùi kéo dài, người bệnh cần đến bác sĩ để được khám và điều trị.
Người bệnh bị giảm khứu giác có thể đáp ứng tốt với điều trị. Trong một số trường hợp có thể hồi phục bằng dùng thuốc và luyện tập ngửi mùi hương như gừng, vỏ cam chanh, tinh dầu tràm khoảng hai lần mỗi ngày, mỗi lần 20-30 giây. Ngoài ra, người bị polyp mũi hoặc u vùng mũi xoang có thể cần phải phẫu thuật.
Khả năng hồi phục khứu giác phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và sự đáp ứng của người bệnh với điều trị. Trong trường hợp của bác, bác nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám, nội soi tai mũi họng kiểm tra. Bác sĩ có thể chỉ định bác chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) thêm để chẩn đoán (nếu cần), xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Phòng ngừa mất khứu giác bằng cách bảo vệ đường hô hấp khỏi tình trạng viêm nhiễm như vệ sinh mũi 1-2 lần một ngày bằng nước muối sinh lý, hạn chế đến nơi khói bụi, tiếp xúc với chất hóa học độc hại, không hút thuốc lá.
ThS.BS.CKI Trương Minh Thịnh
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |