Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5/5 Âm lịch hằng năm, Tết Đoan Ngọ 2024 (ngày mùng 5/5 Âm lịch) sẽ rơi vào thứ Hai ngày 10/6/2024. Đây là một ngày tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc.
“Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11h đến 13h, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất. Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là “tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Theo truyền thuyết kể lại, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi.
Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Vào ngày Tết Đoan Ngọ mỗi gia đình đều chuẩn bị những mâm lễ, mâm cỗ dâng cúng tổ tiên sau đó sẽ thụ hưởng cùng với con cháu. Trong ngày Tết Đoan Ngọ người Việt Nam sẽ thường ăn các món ăn đó là:
Bánh tro
Món bánh hình thuôn dài hoặc hình chóp được làm nhân ngọt hoặc nhân mặn. Bánh có vị thanh mát, ngai ngái nồng nồng của nước tro tốt cho đường tiêu hóa, phù hợp với thời tiết mùa hè. Bánh tro là món ăn truyền thống ở vùng Nam bộ và miền Bắc Việt Nam.
Cơm rượu nếp
Trong dịp Tết Đoan Ngọ, một món ăn phổ biến trong các gia đình người Việt đó là cơm rượu. Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tác hại không tốt cho cơ thể.
Cơm rượu nếp là loại thực phẩm được làm từ nếp trộn với men rượu và đường glucose. Đây là thực phẩm giàu tinh bột, giàu vitamin nhóm B, B1 và chứa nhiều năng lượng…
Vải, mận
Theo truyền thống, vào Tết Đoan Ngọ, người Việt thường ăn các loại hoa quả có vị chua, đắng, chát, ngọt, thường là quả vải, mận, đào… để giết sâu bọ.
Đây cũng là những loại quả đang rộ mùa, vừa ngon lại rẻ… Những thức quả này có vị chua ngọt dịu dàng, rất thích hợp ăn để “diệt sâu bọ”. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, không nên ăn các loại trái cây này khi bụng đói.
Thịt vịt
Thịt vịt (quay hoặc luộc) cũng là một trong những món ăn quen thuộc trong ngày Tết Đoan Ngọ. Không chỉ mang ý nghĩa may mắn, thịt vịt còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng cân bằng âm dương, giúp thanh nhiệt, bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Bởi vịt trong tiếng Hán là “áp”. Vịt đồng âm với “áp” nên mang nghĩa trấn áp sự xâm nhập của bệnh tật, tà khí. Đây cũng là lời chúc người thân, bạn bè luôn an lành.
Chè trôi nước
Chè trôi nước ngọt mát thanh xuất hiện ở miền Nam là chủ yếu. Miền Bắc và miền Trung cũng có nhưng không quá nhiều.
Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.
Bánh khúc
Món bánh được làm từ gạo nếp, rau khúc, đậu xanh, vừng đen… rất thơm là truyền thống của người Bắc. Khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nhưng không quá nhiều.