Trước mổ bệnh nhân nên dùng thực phẩm giàu carotenoid, vitamin B, E, selen; sau mổ nên ăn món mềm, nhiều dinh dưỡng, chia nhỏ bữa.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, người bệnh ung thư thường suy kiệt về thể chất, tinh thần trong quá trình điều trị. Sự phát triển của khối u cũng làm tăng tốc độ chuyển hóa, khiến người bệnh cần thêm năng lượng.
Người mắc ung thư dạ dày có thể gặp các tình trạng như ăn không ngon, đau, khó nuốt, khô miệng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi. Tâm lý bệnh nhân buồn rầu cũng dẫn tới tình trạng hấp thu kém. Do vây, người bệnh có nguy cơ sụt cân và suy dinh dưỡng cao. Dinh dưỡng tốt sẽ giúp bổ sung lượng protein bị thiếu hụt, giảm tác dụng phụ do hóa trị, xạ trị. Ngoài ra, bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp hỗ trợ người bệnh nhanh lành vết thương, nâng cao chất lượng sống.
Bác sĩ Trà Phương cho biết thêm, với bệnh nhân ung thư dạ dày cần phẫu thuật, người bệnh cần chế độ ăn đầy đủ trước mổ. Nếu người bệnh ăn kém có thể cân nhắc bổ sung qua đường tĩnh mạch phối hợp dinh dưỡng đường ruột (có thể phải ăn qua ống thông) hoặc dinh dưỡng hoàn toàn đường tĩnh mạch.
Nếu bệnh nhân có thể ăn đường miệng, bữa ăn cần cung cấp năng lượng cao với thực phẩm giàu carotenoid, vitamin nhóm B, vitamin E và selen.
Bệnh nhân sau phẫu thuật, thể tích dạ dày giảm nên cần chia nhỏ bữa ăn (có thể áp dụng chế độ ăn 6 bữa một ngày, thể tích khoảng 200-25 0ml mỗi bữa, khoảng cách mỗi bữa ăn khoảng 3 giờ/lần).
Món ăn chế biến mềm, nhừ, cắt nhỏ, đậm độ năng lượng cao, giàu caroteinoid, các vitamin nhóm B, vitamin E và selen. Ví dụ, người nhà có thể nấu súp dinh dưỡng từ sữa bột, ngũ cốc, thịt, cá và các loại rau củ màu đậm. Nếu bệnh nhân có thể ăn bằng đường miệng, khuyến khích ăn chậm, nhai kỹ.
Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm, selen, vitamin C giúp hỗ trợ nhanh lành vết mổ, phòng thiếu máu.
Dưới đây bác sĩ Trà Phương gợi ý cách nấu món súp cho bệnh nhân ung thư dạ dày sau phẫu thuật. Giá trị dinh dưỡng gồm 1.500 kcal, chia thành 6 bữa, mỗi bữa 250 kcal, phù hợp với bệnh nhân có cân nặng 40-50 kg.
Tên thực phẩm |
Đơn vị tính |
Số lượng thực phẩm sống (6 bữa/ngày) |
Bột gạo tẻ |
gram |
150 |
Đậu xanh |
gram |
55 |
Trứng gà ( một quả trứng gà công nghiệp hoặc 1,5 quả trứng gà ta) |
gram |
50 |
Rau xanh (lấy phần lá mềm) |
gram |
360 |
Lạc hạt |
gram |
65 |
Thịt nạc (lợn, bò, gà…) |
gram |
70 |
Sữa bột |
gram |
130 |
Dầu ăn |
ml |
13 |
Muối |
gam |
2 |
Men hóa lỏng (mua tại các nhà thuốc) |
gói |
7 |
Cách chế biến:
Bước 1: Luộc trứng, rau, bỏ riêng từng món, lấy nước luộc rau để nấu các thực phẩm khác.
Bước 2: Thực phẩm làm sạch, nấu chín tất cả thực phẩm bằng nước luộc rau, sau đó cho men hóa lỏng trộn đều và xay nhuyễn với rau đã luộc.
Bước 3: Đun hỗn hợp đã xay nhuyễn với lượng nước vừa đủ khoảng 200-250 ml nước, nấu chín đến thể tích cuối cùng là 1,2 lít, chia làm 6 phần, mỗi phần 200 ml.
Bước 4: Lấy 200 ml súp ăn ngay. Phần còn lại chia làm 5 phần, mỗi phần 200 ml, cho vào tủ lạnh bảo quản ở nhiệt độ từ 4-8 độ C. Thời gian sử dụng trong vòng 24 giờ. Trước khi ăn cần làm ấm lại.
Chuyên gia cho biết thêm, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để xây dựng thực đơn cụ thể hóa dựa trên cân nặng, tình trạng dinh dưỡng.
Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 2 trên toàn thế giới. Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong có phổ biến là do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ gây bệnh khác bao gồm tuổi tác (trên 50 tuổi), nam giới, có hút thuốc lá. Chế độ ăn nhiều muối, thực phẩm hun khói có chứa chất bảo quản; ăn quá nhiều thịt đỏ, ăn thực phẩm bị nhiễm nấm Aflatoxin, chế độ ăn ít vitamin E hoặc selen, ăn ít rau xanh, trái cây… cũng là nguyên nhân.
Thư Nguyễn