I. Các dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ bị thấp lùn
1. Trẻ thấp hơn bạn bè cùng tuổi, cùng giới tính và thấp hơn chiều cao chuẩn.
2. Trẻ có tuổi xương nhỏ hơn tuổi đời. Tuổi xương chính là tuổi sinh học, phản ảnh sự phát triển và trưởng thành của con người. Phát hiện tuổi xương dựa vào việc chụp X-quang cổ tay để xác định số lượng tổ chức sợi và sụn trong cơ thể. Nếu tuổi xương nhỏ hơn tuổi thực tế nghĩa là trẻ có nguy cơ thiếu chiều cao.
3. Trẻ chậm tăng chiều cao hoặc không cao thêm trong thời gian dài.
4. Trẻ ít vận động ngoài trời, nguyên nhân do thể thao có tác động 20 % vào quá trình phát triển chiều cao của bé. Khi trẻ vận động ngoài trời, cơ thể sẽ tự động tổng hợp vitamin D qua da giúp trẻ cao lớn, xương chắc khỏe hơn.
5. Trẻ ngủ ít, ngủ muộn, rối loạn giấc ngủ. Thực tế 90 % sự phát triển xương ở trẻ diễn ra trong lúc đang ngủ, đặc biệt từ 22h-24h hàng ngày.
6. Khi trẻ ngủ say, đủ giấc, tuyến yên sẽ được kích thích và tiết ra hormon tăng trưởng giúp trẻ tăng thêm chiều cao. Khi trẻ thiếu ngủ, ngủ ít, ngủ muộn sau 23h hay rối loạn giấc ngủ thường trằn trọc khó ngủ, không sâu giấc… sẽ dẫn đến hạn chế chiều cao.
7. Bé mắc các bệnh mãn tính, bẩm sinh (tim bẩm sinh, đau dạ dày…) hoặc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính cũng dẫn tới nguy cơ thấp chiều cao.
8. Trẻ thiếu hụt dưỡng chất cần thiết,đặc biệt thiếu hụt : protein, sắt, B12, kẽm đặc biệt là canxi, vitamin A, D, K2 cũng làm trẻ bị hạn chế chiều cao.
9. Trẻ có biểu hiện dậy thì sớm (trước 9 tuổi ở bé gái và trước 10 tuổi ở bé trai) có nguy cơ thiếu chiều cao. Việc dậy thì sớm dẫn tăng tiết hormon sinh dục, dẫn đến cốt xương đóng sớm, tuổi xương tăng nhanh và cao hơn so với tuổi thực. Sau một thời gian phát triển nhanh chiều cao của trẻ sẽ dừng lại sớm và không thể đạt mức tối ưu.
10. Điều kiện sống thiếu thốn, dịch vụ y tế kém phát triển. Không được tiếp cận với dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thường xuyên cũng có nguy cơ thiếu chiều cao.
II. Những thói quen dẫn tới bé bị thấp lùn
1. Ít cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Vitamin D rất cần cho bé phát triển chiều cao, nếu mẹ giữ bé trong nhà, không ra ngoài tắm nắng, vận động thì bé không thể cao lớn ngược lại còn dễ ốm yếu. Tùy vào điều kiện thời tiết mà mẹ tắm nắng hợp lý (chủ yếu vào trước 9h sáng) cho con, nhờ vậy mà hấp thụ vitamin D, canxi cũng từ đó được lắng đọng vào khuôn xương nhiều hơn sẽ giúp con không chỉ cao mà bé còn có giấc ngủ sâu.
2. Bổ sung canxi quá nhiều cho trẻ.
Canxi có tác dụng giúp cho hệ xương vững chắc và giúp trẻ cao lớn nhưng nếu bổ sung quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ do hàm lượng canxi trong máu quá cao có thể đi vào xương nhiều hơn, làm cứng xương sớm. Mặt khác, còn khiến thận làm việc quá sức ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
3. Trẻ ngồi không đúng tư thế
Ngồi quá lâu, ngồi không đúng tư thế cũng là nguyên nhân gây trẻ thấp còi. Ngồi lỳ, không tham gia hoạt động thể chất, không vận động… còn gây ra các bệnh béo phì, bệnh đường tiêu hóa (táo bón),kém ăn… do năng lượng dư thừa không được giải phóng.
4. Cho trẻ uống quá nhiều nước có gas
Uống nhiều nước có gas không chỉ khiến trẻ thấp lùn mà còn ảnh hưởng xấu tới các cơ quan trong cơ thể. Nước có gas, đồ ăn nhanh có nhiều dầu mỡ, chất kích thích… có rất ít năng lượng, ít các vitamin và khoáng chất nên không có lợi cho sức khỏe. Các mẹ nên cho bé uống các loại nước ép hoa quả tươi để bổ sung đủ dưỡng chất, cung cấp chất xơ…có lợi cho sức khỏe.
5. Cho trẻ ngủ muộn, ngủ không đủ giấc
Nguyên nhân cho trẻ chơi để bố mẹ làm việc, hoặc do thói quen của trẻ không thể đi ngủ sớm trước 22 giờ cũng là nguyên nhân khiến bé thấp lùn và luôn uể oải không muốn thức giấc vào sáng hôm sau để tham gia các hoạt động khác. Tạo cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ, ngủ sớm, không cho trẻ xem các loại vidio, phim ảnh quá muộn để trẻ có giấc ngủ ngon, ngủ sâu hơn.
BS. Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội – 70 Nguyễn Chí Thanh