Khi bị táo bón, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được sự khó chịu và bắt đầu tìm kiếm các phương pháp điều trị. Nhưng khi trẻ 4 tuổi bị táo bón, mẹ có thể sẽ mất nhiều thời gian để phát hiện tình trạng này, do trẻ còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình và nên nói với cha mẹ như thế nào.
Vậy nên, hãy cùng Sức khỏe tìm hiểu cách nhận biết dấu hiệu trẻ 4 tuổi bị táo bón và biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết bên dưới nhé.
1. Làm thế nào để biết trẻ đang bị táo bón?
Triệu chứng bị táo bón ở trẻ không khác gì nhiều so với người lớn. Sau đây là những triệu chứng giúp cha mẹ nhận biết trẻ bị táo bón:
- Cách vài ngày trẻ mới đi tiêu một lần
- Phân cứng, khó đi hoặc trẻ có thể phải rặn mạnh, khóc khi đi tiêu
- Trẻ có thể bị đau khi đi tiêu nên thường tránh né việc đi vệ sinh
- Đau bụng, đầy hơi và trẻ cảm thấy khó chịu khi cha mẹ chạm vào bụng
- Chảy máu hậu môn, mẹ có thể thấy máu trên giấy vệ sinh hay phân của bé
- Kén ăn
- Trẻ hay cáu kỉnh, khó chịu.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể quan sát quá trình đi vệ sinh của con, trẻ có thể bắt chéo chân, vươn vai, bấu chặt mông hoặc vặn người trên sàn, nhìn giống như tư thế đang cố gắng đẩy phân ra ngoài.
2. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ 4 tuổi
Hệ tiêu hóa của trẻ 4 tuổi vẫn chưa phát triển hoàn thiện, vậy nên, có rất nhiều lý do dẫn đến trẻ bị táo bón. Sau đây là một vài lý do có thể kể đến như:
- Chế độ ăn: Những thay đổi so với chế độ ăn hằng ngày hoặc thiếu chất xơ, chất lỏng trong khẩu phần ăn của trẻ, cũng có thể gây táo bón.
- Bệnh: Việc sử dụng một số loại thuốc điều trị cũng có thể làm trẻ bị táo bón. Khi bị cảm, chán ăn, dẫn đến sự thay đổi so với hoạt động ăn uống bình thường cũng khiến trẻ bị táo bón.
- Nín nhịn đại tiện: Trẻ có thể mải mê một cái gì đó và quên đi đại tiện, vì hoạt động của trẻ 4 tuổi thường rất phong phú như chơi với thú cưng, xem hoạt hình hay vui chơi với bạn. Ngoài ra, trẻ có thể nín nhịn đi đại tiện vì tránh bị đau do phân cứng hay không thoải mái khi đi vệ sinh nơi công cộng.
- Các thay đổi khác: Bất kỳ thay đổi nào trong thói quen sinh hoạt của trẻ như đi du lịch, thời tiết nóng hoặc các tình huống căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và hoạt động của ruột.
3. Trẻ 4 tuổi bị táo bón, mẹ nên chăm sóc ra sao?
Nếu không được điều trị, tình trạng táo bón sẽ ngày càng nghiêm trọng, phân ở bên trong đường ruột càng lâu, khối phân càng lớn, rắn chắc và khô hơn. Điều này làm cho việc đi đại tiện trở nên khó khăn và đau đớn hơn. Vậy nên, mẹ hãy lưu ngay những cách chăm sóc dưới đây để áp dụng khi nhận thấy các dấu hiệu trẻ 4 tuổi bị táo bón:
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: Việc uống nhiều nước có thể làm mềm phân và giúp việc đi ngoài dễ dàng hơn.
- Tập thể dục: Mẹ hãy động viên và cỗ vũ trẻ và cùng trẻ tập thể dục mỗi ngày. Các hoạt động thể chất giúp kích thích tiêu hóa và giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón.
- Cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ giúp giữ cho ruột hoạt động tốt bằng cách di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa với tốc độ ổn định. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ như táo, lê, đậu Hà Lan, chuối, cá loại rau ăn lá (rau mồng, rau dền, rau cải…)… mà mẹ có thể bổ sung thêm vào chế độ ăn cho trẻ.
- Khích lệ và khen thưởng: Mẹ có thể khen ngợi trẻ hay cho trẻ phần thưởng nhỏ khi con đi vệ sinh đúng giờ, uống nước đầy đủ hay không mê chơi mà quên đi vệ sinh… Những phần thưởng này giúp trẻ có động lực và đi vệ sinh đúng giờ/đúng lúc hơn.
- Sử dụng sáp dầu khoáng: Mẹ có thể bôi một ít vaseline xung quanh hậu môn của con để giúp bôi trơn, hỗ trợ quá trình đi tiêu. Nếu tình trạng táo bón gây ra các vết nứt trên da ở trong và xung quanh hậu môn, hãy thoa một ít kem trị hăm tã để giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương.
- Sử dụng thuốc: Trẻ từ 4 tuổi trở lên có thể uống một số loại thuốc nhuận tràng để làm mềm phân và giảm táo bón. Tuy nhiên, mẹ không nên tùy ý cho trẻ sử dụng mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước nhé.
- Đưa con đi khám: Nếu tình trạng táo bón kéo dài hơn 2 tuần và có những biểu hiện như từ chối ăn, sưng bụng, giảm cân, sốt… rất có thể trẻ đã bị táo bón nặng. Do đó, cha mẹ hãy dẫn trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.
4. Lưu ý khi điều trị táo bón cho trẻ ở nhà
Con chúng ta chỉ là một đứa trẻ 4 tuổi và rất nhiều vấn đề chúng không thể nhận biết hay tự kiểm soát được. Vậy nên, mẹ hãy lưu ý vài điều dưới đây khi muốn ngăn ngừa hay điều trị táo bón cho trẻ:
- Đừng tức giận: Việc la mắng hoặc bắt ép con làm điều gì đó chỉ có thể khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng mà thôi. Thay vì tức giận vì con đại tiện dính quần thì hãy bình tĩnh, dẫn trẻ vào phòng tắm, xả sạch đồ và hướng dẫn cho con nếu lần tới muốn đi vệ sinh thì con nên làm gì.
- Bắt trẻ ngồi trong toilet đến khi trẻ đại tiện: Chuyển động ruột sẽ hoạt động khi cơ thể đã sẵn sàng. Vậy nên, thay vì để con ngồi trên bồn cầu và ép chúng “cố gắng”, hãy lưu ý một vài dấu hiệu chúng muốn đi vệ sinh và mẹ có thể đưa trẻ vào nhà vệ sinh để con được thoải mái.
- Không cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm gây táo bón: Việc ăn quá nhiều đường và carbohydrate tinh chế (như bánh mì trắng, mì ống và cơm) được coi là thủ phạm gây táo bón ở trẻ.
Táo bón ở trẻ em thường không liên quan đến những bệnh lý nghiêm trọng khác và mẹ hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà cho trẻ. Hy vọng qua bài viết mẹ có thể nhận biết được dấu hiệu trẻ 4 tuổi bị táo bón và có thể tự tay chăm sóc con yêu của mình.
[embed-health-tool-vaccination-tool]