Những ngày hè nóng bức, với nhiệt độ cao 40-41ᵒC đe dọa tới sức khỏe , ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Để bảo vệ sức khỏe nhất là cho trẻ nhỏ, các mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
I. Nước và vai trò của nước uống với cơ thể
1. Uống nước như thế nào?
Mùa hè nóng bức, ra nhiều mồ hôi khiến cơ thể mất nước, mất điện giải. Tuy nhiên không phải uống nhiều nước là tốt, người bị suy tim mà uống nhiều nước thì suy càng nặng hơn.
Uống nước hợp lý trong mùa hè rất quan trọng, tùy cơ địa từng người, bình thường cần uống 1-1.5 lít nước trong một ngày( tùy theo lứa tuổi, trọng lượng cơ thể), mùa hè thường phải uống gấp đôi, uống nước tới ngưỡng thấy không hấp thụ được thì không nên tiếp tục. Khi khát, uống nước tinh khiết là lựa chọn tốt nhất. Vi khuẩn trong nước tinh khiết đã bị diệt sạch trong quá trình xử lý. Các nguyên tố vi lượng còn giữ lại trong nước như calcium, magie… rất tốt cho cơ thể. Sau khi ngủ dậy, nên uống nước nhưng chỉ dùng nước lọc, không nên uống nước ép trái cây, nước có gas… Theo phân tích, nước ngọt, nước có gas… chứa acid citric làm tăng bài tiết calcium… gây hại cho sức khỏe và tăng sự phát triển của trẻ.
2. Uống nước ở nhiệt độ nào là hợp lý?
Uống một ly nước lạnh sau khi ngủ dậy thấy tỉnh táo, sảng khoái nhưng đó là thói quen có hại cho sức khỏe. Thực tế, sau một đêm khi ngủ dậy, dạ dày trống rỗng, nước quá lạnh hay quá nóng đều làm thất thoát một lượng lớn Vitamin B khiến da mặt bị nổi mụn, mất cân bằng cơ thể. Uống một ly nước ấm tương tự nhiệt độ phòng là tốt nhất. Chú ý, khi đun nước sôi nên đậy vung, vì nước bốc hơi quá lâu trong không khí sẽ mất đi các hoạt chất có lợi.
II. Một số kiến thức khác cần biết
1. Dùng kem chống nắng
Các loại kem chống nắng có khả năng chịu ẩm rất tốt nhưng sau vài giờ da tiếp xúc với ánh nắng và nước kem sẽ không còn tác dụng, vì thế nên bôi kem chống nắng 2 giờ/ lần. Bôi kem đúng liều lượng, kịp thời sẽ làm da luôn mềm, tươi tắn vì thế nên chọn loại sản phẩm có chỉ số SPF thích hợp, tránh bôi lớp kem dày quá, kem thừa sẽ gây dị ứng da.
2. Ra ngoài trời khi nắng nóng
Không nên ra ngoài lúc nóng cực đỉnh (từ 11h>15h), có thể có nguy cơ mất nước cao dễ dẫn đến say nắng.
3. Bổ sung thêm rau-củ-quả
Thời tiết nắng nóng nên ăn các loại rau xanh, hoa quả cụ thể: Dưa hấu, cam, chanh, dừa… có tác dụng bổ sung vitamin và giúp cơ thể tránh nguy cơ mất nước. Các loại rau xanh như mồng tơi, rau dền, rau đay… giúp tránh nguy cơ mất nước của cơ thể.
Lưu ý: Tránh ăn các loại quả nóng như: mít, mận, đào.
4. Sử dụng điều hòa hợp lý
Để điều hòa ở nhiệt độ ổn định, thích hợp trong suốt thời gian sử dụng. Nên chọn điều hòa có chức năng lọc không khí, không nên nằm điều hòa quá lâu tránh làm giảm thân nhiệt cơ thể. Chỉ nên sử dụng điều hòa khoảng 2h, sau đó tắt thay vào đó dùng quạt điện… Không nên để điều hòa trực tiếp hướng vào vị trí nằm. Những ngày nắng nóng, từ trong phòng điều hòa ra và ngược lại cần phải có thời gian “ quá độ” tránh xảy ra hiện tượng “ sốc nhiệt” dẫn tới chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng… rất nguy hiểm.
Bs. Hoàng Ngọc Anh