Các chuyên gia cho rằng người Việt ăn quá mặn, gấp hai lần khuyến nghị, là nguyên nhân chính làm tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Ngày 24/12, bác sĩ Nguyễn Anh Quân, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh tim mạch đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới và ở Việt Nam. Một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch là chế độ ăn uống. Các bệnh tim mạch được ghi nhận là mạch vành, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ…
“Bữa ăn của người Việt thường mất cân đối, nhiều tinh bột ít đạm, đặc biệt ăn quá nhiều muối, nguy cơ gây ra các rối loạn chuyển hóa như tim mạch, huyết áp”, bác sĩ Quân nói.
Điều tra năm 2015 của Bộ Y tế cho thấy người Việt ăn trung bình 9,4 g muối mỗi ngày, gấp 2 lần so với mức cần thiết. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người trưởng thành nên ăn ít hơn 5 g muối mỗi ngày để giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Ở Việt Nam, muối chủ yếu được dùng trong các gia đình, do chế biến nấu ăn, chấm hay trộn mắm, gia vị trên bàn ăn. Muối công nghiệp có nhiều trong đồ ăn nhanh, trẻ thích ăn vặt bằng những món này sẽ tiêu thụ nhiều muối.
Bác sĩ Quân giải thích ăn mặn làm tăng huyết áp và vôi hóa thành động mạch, từ đó dẫn đến xơ vữa động mạch, tiến triển hẹp tắc lòng mạch gây các bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…, tăng tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch. Theo thống kê của Viện Tim mạch, mỗi năm khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong.
Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành là 25%, ước tính cứ 4 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng gấp 4 lần nguy cơ tử vong do đột quỵ và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch gấp 3 lần, so với người không mắc bệnh.
Theo Bộ Y tế, hơn 70% các bệnh tim mạch có nguyên nhân từ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được (như lối sống, thói quen…). Vì vậy, chế độ ăn hợp lý sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gồm giảm muối (dưới 6 g/ngày), bổ sung kali nhằm giảm và kiểm soát huyết áp. Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, tránh thức ăn chế biến sẵn, hạn chế đường, mỡ động vật…
“Chế độ ăn vùng Địa Trung Hải là một ví dụ tham khảo, giúp giảm yếu tố nguy cơ tim mạch”, bác sĩ Quân khuyến nghị. Nguyên lý của chế độ ăn này là nhiều rau, quả và cá, dầu ô liu, kèm với bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, đậu, củ, sữa chua… Chế độ ăn này rất ít thịt, ít chất béo và kèm theo một chút rượu đỏ.
Đặc biệt, theo ông Quân, cần giảm một nửa lượng muối ăn hàng ngày bằng cách “cho bớt muối khi nấu ăn; chấm nhẹ tay khi ăn; giảm đồ mặn khi lựa chọn thực phẩm”.
Mỗi người chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Phòng ngừa điều trị tốt sẽ giảm các biến cố tim mạch. Khi có chỉ định của thầy thuốc, người bệnh cần uống thuốc đều, lâu dài cả khi không có triệu chứng và huyết áp ở mức bình thường.
Lê Nga