Tết ăn quá no, nhiều thịt, đồ chiên rán, nhiều đồ ngọt, uống nước có ga, rượu bia… ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhất là người tim mạch, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng), cho biết ngày Tết tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu không biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với người mắc các bệnh mạn tính. Nguy cơ có thể do sự dư thừa thức ăn mà thiếu cân đối trong dinh dưỡng, chế độ ăn dư thừa chất béo thịt, giò chả, nem, ăn nhiều đồ chiên rán, quay, đồ ngọt, ít rau xanh. Thực phẩm nguy cơ mất an toàn vệ sinh do thức ăn nấu xong để lâu, hoặc ăn ngoài hàng quán không đảm bảo vệ sinh.
Theo bác sĩ, ngày Tết, nhiều gia đình ăn uống nhiều thịt cá hơn so với nhu cầu, ăn không điều độ, ăn không đúng bữa và số bữa ăn cũng nhiều hơn. Nhiều người còn quan niệm là “ăn cỗ” thì trên mâm phải có nhiều món ăn, nhiều thịt cá và ít rau, dẫn đến mức tiêu thụ thịt cá tăng lên nhiều so với bữa ăn hàng ngày và mất cân đối khẩu phần ăn.
“Chế độ ăn này rất nguy hại đối với người bị bệnh gout, tăng huyết áp, thừa cân và béo phì”, bác sĩ nhấn mạnh.
Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo trong bữa ăn hàng ngày, năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-67 %, chất béo chiếm 20-25%, đạm 13-20%. Ăn 3 bữa một ngày (sáng, trưa, tối) với tỷ lệ năng lượng cho các bữa là 30%, 40%, 30%. Nên ăn sáng đều đặn, không nên ăn tối quá no.
Ăn thịt ở mức vừa phải (không quá 100 g/ngày/người trưởng thành). Trung bình 1,5 kg thịt/tháng. Nên tăng cường ăn thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần. Khuyến khích ăn cá ít nhất ba bữa một tuần, trung bình 2,5 kg cá/tháng.
Tránh ăn thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như thịt mỡ, bơ, format, nội tạng động vật, các món xào rán… Nên ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật, không nên thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng các chất béo thực vật. Các acid béo no trong chất béo không vượt quá 10% năng lượng khẩu phần. Các acid béo không no như: acid linoleic, decosahexaenoic và các acid béo không no khác phải đảm bảo cung cấp 11-15% năng lượng. Mỗi người trưởng thành trung bình mỗi ngày nên ăn khoảng 25-30 g dầu, mỡ tương đương 5 6 thìa cà phê.
Tăng cường tiêu thụ rau quả, rau xanh ăn 240-320 g/ngày và quả chín là 240 g/ngày. Xây dựng thói quen ăn giảm mặn, ăn uống điều độ đúng theo nhu cầu. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải…
Tăng sử dụng đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành… (nguồn chất đạm, chất béo, nhiều hoạt chất sinh học có vai trò chống oxy hóa, chống ung thư và điều hòa chuyển hóa cholesterol) và các hạt họ đậu khác. Nên ăn 2-3 kg đậu phụ một tháng.
Không ăn bánh ngọt, kẹo, đồ uống nước ngọt, không lạm dụng rượu bia. Hạn chế các món ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn. Giảm ăn mặn, chỉ nên ăn dưới 5 g muối mỗi ngày.
Thực hiện lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, duy trì vận động hàng ngày.
Minh Anh