Mùa dịch Covid-19, dù được cơ quan tạo điều kiện, nhiều bậc cha mẹ vẫn có lúc phải để con ở nhà một mình do các bé nghỉ học dài hạn và không được học thêm, không đến các lớp phụ đạo, năng khiếu như trước đây.
Ảnh minh họa |
Cô Trish Summerfield, một chuyên gia quốc tế về phát triển con người, cho biết rằng tâm trí của con người nói chung và trẻ em nói riêng thường không hiểu từ “không”. Vì vậy, khi cha mẹ nhấn mạnh những gì không nên làm thì lại vô tình khiến trẻ dễ có khuynh hướng làm đúng như những gì cha mẹ bảo không nên!
Cô Trish đưa ví dụ trên thực tế, có hai đứa trẻ đang trèo cây chơi, một phụ huynh bảo: “Bám chắc vào”, phụ huynh khác bảo: “Cẩn thận, không được ngã”. Đứa bé mà phụ huynh bảo: “Không được ngã” cuối cùng lại ngã.
Vì vậy, khi dặn dò con, phụ huynh có thể tập trung vào việc trẻ cần làm gì. Vì trẻ con dễ chú ý đến trò chơi và hay quên, nên chị Phương Dung (Q.2) đã dùng cách viết ngắn gọn những dặn dò của mình ra giấy đính trên bảng thông báo của gia đình, ghi chú điều 1, điều 2…
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh rất lo lắng và cảnh báo nhiều nguy cơ cho con khi ở nhà một mình trong tâm trạng lo sợ ấy. Tâm trạng của phụ huynh vì vậy sẽ tác động đến trẻ, khiến nhiều trẻ cũng sợ hãi việc ở nhà một mình và không thể tự lập được. Trước tiên, khi bắt buộc phải để trẻ ở nhà một mình, phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ những gì cần làm cho con.
Chị Thanh Biên (Q.Bình Thạnh) chuẩn bị thức ăn, ghi chú số điện thoại để con liên lạc khi cần… Chị Biên cũng tin cậy con, tự giải tỏa áp lực cho mình. Chị trấn an con, khiến con tự tin và xem đây là cơ hội được trưởng thành, tự lập.
Ảnh minh họa
Khi gọi điện hỏi thăm con, chị Biên tế nhị không để trẻ có cảm giác cha mẹ quá lo lắng hay không tin cậy mình, làm giảm lòng tự trọng của trẻ.
Vào lúc chưa cần thiết phải để trẻ ở một mình một ngày, phụ huynh có thể thử để trẻ một mình vài ba tiếng đồng hồ. Sau đó tăng dần thời lượng để cả cha mẹ và con cái đều tự tin và tin tưởng nhau khi trẻ phải ở một mình từ một đến vài ngày.
Khi sinh hoạt trong gia đình, nhiều phụ huynh như gia đình anh Lộc – chị Dung (Q.2) cũng hướng dẫn trẻ những điều cần thiết như an toàn về điện, cách tự nấu ăn, kiểm tra cửa, cách tự mua thức ăn, vệ sinh nhà cửa… Nhờ vậy, anh chị hoàn toàn yên tâm vào những lúc phải để con ở nhà một mình.
Khi trẻ có thể vẫn bình an, ăn uống đầy đủ và chăm sóc nhà cửa tốt lúc cha mẹ đi vắng, đó sẽ là phần thưởng quý giá cho cả gia đình, bởi đó là sự tự lập và trưởng thành ở trẻ.